Thực hiện việc quản lý các công trình thủy lợi có chuyên môn sâu và phát huy hiệu quả khai thác, tỉnh Quảng Bình đã triển khai phương án chuyển 51 công trình thủy lợi (hồ chứa) thuộc quản lý các địa phương về cho Công ty TNHH MTV khai thác CTTL Quảng Bình (Công ty) quản lý khai thác. Theo quyết định này, trong giai đoạn 1 sẽ có 31 hồ đập từ các địa phương sẽ chuyển giao cho công ty.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Quảng Bình, trong hơn một năm qua, Sở đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay, để kịp thời chuyển giao các hồ chứa, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ đông xuân, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện chuyển giao các hồ chứa thủy lợi cho Công ty quản lý, vận hành khai thác theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình.
“Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh nên các địa phương đều triển khai công tác bàn giao chậm. Bên cạnh đó, đa số các hồ, đập thủy lợi thuộc danh mục bàn giao về cho Công ty trong đợt này đều không có hồ sơ lưu trữ, số liệu về giá trị tài sản không được theo dõi, gây khó khăn trong việc bàn giao tài sản”, ông Nam nói.
Để đảm bảo chuyển giao công trình kịp thời xây dựng kế hoạch cấp nước sản xuất vụ đông xuân năm 2021-2022, Sở Tài chính Quảng Bìnhthống nhất phương án trước mắt chuyển giao hiện trạng các hồ chứa. Sau khi thực hiện bàn giao hiện trạng, trên cơ sở số liệu tại thời điểm bàn giao và những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Sở Tài chính sẽ tổng hợp và có hướng dẫn cụ thể để xác định giá trị của tài sản phục vụ cho công tác bàn giao theo đúng quy định hiện hành.
Tính đến cuối 2021, có 15 hồ chứa đã được chuyển giao, 8 hồ chứa chưa chuyển giao do có dự án nâng cấp, sửa chữa và 8 hồ chứa khác còn còn vướng mắc, chưa chuyển giao được. Theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty, một số địa phương đã chủ động, có trách nhiệm và bàn giao xong các công trình thủy lợi như Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Minh Hóa. “Riêng tại địa bàn thành phố Đồng Hới còn vướng mắc 1 công trình và huyện Lệ Thủy hiện 7 công trình chưa bàn giao được. Việc này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch hoạt động của đơn vị cũng như việc điều tiết nước trong sản xuất nông nghiệp”, ông Quảng nói.
Tại huyện Lệ Thủy, các xã, hợp tác xã và các thôn phản ánh các hồ chứa này có nguồn gốc chủ yếu là từ người dân góp công sức, tiền của để đắp đập, tu bổ, sửa chữa để phục vụ tưới cho sản xuất và đề nghị tiếp tục để các địa phương trực tiếp quản quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng.
Tuy nhiên, các HTX, xã, thôn chưa xuất trình được hồ sơ, giấy tờ để chứng minh đó là tài sản của người dân đóng góp, chỉ thông qua báo cáo của UBND xã và ý kiến của cử tri. Mặt khác, qua thời gian sử dụng, các hồ chứa này bị hư hỏng, xuống cấp và các hồ chứa này đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa một phần từ nguồn vốn ngân sách của nhà nước. Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, do vướng mắc về nguồn gốc, chưa xác định được giá trị tài sản và các điều kiện khác nên UBND huyện Lệ Thủy chưa thực hiện công tác bàn giao công trình.
Tại thành phố Đồng Hới, việc tổ chức bàn giao hồ Đồng Sơn (có dung tích 2,4 triệu m3 nước) cho Công ty quản lý đang dừng lại. Lý do được đưa ra là phía UBND phường Bắc Nghĩa và Hợp tác xã DVNN Phương Xuân đề nghị bồi thường, hỗ trợ tài sản cho Hợp tác xã do trước đây UBND phường đã bàn giao quản lý, sử dụng công trình đê Đồng Sơn. Dù đã được đại diện Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - PTNT hướng dẫn, giải thích nhưng các bên vẫn không thống nhất được việc giao nhận hồ chứa nước Đồng Sơn.
Sở Nông nghiệp- PTNT Quảng Bình đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, xã, tổ chức xác định lại nguồn gốc tài sản để có phương án chuyển giao quản lý phù hợp theo quy định của pháp luật. “Đối với các hồ chứa chưa thực hiện chuyển giao, đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị đang quản lý vận hành khai thác, tiếp tục quản lý cấp nước đảm bảo hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân”- ông Trần Hoài Nam cho hay.