Nguy cơ bệnh đạo ôn
Vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy trên 26.200ha lúa. Hiện lúa đại trà đang giai đoạn làm đòng, trà sớm chuẩn bị trổ, nhìn chung cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Do đợt không khí lạnh từ 29/3 - 2/4, trên địa bàn Quảng Trị đêm và sáng sớm có sương mù, trời rét. Đây là giai đoạn thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá và đốm sọc do vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy, chuột... phát sinh, gây hại nhiều nơi. Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị khuyến cáo các địa phương và nông dân tăng cường chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn trước, trong và sau trổ.

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa xuân. Ảnh: Việt Toàn.
- Đối với bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông:
Nguyên nhân do nấm Pyricularia oryzea gây ra trong điều kiện nhiệt độ từ 20 - 28 độ C, ẩm độ không khí cao (trời âm u, có sương mù), chân ruộng bón thừa đạm. Bệnh gây hại nhiều bộ phận trên cây lúa như lá, cổ bông, cổ gié, đốt thân.
Trên lá, vết bệnh ban đầu là chấm kim nhỏ hình giọt dầu, vết bệnh lớn dần có hình bầu dục, màu nâu nhạt, sau đó chuyển thành dạng hình thoi (hình mắt én), ở giữa có màu nâu sáng, xung quanh có quầng vàng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau gây hiện tượng cháy lá.
Trên thân, cổ lá và cổ bông vết bệnh có thể xuất hiện một vết nhỏ màu xám, sau đó chuyển thành màu nâu và lan rộng quanh cổ lá, cổ bông hơi teo thắt lại gây hiện tượng bông bạc.
Về biện pháp phòng trừ, nông dân cần tăng cường kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống, kiểm tra kỹ trên các giống nhiễm như HC95, Bắc Thơm 7, Bắc Thịnh..., trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm..., phun thuốc trừ bệnh kịp thời khi bệnh mới phát sinh (tỷ lệ bệnh khoảng 5%).
Những ruộng đã bị bệnh đạo ôn phải ngừng bón tất cả các loại phân bón và phân bón qua lá, khẩn trương phun phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane, Fenoxanil + Tricyclazole... như Beam 75wp, Fujione 40ec, Ninja 35ec, Fillia 525se , Map famy 700wp... theo liều lượng khuyến cáo, chú ý phải phun ướt đẫm lá, lượng nước thuốc đã pha ít nhất 20 lít/sào.
Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn, sau khi phun thuốc bệnh ngừng phát triển mới được bón phân. Tăng cường theo dõi và phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi lúa trổ 5 - 7 ngày.

Đạo ôn là bệnh nguy hiểm, cần chủ động phun phòng sớm khi bệnh mới chớm. Ảnh: Việt Khánh.
- Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá vi khuẩn:
+ Với điều kiện thời tiết như hiện nay, bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa sẽ tiếp tục gây hại và có khả năng lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của lúa nếu không được phòng trừ kịp thời.
Nên phun phòng ngay sau những trận mưa to, gió lớn. Bệnh đốm sọc vi khuẩn do vi khuẩn Xanthomonas oryzicola gây ra. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ > 30 độ C, ẩm độ > 80%. Bệnh xuất hiện trên lá là những vết sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc giữa các gân lá, lúc đầu vết sọc xanh trong giọt dầu, dần dần chuyển màu nâu, tạo thành các sọc nâu hẹp, xung quanh sọc nâu có thể có quầng vàng nhỏ.
+ Bệnh bạc lá vi khuẩn phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm cao, nhiều mưa, gió, trên các giống nhiễm. Những chân ruộng sâu bùn, ruộng bón thừa đạm, bón phân không cân đối là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển.
Vết bệnh giống những sọc thấm nước ở rìa lá, có màu vàng đến màu trắng, đầu tiên xuất hiện ở đầu lá hoặc 2 bên mép lá, sau đó lan dần vào phiến lá. Trên các giống nhiễm bệnh có thể lan xuống tận bẹ lá. Bệnh hại nặng làm cho lá mất khả năng quang hợp, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Khi ruộng bị bệnh cần phun trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất trừ vi khuẩn như Oxolinic acid + Streptomycinsunfate (như Maplotus 125 wp), hoạt chất Bronopol (Xantocin 40wp, Totan 200wp). Có thể kết hợp với các thuốc có hoạt chất Hexaconazole như Hexavil 6sc, Anvil 5sc… để đồng thời phòng trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn và bệnh khô vằn.

Hiện đang là giai đoạn mẫn cảm, nguy cơ bùng phát nhiều sâu bệnh hại nguy hiểm trên lúa vụ đông xuân các tỉnh phía Bắc.
- Đối với bệnh khô vằn, lem lép hạt:
Giai đoạn hiện nay bệnh khô vằn bắt đầu phát sinh gây hại mạnh. Ruộng nhiễm khô vằn nên phun các loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole + Additives( Hexa ando ) như Hexavil 6sc, Anvil 5sc…; hoạt chất Validamycin như Validan, Vali… Có thể phun kết hợp phòng trừ bệnh khô vằn, lem lép hạt, đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ 7 - 10 ngày bằng các loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole + Tricyclazole, Azoxystrobin + Difenoconazole, Difenoconazole + Propiconazole như Newtec, Amistar top...
- Sâu cuốn lá nhỏ:
Cần theo dõi trưởng thành bướm cuốn lá để phát hiện kịp thời lứa sâu non gây hại bộ lá đòng trên các trà lúa làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Phun thuốc khi mật độ sâu ≥ 10 con/m2, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1 - 2 hoặc sau khi bướm ra rộ 5 - 7 ngày bằng các loại thuốc có nhóm hoạt chất Abamectin, Emamectin (Actamec 40ec, Angun 5wg,…); Emamectin benzoate (Dylan 2ec); Chlorfenapyr (Solo 350sc).
- Đối với rầy các loại:
Cần tăng cường kiểm tra từ nay đến cuối vụ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch, ruộng gieo dày, kiểm tra kỹ ở gốc lúa, bẹ lúa để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời, không để xảy ra cháy rầy. Ngoài ra, theo dõi và kịp thời phòng trừ các đối tượng dịch hại khác như sâu đục thân, thối thân – thối bẹ... ở những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao, đảm bảo pha đúng nồng độ khuyến cáo trên toa nhãn và phun phải ướt đều lá mới mang lại hiệu quả cao (lượng nước thuốc đã pha để phun phải đảm bảo tối thiểu 20 lít cho 1 sào 500m2).

Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Việt Toàn.
Chủ động tưới tiêu, phòng chống nắng nóng
Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị cũng khuyến cáo các địa phương cần tăng cường thực hiện các giải pháp chăm sóc cây lúa giai đoạn đòng, trổ, chín:
- Trước khi lúa trổ từ 5 - 7 ngày cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá giàu kali như Kali humat, Siêu kali... để phun lên lá giúp lúa trổ nhanh, trổ thoát, tăng tỉ lệ hạt chắc và cứng cây, hạn chế đổ ngã (phun vào lúc chiều tối, không mưa, tránh phun khi lúa đang phơi màu). Đồng thời phun các loại thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, lem lép hạt... để phòng bệnh gây hại, hạn chế thiệt hại năng suất.
- Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 38 độ C, nhất là giai đoạn lúa trổ, phơi màu, ở những chân ruộng chủ động nguồn tưới tiêu cần giữ nước cao trong ruộng từ 10 - 15cm nhằm hạn chế tỉ lệ hạt lép và thoái hóa đầu bông.
- Kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao để đề phòng xuất hiện các đợt mưa lớn gây ngập úng; nếu có lốc xoáy gây đổ ngã lúa cần huy động các phương tiện bơm thoát nhanh chóng. Đối với lúa đang giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát. Đối với diện tích lúa đang giai đoạn trổ, chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa dậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín.
Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày cần rút nước để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch, tranh thủ thu hoạch kịp thời các diện tích lúa đã chín trên 85%.
Đối với chuột, cần tiếp tục duy trì công tác diệt chuột thường xuyên. Cần phải diệt chuột đồng loạt, liền vùng, liền thôn, kết hợp diệt chuột ngoài đồng, ven làng, diệt chuột trong khu dân cư, trong các hộ gia đình bằng các biện pháp tổng hợp đào bắt, bẫy bả..., ưu tiên sử dụng thuốc diệt chuột trộn sẵn thế hệ mới. Tuyệt đối không dùng bẫy điện để diệt chuột.