Trơ trọi những cánh rừng
Từ cuối năm 2024, tình trạng nứa, vầu, luồng bị chết khô trên diện rộng ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Nhiều cánh rừng trơ trọi, cây chết khô. Người dân lo lắng trong vòng 7 - 10 năm tới sẽ không còn sinh kế.
Từ những tháng cuối năm 2024, rừng vầu, nứa trên địa bàn huyện Quan Sơn đã xuất hiện tình trạng mọc nhiều nhánh nhỏ, lá sum suê hơn bình thường, đất xung quanh gốc khô cằn. Người dân có kinh nghiệm cho biết, đó là hiện tượng ban đầu của tình trạng cây ra hoa và bị khuy.

2,5ha vầu của gia đình anh Hà Văn Nhiên đã bị gãy đổ do hiện tượng khuy sinh học. Ảnh: Thanh Tâm.
Xã Tam Lư (huyện Quan Sơn) có 2.893ha rừng vầu thì đã có 1.178ha bị chết khô. Diện tích còn lại vẫn đang tiếp tục ra hoa và bị khuy.
Ông Lò Văn Huyến, Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết: Toàn xã có hơn 700 hộ dân thì có tới 650 hộ có rừng vầu, tham gia vào khai thác và làm nan nứa. Về lâm nghiệp, cây vầu đang chiếm tới 70% sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ của địa phương. Vầu là cây chủ lực, đem lại thu nhập quan trọng cho bà con. Trước tình trạng rừng vầu bị khuy không ngừng tăng lên, người dân lo lắng cho kế mưu sinh lâu dài. Vì theo kinh nghiệm của người dân địa phương, phải mất 7 - 10 năm nữa rừng vầu mới cho thu hoạch trở lại.
Gia đình anh Hà Văn Nhiên (sinh năm 1979) ở Bản Hậu, xã Tam Lư có 2,5ha vầu. Gia đình anh có 5 khẩu, sống bằng nghề khai thác vầu, chẻ nan nứa bán cho các lò hấp sấy trên địa bàn. Trước tình trạng vầu ra hoa, bị khuy, anh Nhiên lo lắng cuộc sống gia đình những năm tới chưa biết sống bằng nghề gì.
Anh Nhiên cho biết cuối năm 2024, rừng vầu của gia đình ra hoa rồi chết khô từng bụi. Tới thời điểm hiện tại, cả 2,5ha đã bị khuy. Hàng chục năm nay gia đình sống bằng nghề khai thác vầu, giờ cây bị chết khô cả. Tới đây, gia đình muốn chuyển sang chăn nuôi, nhưng lại thiếu vốn.
Anh Hà Văn Hiệu ở bản Xạ (xã Tam Lư) có xưởng hấp sấy nan nứa đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập từ 200.000 - 250.000đ/người/ngày. Xưởng của anh Hiệu được xây dựng từ năm 2013, hàng năm xuất bán khoảng 420 tấn nan nứa ra thị trường. Nguyên liệu chính là thu mua của người dân trong xã Tam Lư. Trước tình trạng nứa, vầu, luồng bị chết khô (hay còn gọi là khuy sinh học), xưởng của gia đình anh Hiệu đứng trước nguy cơ cao phải đóng cửa vì không có nguyên liệu để sản xuất.
Xã Trung Tiến có 3.500ha rừng vầu xen với luồng với 7 bản gồm gần 600 hộ dân sống bằng nghề khai thác vầu và làm nan nứa, từ cuối năm 2024 xuất hiện tình trạng vầu, luồng ra hoa rồi chết khô. Theo thống kê sơ bộ, tới thời điểm hiện tại đã có 45,4ha rừng vầu, luồng bị khuy. Hiện UBND xã Trung Tiến đang tiếp tục rà soát, dự kiến sẽ hoàn thành và báo cáo số liệu cụ thể vào ngày 5/4. Xã Trung Tiến có 147 hộ nghèo, chiếm 29,2%. Lãnh đạo xã lo ngại sẽ xảy ra tình trạng tái nghèo khi về lâu dài chưa có sinh kế cho người dân.
Gia đình anh Hà Văn Khăm (sinh năm 1980) - Trưởng bản Tong (xã Trung Tiến) có 10ha vầu đã bị khuy. 6 khẩu trong gia đình anh hàng ngày khai thác và làm nan nứa, đây là nguồn thu chính của gia đình. Theo kinh nghiệm của anh, phải 10 năm nữa rừng vầu mới cho thu hoạch trở lại.
Bản Tong có hơn 200ha rừng vầu, 95% người dân sống bằng nghề rừng. Không chỉ người dân bản Tong mà nhiều bản khác trên địa bàn huyện Quan Sơn đang đứng trước nguy cơ cao thất nghiệp.
Chúng tôi gặp chị Hà Thị Luyên (sinh năm 1979) ở bản Bôn (xã Trung Thượng) đang cùng chồng chẻ nan bên đường. Khi được hỏi về về nghề nghiệp chính của gia đình, chị cho biết cả nhà chị gồm 5 người sống bằng cây vầu. Gia đình chị thuộc hộ cận nghèo, có 1ha vầu, hàng năm khi khai thác hết vợ chồng chị sẽ đi chặt luồng thuê trong xã, nhưng nay lo lắng sẽ tái nghèo vì không có việc làm.
Bài toán sinh kế và nguy cơ cháy rừng
Huyện Quan Sơn hiện có diện tích rừng tre nứa tự nhiên (nứa, vầu, bương, giang) hơn 27.460ha; rừng hỗn giao gỗ và tre nứa gần 13.993ha; rừng trồng luồng gần 11.313ha.

