Trồng tiêu leo bám trên trụ sống kết hợp sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV không chỉ giúp cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, giảm tình trạng dịch bệnh lây lan trên cây hồ tiêu tại xã Cư Huê, huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk.
Hiệu quả
Ông Hà Duy Đào, cán bộ nông nghiệp xã Cư Huê cho biết, hiện nay hồ tiêu là cây trồng số 1 mang lại thu nhập cao cho người dân. Nếu như những năm 2000 diện tích hồ tiêu tại địa phương ở với mức con số khiêm tốn, chỉ vài ha, thì nay đã lên đến 320 ha, trong đó chiếm phần lớn diện tích là đang thời kỳ kinh doanh.
Do cây tiêu được trồng trên vùng đất mới, chú trọng thâm canh, đặc biệt trồng tiêu leo bám trên trụ sống các cây như keo dậu, muồng, lồng mức… nên cây tiêu ở địa phương những năm qua sinh trưởng và phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh, năng suất trung bình đạt từ 3-3,5 tấn khô/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi hàng trăm triệu đồng/ha.
“Mấy năm gần đây giá tiêu luôn ở mức cao, nên đời sống người dân địa phương ngày càng khấm khá. Thời điểm năm ngoái giá tiêu lên đến 230 ngàn đồng/kg, nhiều nông dân trồng tiêu lãi từ 500-600 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu hoạch tiêu đạt 6-7 tấn/ha (khô), lãi đến cả tỷ đồng”, ông Đào chia sẻ.
Dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu nhà ông Nguyễn Tường Mạnh, một trong những hộ trồng tiêu hiệu quả ở thôn Cư Nghĩa. Với tổng diện tích 2,5 ha tiêu, trong đó có 500 trụ (khoảng 0,7 ha) đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm ông Mạnh thu hoạch lãi từ 300-500 triệu đồng.
Ông Mạnh cho biết, gia đình bắt đầu trồng hồ tiêu vào năm 2008. Ban đầu ông trồng tiêu xen canh trong vườn cà phê. Sau đó, ông mở rộng vườn tiêu, thay thế toàn bộ diện tích cà phê già cỗi. Đến vụ tiêu năm ngoái, vườn tiêu nhà ông cho thu hoạch được 3 tấn tiêu khô, bán với giá từ 190-200 ngàn đồng/kg, lãi 500 triệu đồng.
Tương tự, vườn tiêu nhà anh Lê Văn Trung, người cùng thôn, với diện tích 7 sào (0,7 ha) đang thời kỳ kinh doanh, năm ngoái thu hoạch được 4 tấn tiêu khô, bán với giá 200-230 ngàn đồng/kg, thu lãi gần 600 triệu đồng.
“Năm nay vườn tiêu nhà tôi cho trái rất sai, dự kiến năng suất có thể đạt 7 tấn tiêu khô/ha”, anh Trung khoe.
Tuân thủ 4 nguyên tắc
Theo ông Mạnh, từ khi trồng đến nay vườn tiêu nhà ông cũng như các vườn tiêu trong thôn chưa hề dính bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm. Sở dĩ tránh được bệnh này bởi người trồng tuân thủ 4 nguyên tắc, đó là trồng tiêu trên trụ sống; chọn giống sạch bệnh; trồng tiêu trên chân đất có chủ động nước tưới, thoát nước tốt, bón phân hợp lý, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.
Ông Mạnh giải thích, trồng tiêu trên trụ sống, đặc biệt trồng trên cây keo dậu cho tiêu leo bám không chỉ che mát, giúp dây tiêu quang hợp tốt mà còn cho phép kéo dài thời gian khai thác, hạn chế được các dịch bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu.
Hơn nữa, keo dậu là cây họ đậu nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu và khi cắt cành lá để lại cho đất lớp mùn rất tốt. Cây trụ sống thường được trồng trước 1-2 năm. Thời gian đầu, cây làm trụ còn nhỏ, chưa có chỗ cho tiêu leo bám nên cần trồng cây trụ tạm cùng lúc với trồng tiêu. Khi cây trụ sống đã lớn, thì buộc cố định cây trụ tạm vào cây trụ sống, chuyển dần dây tiêu trên trụ tạm qua trụ sống.
Về cây giống, theo ông Mạnh, tuyệt đối không lấy hom trong vườn tiêu đã bị bệnh. Nên chọn giống tiêu Vĩnh Linh vì có khả năng kháng bệnh chết nhanh tương đối tốt.
Theo kinh nghiệm ông Mạnh, cây tiêu ưa đất tơi xốp, thoát nước nhưng có bộ rễ ngắn ăn nông (phần rễ đóng vai trò hút nước hút dinh dưỡng cho cây được mọc thành chùm ở độ sâu từ lớp đất mặt đến 40 cm), rễ tiêu không ưa úng ngập, khô hạn, đất có độ chua trung tính hoặc hơi kiềm. Vì vậy, vườn tiêu phải làm bồn cao 40 - 60 cm, bảo đảm thoát nước cứ 2 hàng tiêu có 1 rãnh thoát nước, nước không đọng ở gốc, không để gây úng ngập cục bộ trong lô, mùa khô phải bảo đảm tưới đủ ẩm, dùng các loại tàn dư thực vật, cây phân xanh tủ gốc cho cây.
Bón phân hợp lý và đầy đủ nhằm giúp nâng cao khả năng tiêu chống chịu bệnh tốt hơn, nên chú ý bổ sung magie và vôi.
“Do được bón nhiều phân vi sinh và chuồng nên đất trong vườn tiêu nhà tôi tơi xốp, xung quanh gốc tiêu có nhiều giun đất đùn lên, nhờ vậy chi phí bón phân hóa học giảm đáng kể. Mỗi trụ tiêu tôi chỉ bón khoảng 1,2kg NPK/năm trong thời kỳ cây bắt đầu ra hoa và trái bắt đầu chắc hạt”, ông Mạnh chia sẻ.
Ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk: Hiện diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đã lên đến 16.000 ha, vượt 1.300ha so với quy hoạch đến năm 2020. Việc ngăn chặn người dân không được trồng tiêu là không thể khi giá đang thuận lợi. Vấn đề e ngại với việc trồng tiêu ồ ạt của nông dân như hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro do tiêu được trồng trên nhiều chân đất, kể cả những nơi không phù hợp hoặc chưa được xử lý tuyến trùng hại rễ; nguy hiểm là chỉ sau vài năm trồng, khi đó cây tiêu đổ bệnh, lây lan rất nhanh gây chết hàng loạt thì chính nông dân là người bị thiệt hại. Vì vậy, để trồng tiêu hiệu quả và bền vững, người dân nên áp dụng các biện pháp tổng hợp đó là: nên trồng trên trụ sống như keo dậu, muồng…, đồng thời sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Ngoài ra khâu giống cũng rất quan trọng. Đất trồng tiêu dễ thoát nước, không để bị úng ngập… |