| Hotline: 0983.970.780

Chấm xanh nơi vườn cũ

Thứ Sáu 19/02/2021 , 13:15 (GMT+7)

Những năm xa quê, mơ xuân, tôi thường la đà bay về nhà ngoại.

Nhà ngoại ngự đầu làng xanh những tre cọ mít na nhãn bưởi chè ấp iu mái gồi nâu mộc. Điểm khác biệt ngôi nhà của vị hương sư kỳ cựu là bờ rào cây duối xén tỉa chạy vòng quanh thổ cư gần mẫu đất ao vườn như bức tường thành xanh.

Vòm cổng hình cung nhọn, xuyên qua khối chữ nhật, gợi nên lối vào tòa giáo đường Gothic, kết nối bởi hai cây duối khù khoèo giao cành sang nhau tạo mái che suốt con ngõ rộng hơn cả gian nhà, thỏa khách trú mưa tránh nắng chờ chủ nhà lộc cộc mở cánh cổng gỗ then ngang. Đó cũng là nơi tôi giao du với đám trẻ gái trai sàn sàn tuổi nhưng vai vế trong họ là những chú những dì hay ông trẻ bà trẻ, mỗi chủ nhật theo mẹ về lễ.

Bên kia mặt đường cát trắng rộng vài chục bước, thấp thoáng sau hàng nhãn lùm xùm bờ rào xây hoa văn hoa thị, tòa giáo đường giống đình làng kết cấu gỗ với tháp chuông như chùa Một Cột vươn vút lên đỡ cây thánh giá.

Miền không gian kiến trúc tôn giáo và cư dân hài hòa, tinh tế tự nhiên đậm chất Việt và Xanh - theo ngôn ngữ đương đại.

Làng Hoàng, dựng trên triền sét cát cao, giữa bốn bề sông nước, chốn tụ hội của lưu dân đánh cá và sơn tràng. Đất thịnh lành, níu dần thương nhân và các nhà truyền giáo dừng bước. Thưa rộng, nhưng nhu cầu nhất khoảnh, không muốn đụng chạm tư hữu, nhà nào cũng lập hàng rào bảo vệ. Giàu trồng mây gai,  tre, ô rô, găng gai, nghèo thì cắm cúc tần, dâm bụt, thanh táo.

Riêng nhà ngoại thì cụ ngũ đại lại chọn cây duối làm phên dậu. Cụ dạy: Chúa đã tạo ra một giống cây lành, một thứ mộc phật. Sống trăm năm ngàn năm vẫn xanh chồi. Bởi duối là cây giữ đất, lưu nước ngầm, rễ thuốn sâu vài chục chục mét, không hại hoa màu.

Duối mọc ở đâu thì mối đến làm tổ kéo đất mùn đến đắp xây, đất càng thêm màu mỡ. Thân không gai, dẻo mềm dựng hàng rào va chạm không hại người, phản chủ. Thân cành dai bền, đan liền nhau, con gà chui không lọt. Kẻ trộm vượt vào thì không thể, bức tường cây đàn hồi, ngật ngưỡng đẩy hắn ngã nhào. Và nó còn là một vị thuốc nam chế khắc vô số bệnh mà cư dân sông nước nhiệt đới thường mắc, mọc quanh nhà.

Vậy cây gì xứng hơn duối khi vừa làm bạn vừa làm lính canh cho an vui mái ấm?

Không dễ gì bức rào duối, ngoài sự gieo trồng chăm sóc, xén tỉa mỗi tuần trăng, ấy là tính thời gian. Phải chờ ít nhất mười năm mới hình thành và ba mươi năm mới có một hàng rào duối đúng nghĩa, ba chiều không gian, cao vượt tầm với, rộng vừa chiếu một, cành dăm, cành nhỏ đan rối sít như căng lưới thép, do cắt giật cấp lâu năm mà thành.

Giữ chân chàng hương sư trẻ vời từ phủ Quốc, cha xứ và lý trưởng, ưu ái dành cho khoảnh đất nhuận khí. Cận giáo đường giáo xứ. Dựng nhà, mở trường đều thuận. Nhớ bờ duối ngôi nhà quê, ông thày đồ chưa kịp già và đám học trò vào rừng rung cành, đãi hạt duối chín.