Chị Hà Thị Luyên lo lắng gia đình sẽ tái nghèo vì không có việc làm. Ảnh: Thanh Tâm.
Những năm qua, đời sống người dân trên địa bàn huyện chủ yếu phụ thuộc vào khai thác lâm sản từ rừng nứa, vầu, luồng. Đây là nhóm cây chủ lực trong phát triển kinh tế, được xem là cây thoát nghèo của người dân các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Theo thống kê, giá trị khai thác lâm sản ngoài gỗ năm 2024 trên địa bàn huyện Quan Sơn gồm: Nan thanh 108 nghìn tấn, củi 91 nghìn tấn, luồng 10,35 triệu cây.
Chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Việc khai thác lâm sản ngoài gỗ đúng kỹ thuật vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, vừa đảm bảo rừng phát triển theo hướng bền vững. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là hỗ trợ phục tráng rừng luồng, vầu bị suy thoái, góp phần nâng cao chất lượng rừng tại địa phương.

Những cánh rừng nứa, vầu, luồng ở Quan Sơn trơ trọi. Ảnh: Thanh Tâm.
Tuy nhiên theo thống kê ban đầu, hiện toàn huyện Quan Sơn đã có trên 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng bị chết khô (khuy sinh học). Hiện Hạt Kiểm lâm huyện đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các chủ rừng trên địa bàn tiếp tục rà soát, thống kê, xác định diện tích, mức độ rừng tre nứa bị khuy.
Việc xuất hiện tình trạng rừng tre nứa bị khuy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trên địa bàn huyện khi phần lớn kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác lâm sản từ nứa, vầu và luồng. Bên cạnh đó, tình trạng này đang gây nguy cơ rất cao dẫn đến cháy rừng khi thời tiết đang vào mùa nắng nóng.
Ông Lê Kim Du, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn cảnh báo thời gian tới cần tích cực triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó công tác tuyên truyền cho người dân cảnh giác trước nguy cơ cháy ở những rừng tre, nứa chết khuy theo phương châm “phòng cháy là chính” cần đặt hàng đầu. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tốt các nguyên nhân có thể gây cháy rừng; tổ chức trực chỉ huy, trực gác tại các khu vực trọng điểm…