| Hotline: 0983.970.780

'Chẩn bệnh' ngành hồ tiêu: Diện tích tăng phi mã

Thứ Hai 19/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

Diện tích hồ tiêu tăng tự phát một cách chóng mặt; dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát; chất lượng hạt tiêu chưa được chú trọng... Thực trạng trên là một bài toán sớm cần lời giải của ngành hồ tiêu Việt Nam.

Liên tiếp trong một thời gian ngắn, nhiều Hội nghị, Hội thảo đã được tổ chức ở những vùng trọng điểm của cây hồ tiêu như Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Tất cả các diễn đàn này đều có chung một nỗi lo: Diện tích hồ tiêu đang tăng nhanh và rất khó kiểm soát.

"Vượt quy hoạch" 35.000 ha

Sau khi ra quân, anh thương binh hạng 3/4 (mất sức 51%) Nguyễn Văn Khoa (còn gọi là Hai Khả) rời quê hương Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), lên lập nghiệp ở thôn Hòa An, xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê (nay thuộc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai).

Năm 1987, Hai Khả cùng một vài người cắm những dây tiêu đầu tiên trên vùng đất này. Hồi đó, giống tiêu phải mua tận Đăk Lăk, thậm chí vào tận các tỉnh miền Đông Nam bộ, kỹ thuật trồng tiêu thì... tự lần mò.

Ngày đi làm thuê kiếm sống, tối đến, hai vợ chồng tự quay nước từ giếng đào sâu 30-40 m, gánh nước tưới cho từng gốc tiêu. 

Anh nói: "Bây giờ làm ăn có điện, có phương tiện cơ giới nên lớp trẻ có thể trồng vài ngàn trụ tiêu mỗi năm chứ ngày trước, hai vợ chồng chỉ dám trồng mỗi năm 100-200 trụ tiêu".

Tích tiểu thành đại để đến bây giờ, Hai Khả là người nổi tiếng về trồng tiêu, được xem là "vua" hồ tiêu trên "vương quốc hồ tiêu" này.

Trồng tiêu hiệu quả khiến diện tích tiêu tăng nhanh thời gian qua. Các báo cáo cho thấy, diện tích hồ tiêu của cả nước hiện đã vượt ngưỡng 85.000 ha, vượt quy hoạch 35.000 ha và vẫn đang còn có xu hướng tăng nhanh, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Gia Lai là tỉnh có diện tích, năng suất và sản lượng hồ tiêu lớn so với cả nước. Ngày 7/10/2010, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 681/QĐ-UBND, về việc quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.

Theo đó, diện tích hồ tiêu được quy hoạch của tỉnh đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định ở quy mô 6.000 ha.

Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của tỉnh này đã lên đến khoảng 12.000 ha (khoảng 8.000 ha kinh doanh, hơn 4.000 ha đang kiến thiết cơ bản). Như vậy, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai - tính đến thời điểm này đã vượt khoảng 6.000 ha, gấp đôi so với quy hoạch.

Đăk Nông là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất Tây Nguyên. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Đăk Song (tỉnh Đăk Nông) - ông Đinh Xuân Thu, cho biết chỉ tính riêng trong năm 2014, diện tích hồ tiêu trồng mới toàn huyện Đăk Song là 1.200 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu lên gần 15.000 ha, vượt quy hoạch trên 20% (vượt cả diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Gia Lai).

Cùng với việc mở rộng diện tích sản xuất, người trồng tiêu ở Tây Nguyên cũng đã chú trọng đầu tư thâm canh, nhằm khai thác tối đa về năng suất.

Theo đánh giá, Gia Lai là tỉnh có năng suất hồ tiêu cao nhất cả nước với năng suất bình quân 43-45 tạ/ha. Cá biệt có nhiều nơi như vựa hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh, có những vườn hồ tiêu cho năng suất trên 70 tạ/ha...

Lo mất kiểm soát

Đánh giá về nguyên nhân diện tích hồ tiêu tăng nhanh trong những năm qua, nhiều chuyên gia cho biết, đó là do những năm gần đây, một số quốc gia xuất khẩu hồ tiêu bị mất mùa; thêm vào đó là tình trạng đầu cơ tích trữ của nhiều doanh nghiệp thu mua - xuất khẩu hồ tiêu, đã đẩy giá hồ tiêu trong nước tăng nhanh và duy trì ở mức cao trong suốt một thời gian dài.

Nhiều hệ lụy khác nảy sinh từ việc bùng phát diện tích hồ tiêu, được nhiều chuyên gia đánh giá như việc khai thác quá mức năng suất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây, chất lượng hạt tiêu và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu.
Ngoài ra, tài nguyên cũng bị đe dọa nghiêm trọng như tài nguyên đất, rừng, mạch nước ngầm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến dịch bệnh khó kiểm soát. Những vấn đề trên sẽ được phân tích ở bài tiếp theo.

Hồ tiêu đang ở giá 95.000 đồng/kg, lên 170.000 - 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg hoặc cao hơn nữa...

Liên tục trong nhiều năm qua, nước ta luôn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, với giá trị đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Chỉ riêng trong năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 160.000 tấn, chiếm khoảng 58% thị phần hồ tiêu thế giới, giá trị thu về trên 1,2 tỷ USD...

Chỉ tính riêng ở hai huyện Chư Sê và Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), nhờ cây hồ tiêu mà đã có không ít những tỷ phú như Hai Khả ở Nhơn Hòa...

Giá cao, lợi nhuận mang về từ hồ tiêu quá lớn nên việc tự phát mở rộng diện tích hồ tiêu ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, dường như đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành, của địa phương.

 Sự phát triển ồ ạt mang tính tự phát diện tích hồ tiêu nói trên, đã mang lại nhiều hệ lụy tất yếu. Trước tiên nó đã phá vỡ quy hoạch về cơ cấu cây trồng của vùng. Ngoài ra, quy trình chọn giống, chọn đất, trồng và chăm sóc không hợp lý đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong quá trình sản xuất.

Ông Hà Ngọc Uyển - Chi cục trưởng BVTV tỉnh Gia Lai, cho biết các giống tiêu được trồng mới trong thời gian gần đây, gần như không có nguồn gốc rõ ràng.

Cũng theo ông Uyển thì hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chưa có đơn vị nào sản xuất giống tiêu để đáp ứng nhu cầu cho nông dân. Nguồn giống phục vụ cho trồng mới, chủ yếu là do nông dân tự trao đổi với nhau hoặc do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cung ứng.

Theo đó, việc quản lý chất lượng giống gặp rất nhiều khó khăn, đồng nghĩa với việc khó có thể kiểm soát được nguồn bệnh...

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm