Thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng
Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng và môi trường thực phẩm không đồng đều giữa thành thị, nông thôn, hay miền núi, thanh thiếu niên trở thành đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực, theo TS Inge Brouwer, Giám đốc Sáng kiến “Chế độ ăn lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống thực phẩm” (SHiFT), Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI).
Khảo sát tại các tỉnh phía Bắc (chủ yếu tại 2 địa điểm là Hà Nội và Sơn La), nhóm nghiên cứu của bà công bố, khoảng 23% thanh thiếu niên ở nông thôn gặp rủi ro cao về thiếu hụt dinh dưỡng. Ngoài ra, thanh thiếu niên ở nông thôn có xu hướng ăn nhiều hơn, khi tỷ lệ năng lượng (calo) chiếm khoảng 15% tổng mức nạp vào cơ thể trong ngày. Những con số tương ứng ở thành thị là 17% và 11%.
“Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ xuất hiện các cửa hàng bán thực phẩm xung quanh trường học, nơi ở tại nông thôn cao hơn hẳn thành thị. Nhưng chất lượng dinh dưỡng từ nguồn này không đảm bảo. Hầu hết là đồ uống có đường, thực phẩm chế biến, thay vì trái cây. Xác suất hấp thụ đủ chất dinh ở mọi địa bàn, vì thế, tương đối thấp với thanh thiếu niên”, bà Brouwer nhận xét.
Để giúp thanh thiếu niên có đủ dinh dưỡng, vị chuyên gia của IFPRI cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội. Bởi lứa tuổi này luôn dành nhiều thời gian trong ngày trên môi trường Internet. Cùng với đó, mỗi địa phương nên chủ động hơn trong việc cung cấp những nông, đặc sản thế mạnh, thực phẩm tươi đến học sinh, sinh viên.
“Giá cả phải chăng, hương vị và sự tiện lợi là những yếu tố quan trọng nhất khi thanh thiếu niên lựa chọn thực phẩm”, bà phân tích, đồng thời khuyên các gia đình nên trao quyền và khuyến khích đối tượng trẻ tham gia vào hoạt động mua sắm, lựa chọn thực phẩm. Nguyên do bởi người dân Việt Nam vẫn duy trì các bữa ăn truyền thống tại gia đình, bao gồm cả bữa sáng và 2 bữa chính.
Nghiên cứu người tiêu dùng và môi trường thực phẩm là 1 trong 5 hợp phần của Sáng kiến SHiFT triển khai tại Việt Nam. Trong các nghiên cứu còn lại, các nhà khoa học nhận thấy hầu hết các cửa hàng bán lẻ thực phẩm như quán cà phê, tiệm tạp hóa, sạp hàng đồ ăn sẵn… không phải đối mặt với bất kỳ thách thức nào về nguồn cung. Thậm chí một phần lớn trong số này bán thực phẩm giàu dinh dưỡng bền vững.
TS Ricardo Hernandez, Liên minh Bioversity & CIAT nhận xét: “Đa số những doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ này có nhu cầu mở thêm kho lạnh, hoặc phát triển kỹ năng kinh doanh, kiến thức dinh dưỡng. Tuy nhiên, đa số họ không biết loại thực phẩm nào là bổ dưỡng, giàu dinh dưỡng hay lành mạnh”, ông nói.
Phân tích thực tế về rào cản trong hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam, ThS Phạm Thị Mai Hương, Liên minh Bioversity & CIAT chỉ ra, rằng tiêu dùng thịt đỏ là vấn đề ít quan tâm nhất bởi các bên liên quan trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Một phần lý do nằm ở thói quen sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn của người Việt.
“Cơ quan quản lý và người làm chính sách có lẽ nên đầu tư nguồn lực để xây dựng những tiêu chuẩn cụ thể về hàm lượng các chất có trong thực phẩm chế biến, thực phẩm siêu chế biến, các bữa ăn được chuẩn bị sẵn tại các cơ sở bán thực phẩm, giúp người tiêu dùng có cái nhìn toàn diện hơn”, bà Hương bày tỏ.
Đẩy mạnh hơn nữa về địa phương
Là một trong những sáng kiến nghiên cứu mới thuộc Nhóm tư vấn về Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) thực hiện, SHiFT triển khai tại 3 quốc gia là Việt Nam, Etiopia và Bangladesh từ tháng 6/2022. Mục tiêu chính của SHiFT là đảm bảo chế độ ăn lành mạnh bền vững cho tất cả mọi người thông qua quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm.
SHiFT tập trung vào người tiêu dùng trong hệ thống thực phẩm với mục tiêu tăng nhu cầu về chế độ ăn lành mạnh bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đồng thời, hỗ trợ người tiêu dùng có thể tiếp cận với những loại thực phẩm bổ dưỡng, an toàn hơn, cũng như có giá cả hợp lí và được sản xuất bền vững.
Hiện SHiFT hợp tác với 3 đối tác chiến lược bao gồm Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (IPSARD).
Trong quá trình nghiên cứu, các đối tác hy vọng sẽ cung cấp bằng chứng cho quá trình hoạch định chính sách, phát triển các chỉ số và công cụ, cũng như tăng cường khả năng tổ chức để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Cùng với đó, là cải thiện sinh kế, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, những đóng góp của Sáng kiến SHiFT là hết sức cần thiết, trong bối cảnh nhận thức và hành vi của người tiêu dùng - chủ thể của hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam - còn hạn chế về dinh dưỡng, tiêu dùng xanh, cũng như tiêu dùng có trách nhiệm.
“Việt Nam đang đối mặt với 3 gánh nặng đồng thời về dinh dưỡng, đó là thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng còn cao ở khu vực vùng miền núi và tỷ lệ thừa cân béo phì, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng tại khu vực thành thị”, ông Liêm chia sẻ.
Để có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bên, ngày 18/10 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 37 đối tác liên quan ký kết và tổ chức thực hiện Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Theo ông Liêm, đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy các hoạt động liên quan giữa các bên.
Một tuần sau lễ ký, Hội thảo đánh giá tiến độ triển khai Sáng kiến SHiFT tại Việt Nam sau gần 3 năm hoạt đã tập trung thảo luận về khả năng hỗ trợ của SHiFT trong quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam.
Bên cạnh cung cấp thông tin về những hoạt động tiếp theo của SHiFT, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc VAAS, mong muốn có thể tích hợp thông tin từ các bên liên quan vào báo cáo kỹ thuật của kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững
Đến nay, ngoài 5 nhóm hỗ trợ kỹ thuật, SHiFT đã triển khai những báo cáo, khuyến nghị tới cấp địa phương, cụ thể là ở 2 tỉnh Đồng Tháp và Sơn La. Thông qua việc tăng cường kiến thức và năng lực cho các bên liên quan ở địa phương, SHiFT tin tưởng có thể hỗ trợ xây dựng kế hoạch phù hợp với bối cảnh của từng địa bàn, nhằm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.
Trong tháng 8-9/2024, SHiFT đã tổ chức 2 đợt tập huấn tại Đồng Tháp và Sơn La về hệ thống lương thực thực phẩm cấp tỉnh. Dự kiến trong tháng 11 và 12 sắp tới, SHiFT sẽ họp kỹ thuật, tiến tới lập kế hoạch hành động cho các bên liên quan cùng tham gia vào chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở địa phương.