Trái duối chín sáng đẹp như ngô nếp hạt, dùng tay xát, đãi nước sạch tẩy lớp vỏ lụa và cùi mềm như thạch vàng tươi bao bọc hạt mầm trắng ngà, khi hong trong bóng râm người ta dễ lầm với hạt tiệu sọ. Phơi mươi hôm, hạt khô háo cất hũ sành, đợi giêng hai phơ phới thì khơi rãnh rộng chừng nửa mét, sâu lưng ống chân, rải đất màu rồi quải hạt duối như gieo rau cải.

Và thế, sau nửa tháng hạt nảy nên cây duối non phủ kín xanh rãnh đất quanh nhà. Ngoảng đi ngó lại, lay phay xuân mưa dứt, chớm đuỳnh đoàng tháng ba sấm trút rào rào cơn hạ. Khô ướt chen nhau, bờ duối “tăm” lớn vổng ngang thắt lưng. Đã thì tỉa cây duối “tăm”, phần việc của trưởng tràng hướng dẫn đàn em, nhổ bớt những cây mọc không đúng vị trí, sao cho khoảng cách mỗi cây không quá một gang, theo đường zích-zắc. Số cây tỉa bớt, giâm riêng góc vườn, để sau trồng dặm vào những chỗ cây chết. Xong đận chỉ việc đợi duối lớn, duối đâm chồi ngang quanh thân từ gốc đến ngọn tay cành kết nối, như người nối người nắm tay nhau giăng hàng trước giông bão đấu tranh.

Dĩ nhiên chuyện gieo trồng bờ duối diễn ra hai trăm năm trước. Ngày tôi bám mẹ về nhà ngoại ngước lên thì đã thấy vòm cổng duối xanh Gothic uy nghiêm. Bức tường cây xanh thẫm lấm tấm hoa.

Nụ duối hình cầu tí xíu như hoa ké đồng tiền, nụ đực màu vàng ngả lục, nụ hoa cái thì màu lục toàn bích. Dù đực, dù cái thì nụ duối vẫn có thể bung từng chùm hoặc mọc lẻ chơ vơ nách lá. Trời ban cho duối thân gỗ lớn, nhưng hoa trái kích thước bé tẹo. Để bù lại, hễ nụ nào nảy thì đậu quả ấy, chi chít dọc theo cành như những chiếc cần câu đính cườm.

 Trái duối chín giữa những cơn mưa tháng ba rửa trôi bụi trời, bờ rào quanh nhà Ngoại bỗng rực đường viền vàng sáng lúa chín. Chim chào mào, chim bạc má líu lo gọi nhau về ăn trái, thi nhau nhào xuống, vọt lên. Dăm con thằn lằn xám, thằn lằn xanh đuôi dài ngo nghoe phóng lưỡi chộp nhện ma, chấu chấu xì soạp. Cả ong vàng, ong vò vẽ, ong mật rung cánh lụa sà xuống những trái duối quá chín vỡ vỏ lụa, tìm vị ngọt cho mình.

Sau mấy háo hức duối chín đầu mùa, tôi và chúng bạn chẳng còn thiết tha vùng quả chín là đà trong tầm với. Ánh mắt no nê, thỏa mãn nhìn lên vòm quả mà yên tâm lúc nào cũng sẵn quà vặt nếu bất chợt buồn miệng.

Cùng là duối chín, nhưng mỗi cây, mỗi cành, mỗi quả ngọt nhạt khác vị. Kéo nhau ra cây duối cổ lụ khụ bờ ngòi, mỗi đứa bẻ một cành tăm lúc lỉu vàng, vặt bỏ những chiếc lá ráp như vảy cá rô, nằm ngửa trên thảm cỏ mật, chúm môi bứt từng trái, dùng lưỡi ép lên vòm miệng, mật duối đủ ngọt nhợ để tăng cơn thèm, bập thêm trái nữa…

Đấy là lối thích bẻ cành, nếu thích vặt từng trái bỏ tọt miệng thì không phải đi đâu xa, ngay  dưới vòm cổng hoặc ven bờ rào duối nhà Ngoại là miên man tha hồ. Duối nhà ngoại thưa trái, nhưng trái to mọng, chỉ phiền là hơi khó hái trước hệ thống cành duối sin sít, phải uốn éo bàn tay mới bòn được vài quả…Nhưng ngọt ơi là ngọt, thơm ngần là thơm.

Bên tôi những ngày duối chín ấy thì luôn có Tĩnh - người anh họ con bác Tình cùng dắt díu chơi rong. Cao hơn tôi nửa đầu. Xanh mét, mắt lúc nào cũng vẻ ậng nước kiểu con gái, tóc đen mun, áo ba lỗ, hở cây thánh giá bạc lắc lẻo trên khuôn ngực mỏng như bìa đậu, cái quần lửng mặc thừa được chữa lại cho vừa với thân hình lòng khòng.

Nhà sáu chị em, anh Tĩnh là út, nên nhông nhan chơi lêu là chính. Đến nhà, mỗi chị ngồi một góc trước giá treo rường lưới, nhoáy nhoáy ngoắc kim đan, luồn nút qua “con cữ”. Bác trai chẻ nứa, bác gái dùng nan nứa đan chũm đánh tôm.

Chẳng hiểu sao anh Tĩnh lại chở che tôi. Chắc khi gửi tôi nhà Ngoại, mẹ đã có lời với đám trẻ xóm Nhà Thờ. Em nó dại, các cháu cho em chơi cùng với nhé! Thấy anh Tĩnh ngoáy mũi, mẹ cậy luôn: “A, có anh Tĩnh đây, cháu vai anh, cháu nhớ bảo vệ em cho dì”.

Nên chẳng phổng hơn tôi bao lăm, anh Tĩnh vẫn gồng đôi cánh tay còm cõi đỡ tôi. Ăn duối bờ ngòi, anh trèo lên bẻ hai cành  quả chìa cho tôi chọn trước. Con cù tít nhất nổi vân mây, réo u u giống động cơ máy bay mà tôi có cũnglà nhờ anh kỳ khu đẽo gọt bằng cành duối chặt gần Vườn Thánh. Loong toong vào xóm, đụng chó dữ, anh xông trước nháo tìm hòn đá…

Bù lại, tôi dấm dúi chia riêng anh nhiều hơn những nắm bỏng ngô thắng mật mía khét cháy hoặc mấy cái kẹo vừng vặn xoáy như mẩu dây thừng. Những thức ấy, ngọt chất ngất ngon tê mê cả ngàn lần một vốc duối chín. Mà trẻ con thời khó ngặt cơm độn còn xỏn xẻn nữa là bánh kẹo. Đứa nào cũng háo ngọt bồi đắp năng lượng cho cơ bắp non đói tinh bột cho nơ ron lưu giữ các kỹ năng sống đầu đời…

Lộng gió suốt đường làng. Bao nhiêu quả chín thì bấy nhiêu là con mắt tò mò, ngác ngơ của duối đang mở nhìn các thanh nữ ới ơi níu căng tấm lụa trắng phơi trên dọc bờ rào.

Nhưng lụa trắng chẳng chịu nằm yên nơi bờ duối, cứ uốn mình phới lên không chực bay với cánh chuồn, bởi có chị chẳng chịu níu mà nhẩn nha ngắt lá duối chà răng cho thêm trắng. Lụa mới rời khung cửi đã giặt  kỹ những cũng cần phơi kỹ nắng để áo Alba mùa Phục Sinh tới sẽ không nhăn nheo co giãn.

Trên thềm gạch bát, dáng Ngoại nghiêm cao đang bước xuống thềm xách chiếc lồng chim cu gáy cườm vừng treo lên vòm cổng duối. Chiếc lồng chưa định vị, cu gáy đã gật đầu grừ grừ vào nhịp gáy “bổ tư”: Cúc cù cu…cu.  Âm thổ đồng sau ba tiếng cúc cù cu… nhấn thêm một “cu”trầm vang như buông tiếng chuông dài.

Mẹ có hai em trai và một em gái. Cậu cả ở rể làng bên. Dì út lấy chồng xóm dưới. Cậu hai sắp cưới thì đi bộ đội. Hành quân đến Quảng Bình, phần nhớ người yêu, phần bom đạn, cậu “bê quay”. Chưa kịp về đến nhà cậu đã bị huyện đội túm, đưa đến công trường học tập. Ngày nào cũng ưỡn ngực hô: “Ai cũng như tôi thì lấy ai đánh Mỹ”. Ba tháng sau cậu trích máu viết đơn xin trở lại chiến trường. Ngoại thường ngồi im mỗi chiều từ đấy.

Thấy đứa nào cũng khoe bà ngoại, chúng được bà ngoại nựng quà, thơm má, riêng tôi không. Hỏi mẹ, hỏi Ngoại thì cả hai đều bảo, bàt heo hầu Chúa từ năm sinh dì út. Bà đang ở trên trời với những đám mây.

Những buổi duối vàng đủ đầy trò trẻ, nhưng tôi ngẩn ngơ nhiều lắm nỗi thiếu vắng bà ngoại. Nếu có nỗi bất hạnh hay tị hiềm nào của buổi ấy, thì chính là nỗi đau thơ dại tôi không có vòng tay bà ngoại, không biết mặt bà.

Cựu giáo chức thu dung hàng xã, Ngoại cặm cụi bòn buồng cau, nải chuối, bè rau muống ao, mấy ổ gà ấp trứng cũng đủ. Và con cu gáy kia Ngoại cũng không hẳn dành cho thú chơi nghe nó chào khách, tiễn khách.

Theo ẩn ngôn đương đại, đó là hình thức “lên sóng” để ai đó yêu thích có nhu cầu thì trao đổi. Chim lấy chim. Chim lấy thóc gạo, mắm muối. Thi thoảng những thợ bẫy lạ mặt, họ mang con chim nhiều tiềm năng đến nhờ Ngoại thuần, rồi khăng khăng xách lồng chim treo dưới vòm cổng đi.

Cười xòa, Ngoại thì thầm gì đó với khách, trở nhanh vào nhà. Trên tay ngoại là một lồng chim khác, độ “độc” tương sánh chín mười với con “trình diễn”. Hãy cứ mang về nhà ngẫm ngợi, nghe con chim này gù, không ưng, thì khách đẩy nó quay đầu bất kể.

Bởi con chim cườm vừng được chiều nựng, Ngoại đã bầu bạn với nó gần hai mươi năm. Nó từng thấy nóc lồng gãy một bước nan nên giãy giụa thoát thân ra ngoài, đến nỗi trầy trụa cả hai bên cánh, cườm vừng tả tơi.

Nó lượn quanh vườn, đỗ trên đỉnh thánh giá giáo đường hân hoan gù quay vòng trọn chiều đủ giai điệu. Xong, nó lượn vòng xoáy lên cao, mất hút. Tinh mơ sau, Ngoại ngỡ ngàng dụi mắt, con cu gáy cườm vừng “bổ tư”thương tích đã đậu trên nóc chuồng cũ.

Chim cu gáy ở với người thì sống tới ba bốn mươi năm nhưng không luyến chủ. Ngày nào cũng tìm cơ hội đào thoát. Dù về đời sống hoang chỉ sống được dăm năm. Nhưng gàn là cu gáy một mực nhăm nhằm lối ra qua nóc lồng. Phía trên cao, phía bầu trời xanh lộng.

Phía của tự do. Một khi thoát nóc lồng là bay biệt. Giả sử đáy lồng toang cả tuần, nó cũng không thèm lộn đầu qua cửa dưới bỏ trốn. Chim cu gáy quân tử hơn cả con người.

Mùa duối, Ngoại không chỉ thong dong với cu gáy. Ào mưa, vụt nắng, duối chín rộ nhưng xương khớp người già đau mỏi, Ngoại thường ra dưới vòm cổng, thưởng chén rượu duối mùa cũ ngắm trái mùa mới bung sao, chờ ngâm bình rượu mới.

Lần túi áo trước bụng, Ngoại  mở con dao gấp Laguiole khía vào lớp vỏ loang xanh loang vàng dày cộp thân cây duối trụ cổng, dòng nhựa sữa rưng rưng ứa trào. Người áp những miếng giấy bản cắt tròn vừa khổ miếng cao phết sẵn vôi, thấm nhựa duối chứa chất cao su dán lên hai thái dương, vào những khủy tay, đầu gối để vận động nhu thuần.

Sâu răng, tôi ti tỉ chổng mông khóc vật. Ngoại bào chế cốc nước vỏ duối sao vàng, sắc đặc quánh như café phin, vỗ về: Con ngoan, súc miệng ngậm, rồi đếm đến một ngàn sẽ khỏi. Kỳ diệu, đếm chưa đến năm trăm, những tia đau xuyên chói lên tôi não không còn giần giật, bất ngờ mất biến.

Trưa trưa, thợ sơn tràng hạ gánh nứa tép trước cổng nghỉ nhờ bóng duối. Những gánh nứa hình chữ A, hai bó lâm sản làm hai cạnh huyền châu đầu phía trước, đòn gánh là khúc cây tươi lách qua những thân nứa cạnh huyền giữ thăng bằng.

Đám người quắt, mắt đờ lòng trắng, môi thâm sốt, tay chân trầy sát, máu khô bong vết, áo quần xù miếng vá như vải nghi trang, ghé xin ngoại hớp nước giếng. Nước giếng vườn duối bao quanh trong thanh, sát trùng giã khát chưa bao giờ làm người ta đau bụng.

Thả gàu mo kéo lên sóng sánh mát lành, người thợ sơn tràng trút ào sang chiếc nón bạn nghề vừa ngả. Thế là vục mặt ừng ực, thỏa thuê chuyền nhau nón nước, đưa tay quyệt mép chảy ròng, nhìn sang thấy duối chín vô vàn, cơn đói bỗng bùng lên.

Tay năm tay mười, những người thợ rừng hái trái ném tọt tọt vào miệng, vừa nhằn vừa nuốt vừa thổi hạt phù phù… Nước giếng lọc rễ duối và chút vị đường chút vitamin duối chắc cũng làm cho đôi vai hằn gân xương đỡ đau, bàn chân gót nẻ ngón tõe đỡ mỏi…

Sơn tràng, nhưng họ sống ngoài cửa sông Đà, chuyên bán tre nứa cho những người trồng rau bãi Đoan làm phên che sương, làm cọc rèo cho dưa đỗ leo và cắm dựng bờ rào. Thảng hoặc vào rừng nếu gặp cây duối, thì họ sẽ không vào cánh rừng đó, mà vòng sang rừng khác. Bởi cây duối là tín hiệu của thần rừng không muốn họ khai thác nơi thần ngự.

Trong lúc chuyện vãn với thợ sơn tràng, Ngoại đứng trên chiếc ghế bậc lựa những trái duối chín tới thả vào chiếc đấu đong gạo tiện gỗ mít sơn son bong tróc như sắt gỉ. Đầy một đấu, nghĩa là một cân duối. Mỗi năm ngoại cần một yến duối tươi là dư dả rượu ngâm. Quả duối ngọt nhất khi chín tới, vỏ quả còn đanh thì đạt lượng dưỡng chất đỉnh. Một khi vỏ nứt, trái phình thì nhão nhoẹt, nhạt hoét đến bọn ruồi dấm cũng chẳng thèm lẩn vẩn.

Thứ rượu sậm như cognac đắng dịu, vẩn vơ vị ngọt, uống tối nay mai sáng còn thơm, trị đau người, nhức răng, trục khí tà. Duối chín rửa bụi đợi ráo quả thì rải liếp nứa hong trên than hoa củi sồi một lửa, bấm móng tay cùi quả  “đét” vào hạt. Ấy là duối đã khô.

Hạ thổ một đêm trong bao lụa. Rồi chuẩn theo công thức một duối ba rượu. Rượu ngâm nếp men bắc chưng hai lửa, lỡ quẹt tàn đóm hút thuốc cháy bùng mới thể dùng. Chu đáo thì thêm vài giọt tinh dầu quế vào bình ngâm, không thì vỏ quế thanh cũng thành.

Nơi thư phòng của ngoại, mạng nhện chăng những bình thủy tinh rượu ngâm nắp gỗ tiện sắp hàng trên giá sách. Bình đầy bình vơi bình khô khỏng. Bình nào thì cũng phải trữ dư ba năm ngoại mới khui nắp. Rượu duối nối rượu duối lấn những cuốn sách mỗi ngày mỗi rơi rụng vì mọt và ẩm mốc.

Mâm son tróc mòn, bày cơm độn, cá diếc rán sơ dầm tương ủ trấu, đậu phụ luộc, rau muống xào tỏi. Bát tôi bông phần cơm, để bát ngoại sượng sùng đen chát chuối xanh. Chén rượu duối buổi chiều không xua tan khói sương trong mắt ngoại, nhưng đủ để chát mặn đỡ lấn cấn khẩu vị người. Và chiếc tăm duối tôi ngắt cành tươi dâng đã thanh tẩy vướng bám, dưỡng sức nhai, thanh sáng nụ cười Ngoại.

