Những năm gần đây, tại ĐBSCL lũ lớn ít xuất hiện hơn. Có những năm, bà con nông dân gọi là "lũ đẹp". Tuy nhiên, lũ là loại hình thiên tai không thể chủ động kiểm soát, nhất là trong điều kiện ĐBSCL đang hứng chịu ảnh hưởng của biến đổi ngày càng khốc liệt. Khi lũ lớn xảy ra, có thể dẫn đến sạt lở đê bao, gây ngập lụt.
Theo TS Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục BVTV), trong điều kiện ngập lũ, cây trồng bị ức chế oxy ở bộ rễ dẫn đến bị vàng lá. Nếu cây đang mang hoa, trái thì sẽ bị rụng, thậm chí chết.
Qua mùa lũ năm 2010, có thể phân chia mức độ chịu ngập, úng của cây ăn trái tại ĐBSCL thành 3 nhóm. Nhóm chịu ngập úng kém, dưới 10 ngày, thời gian ngập úng từ 10 - 15 ngày cây còn có thể chống chịu, nếu kéo dài hơn sẽ chết cây. Nhóm này gồm các loại cây ăn trái như mít, sầu riêng, đu đủ…
Nhóm thứ 2, chịu ngập úng mức độ trung bình từ 15 - 30 ngày, gồm các loại cây như mãng cầu xiêm, nhãn, xoài… Nhóm thứ 3 là những cây chống chịu lâu hơn trên 30 ngày như chuối, mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát… Nhìn chung, khi bị ngập lũ, những loại cây trồng này đều bị thiệt hại. Không nên chủ quan.
Năm 2022, các nhà chuyên môn dự báo mực nước lũ hơi cao hơn trung bình nhiều năm. Để chăm sóc tốt cây ăn quả trong mùa lũ, TS Hồ Văn Chiến đã đưa ra một số lời khuyên cho bà con nông dân. Trước khi lũ về, nên gia cố đê bao chắc chắn, đề phòng vỡ đê.
Song song đó, bà con ngưng bón phân một tháng trước khi lũ về. Bởi vì, khi bón phân đạm cây sẽ ra tược non, bón lân sẽ ra rễ non. Khi nước ngập thì rễ non chết, dẫn đến chết cây. Do vậy, bà con nên chuẩn bị thật tốt khâu gia cố đê bao. Cùng với đó, cần dọn cỏ khu vườn cho sạch sẽ. Đối với cỏ 2 lá mầm, cỏ lá rộng, khi gặp nước ngập sẽ chết ngay. Khi đó, sự phân huỷ hữu cơ của cỏ 2 lá mầm, cỏ lá rộng sẽ làm cho rễ cây bị hư, dễ chết.
Khi có lũ đột xuất, bà con cũng nên tỉa hoa trái, chồi non, phun kali hơi cao kèm lân, làm cho lá cây già đi, đưa cây vào chế độ tạm nghỉ, ít hoạt động sẽ ít tiêu hao năng lượng. Trường hợp lũ lớn gây vỡ đê, bà con cần nhanh chóng đắp đê lại và bơm cạn nước ra ngay. Trong điều kiện không thể bơm tát được, bà con không nên đắp đê lại mà để cho nước di chuyển vận chuyển oxy. Khi đã đắp đê xong, bà con không được đi ngay trong vườn bởi có thể động rễ, ảnh hưởng rễ làm cây dễ chết.
Sau lũ, nước rút, cây hoạt động trở lại. Cây mở lại các khí khổng trên lá để hoạt động trở lại, cần oxy từ đất. Bà con dùng cào răng để cào mặt đất, xới xáo đất, bón thêm phân chuồng hoai mục, dùng rơm khô đậy lại để chống mất nước, có thể cộng thêm nấm Trichoderma để nhanh phân huỷ hữu cơ và chống chịu lại các mầm bệnh trong đất.
Bà con cũng có thể phun hormon thực vật tự nhiên gibberellin (GA3) kết hợp phân bón lá, bón gốc (NPK) để giúp cây mau chóng phục hồi. Tùy theo gốc, bón chừng 200g phân DAP và 100g phân KCl sẽ giúp cây ăn trái phát triển trở lại an toàn hơn.