Ngày 22/8, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo “cơ giới hóa trong sản xuất trái cây”.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, tỉnh Tiền Giang nói riêng và nhiều địa phương khác của khu vực ĐBSCL có mức độ cơ giới hóa cao. Cụ thể như ở khâu làm đất lúa đạt 100%, thu hoạch lúa đạt trên 90%. Khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật cây hàng năm đạt trên 70%. Thời gian qua cơ giới hóa nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngành nông nghiệp và thế mạnh của nhiều địa phương.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trái cây. Đồng thời, giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL tìm ra những giải pháp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung là sản xuất trái cây, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm sản đến năm 2030 theo Quyết định số 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Cục Kinh tế hợp tác, hiện nay vùng ĐBSCL có diện tích cây ăn quả 400 nghìn ha (chiếm gần 40% diện tích cả nước), sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn (chiếm 60% cả nước); giá trị sản xuất của cây ăn trái 48.651 tỷ đồng (chiếm 48% giá trị sản xuất cây ăn trái cả nước).