Mùa hạ liêu diêu qua trận nắng cơn mưa khía vết dấu cát trắng đường làng loạc ngoạc bàn chân con trẻ. Trái duối quá lứa buông mình lẩn rơi gốc cỏ cùng những chiếc lá vàng loang xám quăn queo.

Và thế, tiếng chim tranh ăn trái vắng thưa theo mỗi ngày. Đám sơn tràng tơi tả gánh nứa ngắc ngư nhìn chậm rồi bỏ qua thậm thịch. Lồng chim Ngoại nhấc khỏi vòm xanh mang vào sau chái nhà trong. Con cu cườm bổ tư bất chợt thay lông, cần tĩnh dưỡng. Vòm Gothic trống không.

Bờ duối sau cơn hân hoan đám đông vây bủa, hẫng vào trầm cảm, lá xun xoăn, cành phờ rêu mốc buồn thìu thịu, tôi cũng ngẩn ngơ theo. Ngoại giương mục kỉnh gọng sừng đen to sụ mắt tròn, bỏ tôi thẩn tha để lạc vào cơn mê đọc chú giải Truyện Kiều.

Mỗi lần lật trang ngoại lại vặn người để ván tràng kỷ cọ kẹ rên kêu. Chát thơm hương rượu duối lòng vòng.Thảng hoặc có người a đến ngoài rào vặt nắm lá, đẽo mảnh vỏ duối về làm thuốc mà chẳng ới ngoại một câu. Vẫn kia trái duối muộn chín le lói sáng giữa hàng rào như giọt nắng mắc kẹt giữa dăm cành. Ngước lên thênh trời thu xanh ngặt tôi tự hỏi, hun hút thế kia bà ngoại ở chỗ nào?

Âu sầu mươi bữa, dền dứ chớm mưa ngâu bờ duối bỗng xanh nhấc mình lên. Búp ngọn tua tủa như chè xuân bung lụa. Khuôn thức “ngang bằng xổ thẳng” bỗng dưng phùng phình xù xù, bờ duối như bụng mang bầu.

Dừng đọc, Ngoại thở dài: Dào ôi, lại tốn với hàng rào. Nếu còn là ngày xưa, người trưởng tràng sẽ cắt đặt kẻ chịu trách nhiệm xén tỉa giúp thày. Chẳng gì cũng dăm đời nối việc hương sư, nhưng Ngoại đã buông phấn, khép giáo khoa thư mấy chục năm đào đâu học trò sung sức mà cậy.

Rồi thì vẫn đến tay bác Cà Bát, chuyên trèo cọ thuê, nhận khoán xén bờ duối với giá ba buồng chuối xanh và hai chục trứng gà.

Nhỏ con như nài ngựa đua, bác Cà Bát cởi trần khoe hai cây thánh giá tattoo nơi hai cánh tay, rút lưỡi quắm thay dao bạt hai lưỡi dài nửa mét như mái chèo vào cán tre đực. Đứng trên chiếc ghế bậc, Cà Bát vung lưỡi bạt loáng lạnh bên trái xoẹt một đường, vút tầm, dừng một giây, lật lưỡi bạt bên phải, xoẹt ngược.

Mầm duối đứt ngọt không kịp ngả mà tụt hẫng, chỉ hơi nghiêng nghiêng trên bề mặt rào. Quài tay rút chổi tre sau lưng, người đàn ông vươn người quét hất mầm duối vửa trảm dồn đống xuống chân rào. Vết cắt còn ròng nhựa thì mấy bà cắp sảo đã vơ lèn mang về cho lợn chửa, bò chửa nhai dưỡng thai…

Thâm tâm ngoại ngại ngần dính tới Cà Bát. Bác mê rượu, huống là tang rượu duối của ngoại. Gì thì gì, ngơi dao phạt là Cà Bát xăm xe gãi đầu, há miệng, thò ngón tay vào hàm gí gí lay lay, con xin cụ tí nước thuốc ngậm đau răng.

Súc miệng chữa đau chưa xong thì Cà Bát đã cà khịa thế thời. Bác kể lể kẻ trộm vào ăn vụng cá kho trong Nhà Chung rồi tè bậy ra bếp. Chưa xong lại ngoặt sang chuyện dân quân dồn dân đi gặt không cho đi lễ chủ nhật. Và rồi tự sự mình làm nghề trèo leo, nên ai cũng khiến cũng sai sau mới trách móc rụt rùi người vợ bác chưa bao giờ biết mặt…

Bác Cà Bát lo bằng biện phần bờ rào, chừa lại vòm cổng Gothic bởi ngoại chẳng tin ai ngoài mình trên giàn giáo, xoay đảo, cầm kéo tỉ mẩn, soi chiếu từng mầm chồi mới quyết cắt hay dưỡng sao cho vòm cong, gờ chỉ, đường gân nổi khối, khôn mượt mắt mới yên. Xong việc, ngoại tắm nước nóng bỏ vỏ bưởi, lá duối, trưng bộ đũi vàng đẹp đẽ còn sót, cầm chén rượu duối, ngoắc con cu cườm vừng bổ tư, gạ nó gáy….

Chiêm ngưỡng vòm Gothic, ngoại nói với tôi mà cũng để nói với ai đó:

- Làm người, không làm việc thì chơi, nhưng một khi đã làm thì phải tới nơi tới chốn.

Tôi lớn lên qua những mùa duối thơm thiếp vàng cổng vòm Gothic nhà ngoại. Inh nghe người ta lý sự về duối mà tâm nhiễu loạn. Này, duối là cây mang rủi do đến cửa vì quả không ra quả, hoa không ra hoa, chín thơm mê dụ rắn chuột sâu kiến về nhà. Gỗ vừa đốn đã mọt mối. Thứ cây vô tích sự. Kia, duối là cây sống ngàn năm, chẳng ngại nơi cằn kiệt đến vùng bán sình lầy mà còn là vô số vị thuốc biến ảo cứu chữa cho nhân quần, gia súc, duối là cây phúc lộc. Duối xứng đáng tạo bonsai thế cảnh. Duối chết khô còn hiến thân dưỡng sinh mộc nhĩ nấm hương tôn cao mỹ vị.

Một mùa duối hãy còn xanh đắng, anh Tĩnh mất. Gặp năm khan nước,  đáy sông ngòi nứt nẻ. Chũm tôm lồng lưới chất quanh nhà nghề. Vê va anh lên bờ duối nhà ngoại vặt trái ăn thỏa rồi về ngủ. Chập choạng, bác gái gọi dậy thì anh ấy đã cứng lạnh người. Chẳng rõ trúng thực hay ngộ độc nọc rắn phun lẫn vào trái duối khi săn chuột.

Đưa anh lên Vườn Thánh, đượm dòng người khăn áo trắng bập bềnh chiếc quan tài phủ trắng hoa ngợp ban mai trong ngần sắc duối chín.

Tôi đi lính năm 79, trái duối biên thùy đắng hơn duối quê. Những xác duối gãy gục đắp lên bờ công sự. Rồi một ngày cu cườm vừng cúi gục, gáy gọi bổ tư thì Ngoại đã theo bà. Cũng đận cậu hai được giã ngũ vì quặt quẹo sức khỏe. Cậu lấy vợ làng, mợ cũng tảo tần với lưới cước chũm đan. Đòn số phận giáng cậu bệnh máu, chất độc da cam phát tác lúc an bình.

Từng gốc duối cổ dân chơi, lái buôn lần đến bứng. Mấy trăm năm cây dại đã nên vàng. Gạch xỉ gạch vồ xám ngoét, đẩy lui dần thành duối tận cổng vòm. Rào giậu hết thì mệnh người cũng kết giữa lúc vòm Gothic xanh thợ kiểng đang đào.

Mùa duối chín chưa kịp tàn tôi rời lính, trở về nhà ngoại thì chỉ còn chấm xanh vòm cổng nơi vườn cũ vẫn chờ.

Xem thêm
Vợ NSND Công Lý phẫn nộ khi chồng bị tung tin đồn xấu

Vợ nghệ sĩ Công Lý đã vô cùng bức xúc và phải lên tiếng làm rõ trước thông tin giả đang được lan truyền trên mạng thời gian gần đây.

Nhận định Wolves vs Arsenal: Pháo thủ trút giận?

Trận đấu giữa Wolves vs Arsenal trong khuôn khổ vòng 34 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 20h30 ngày 20/4/2024 trên sân vận động Molineaux. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam hướng đến kết quả tốt nhất trước Malaysia'

U23 Việt Nam đã hoàn tất sự chuẩn bị trước lượt trận thứ hai gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm