| Hotline: 0983.970.780

'Cha đẻ' 7 giống nhãn chín muộn

Thứ Năm 12/11/2015 , 06:39 (GMT+7)

Nhãn chín muộn, thứ quả đặc sản của Hà Nội đã vang danh khắp thế giới. Người Mỹ đã phải bay nửa vòng trái đất về Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) để hái quả tận cành, ăn tại vườn và gật gù tán thưởng.

Nhưng, ít ai ngờ rằng, “cha đẻ” của những giống nhãn quý ấy là một lão nông tri điền chưa bao giờ được đào tạo chính quy về nông nghiệp. Ông là Triệu Tiến Ích, thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Tối mai (13/11), ông Ích sẽ đón nhận Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ II của Bộ NN-PTNT. Thế mà hôm tôi đến (11/11), lão nông 63 tuổi vẫn lấm lem bụi đất trong vườn nhãn; tỉ mẩn chăm bẵm đàn lợn rừng, gà đông tảo và những con cá sấu.

Gọi là trang trại, nhưng nó đích thị là một khu nghỉ dưỡng bên bờ sông Đáy. Mỗi dịp cuối tuần, sân vườn nhà ông rộn ràng xe pháo chở khách Thủ đô tham quan, ăn uống. Những sản vật độc đáo được tự sản, tự tiêu ngay dưới bóng nhãn mát rượi.

Năm 1994, nơi đây vẫn là một bãi đất hoang. Quyền thống trị thuộc về rắn rết, chuột bọ và cỏ dại. Chỉ khi gặp đôi bàn tay chai sạn và ý chí gang thép của anh bộ đội phục viên, đất cát mới biết đẻ ra trái ngọt. Không đi theo lối mòn của tiền nhân, ông xác định trước một đích đến khá mơ hồ: SX các giống cây ăn quả độc, lạ, giá trị cao.

Tất nhiên, cái gì đã hiếm thì không bao giờ dễ tìm. Đằng đẵng cả chục năm liền, người cựu binh khoác ba lô đi khắp các tỉnh phía Bắc tìm những dòng cây ăn quả đột biến gen rồi gom về vùng đất bãi. Trong đó, nhãn là hướng đi chủ lực. Hỏi lý do, ông bảo: “Quê tôi ngày trước, nhà địa chủ nào cũng có ít nhất 1- 2 cây nhãn ở sân vườn. Cành lá xanh mát quanh năm. Quả vừa thơm vừa ngọt. Có “bà cụ nhãn” mấy trăm năm mà vẫn sum suê trái. Như vậy một đời trồng nhãn, mười đời hưởng lộc. Không giống như các loại cây chóng tàn như xoài, ổi, chanh, bưởi...”.

Năm 1997, nghe tin ở xã Đại Thành bên kia sông Đáy có hộ dân sở hữu cây nhãn trên 100 năm tuổi ra hoa, đậu quả trái vụ, ông Ích vội tìm đến. Đương lúc nhãn chín, cựu binh xin thử một quả to như hòn bi ve nếm thử. Chao ôi, cùi trong như tuyết, vị ngọt như đường mà hạt bé tẹo teo. Đôi mắt của chủ trại cây giống sáng rực, như kẻ đi giữa xa mạc gặp dòng nước mát.

Moi 1 triệu đồng trong túi, ông đưa cả cho chủ nhà, chỉ xin chiết toàn bộ cành và lấy mắt trên thân để nhân giống. “Đứa con tinh thần” đầu đời được ông đặt tên là TI-1 (viết tắt tên của ông Tiến Ích - 1). Chính sự khác biệt ở thời điểm thu hoạch (sau mùa nhãn chính vụ khoảng 1,5 - 2 tháng) khiến nó đứng ở vị thế độc tôn và không có đối thủ cạnh tranh.

Là của hiếm nên giá đẩy lên cao ngất ngưởng, gấp đôi, ba lần mức giá phổ thông. Giống nhãn sinh ra ở Đại Thành qua con mắt tinh tường của lão nông Triệu Tiến Ích, nay đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho chính người dân Đại Thành (sau này giống nhãn TI-1 được đổi thành HT-M1, và đã được cấp có thẩm quyền công nhận chính thức, đưa ra SX đại trà).

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong 5 năm qua, ông Ích đã vinh dự được Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam trao tặng Bảng vàng "Doanh nhân Hiền Tài"; Bảng vàng doanh nghiệp văn hóa do UNESCO Thế giới trao tặng; Bằng khen của Bộ NN-PTNT (năm 2010) và được vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô...

Lần khác, ở Hoài Đức có một cây nhãn mọc giữa bụi tre. Nó ra hoa muộn hơn, khi chín màu vàng sáng, bóng, mỏng vỏ, cùi dày và ngọt. Đặc biệt, ở nơi “đất sỏi, đá vôi bạc màu”, chúng vẫn ra sai quả. Chủ nhà thấy chuyện lạ nên chặt bỏ bụi tre giữ lại cây nhãn. Ông Ích lại thuyết phục mua bằng được toàn bộ cây nhãn để đưa vào tập đoàn cây đầu dòng của trang trại (đặt tên là TI-2, sau này được đổi tên thành HT-M2, được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức và phát triển đại trà).

Nếu HT-M1 đã tạo nên vùng nhãn chín muộn lừng danh ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), thì HT-M2 là giống cây chủ đạo của vùng nhãn chín muộn huyện Hoài Đức (tại các xã Song Phương, Đông La, An Thượng). Đặc biệt, với việc áp dụng tiêu chuẩn quy trình VietGAP vào SX, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nên nhãn muộn Hoài Đức đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp mã số, mã vùng, tạo điều kiện cho sản phẩm này vươn ra thị trường thế giới. Trong thành quả chung này có sự đóng góp không nhỏ của ông Triệu Tiến Ích.

Không chỉ Hà Nội, ông Ích tự hào rằng giống nhãn bản quyền của mình đã lan ra tất cả các tỉnh, thành phía Bắc. Trở thành cây mũi nhọn của nhiều địa phương.

Mặc dù sở hữu bản quyền của 7 giống nhãn chín muộn, nhưng vị cựu binh chia sẻ rằng, ai mua cây đầu dòng ông cũng bán. Ai muốn học cách nhân giống cây ông cũng dạy. Với những “học sinh” đến từ những tỉnh khó khăn, ông luôn bố trí cho họ nơi ăn, chốn ở trong suốt thời gian học hỏi.

Mỗi năm xuất trại 6-7 vạn cây nhãn giống; hàng ngàn cây xoài, ổi, chanh, bưởi diễn giống; 2.000 con gà đông tảo lai; 200 lợn rừng; 100 con cá sấu, 3 tấn cá... trừ chi phí, mỗi năm trang trại rộng hơn 2 ha của ông thu lãi hàng tỷ đồng. Ngoài ra, ông cũng tạo việc làm cho 15 - 30 lao động, với mức lương từ 3,6 - 4 triệu đồng/tháng, được hưởng các chế độ bảo hiểm, các chế độ khác tùy thuộc vào ý thức của người lao động.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm