| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi lợn qua cơn 'bĩ cực'

Thứ Tư 30/08/2017 , 08:37 (GMT+7)

Với sự chung tay cùng tháo gỡ khó khăn của toàn xã hội, đến thời điểm này, chăn nuôi lợn đã cơ bản vượt qua được sóng gió.

Để tiến tới sự phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT cũng đang và sẽ quyết liệt triển khai nhiều nhóm giải pháp căn cơ cho ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng: Với những nhóm giải pháp này, ngành chăn nuôi có đủ cơ sở để tin tưởng vẫn sẽ gặt hái thắng lợi trong thời gian tới.

19-02-52_img_5102_1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và các Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị

Nhằm nhìn lại tình hình chăn nuôi lợn trong giai đoạn khó khăn từ cuối năm 2016 đến nửa đầu năm 2017, hôm qua (29/8), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị Đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn.
 

Từ sự đồng lòng của toàn xã hội

Theo Cục Chăn nuôi, từ đầu tháng 7/2017 trở lại đây, giá lợn bình quân trên cả nước đã nhích lên và hiện đang duy trì ổn định ở mức từ 36-38 nghìn đồng/kg. Đây chưa phải là mức giá cao nhưng đã bắt đầu giúp người chăn nuôi hòa vốn hoặc có lãi ở mức thấp.

Nhìn lại hơn 3 tháng tập trung tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường xúc động: Nếu không có sự đồng lòng, cùng chung tay của toàn xã hội nhằm tăng cường tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi trong thời gian qua, chăn nuôi lợn sẽ gặp vô vàn khốn khó.

Cụ thể, ngay sau khi có những chỉ đạo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cũng đã phát động Chương trình chung tay chia sẻ khó khăn giúp người chăn nuôi lợn ổn định SX. Người tiêu dùng, nhà nội trợ cả nước đã ngay lập tức hưởng ứng ủng hộ tăng tiêu thụ thịt lợn. Hàng loạt các Bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, kể cả những ngành như Công an, lực lượng vũ trang, các DN lâu nay vốn không liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp cũng đã cùng nhau phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn.

Trong đó, có những tổ chức còn giao cả “chỉ tiêu” cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ lao động về lượng tiêu thụ thịt lợn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xắn tay vào cuộc, phát động tới hàng triệu công nhân, người lao động tại các DN trên cả nước tiêu thụ thịt lợn, tiêu biểu như Cty Samsung Việt Nam thực hiện chương trình “bữa ăn có thịt lợn” trong vòng 2 tháng liên tục…

Hàng loạt các địa phương, điển hình như Sơn La, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Kon Tum, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Pong…, điển hình như Bình Định, Quảng Ngãi còn yêu cầu mỗi xã phải có ít nhất 1 điểm bán thịt lợn bình ổn giá, nếu không thì cán bộ đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Hàng loạt các hệ thống siêu thị như Big C, Hapro, Saigon Coop, Metro, Vinmart… đã đồng loạt hưởng ứng lời kêu gọi giảm giá từ 15-30% để tăng cầu thịt lợn.

19-02-52_img_5075
Toàn cảnh hội nghị

“Sự đồng lòng, chung tay hỗ trợ của toàn xã hội khi chăn nuôi lợn gặp khó khăn cho thấy nhân dân vẫn còn coi trọng ngành nông nghiệp, xem nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Điều này cũng thể hiện nhân dân chính là trách nhiệm to lớn mà người dân đặt lên vai cho ngành nông nghiệp để sau này không còn lặp lại tình trạng khó khăn tương tự” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ cảm xúc.

Bên cạnh sự hỗ trợ to lớn của toàn xã hội, Bộ NN-PTNT cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã trực tiếp làm việc với 15 DN kinh doanh TĂCN, thuốc thú y, con giống lớn nhất cả nước để tìm giải pháp hạ giá bán vật tư, theo đó trong tháng 4 và 5/2017, giá TĂCN đã đồng loạt giảm từ 200-400 đ/kg trên phạm vi cả nước.

Nhằm hạn chế áp lực bởi sản phẩm chăn nuôi NK, tháng 6-7/2017, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện quy định pháp lý, đưa mức tồn dư 7 loại hóa chất, kháng sinh trong thịt và phủ tạng gia súc, gia cầm mà Việt Nam đang cấm sử dụng trong chăn nuôi về mức 0% (trong đó có chất Ractoppamine). Đây là cơ sở để hạn chế sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng thịt lợn của các nước thuộc châu Mỹ và châu Úc NK về Việt Nam… Đây cũng là những nhóm giải pháp góp phần đưa thị trường thịt lợn vượt qua cơn bi kịch.
 

Tập trung 2 hướng chủ công

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, qua giai đoạn khó khăn của chăn nuôi lợn vừa qua, cũng đã bộc lộc những vấn đề cốt tử mà ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn đang lộ ra, đó là trong khi sức SX hiện đã rất tốt, thì khâu tổ chức thị trường và khâu chế biến lại gần như chưa có gì. Số lượng các DN chế biến hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó với điều kiện cả nước vẫn còn trên 3 triệu hộ dân chăn nuôi, làm thế nào để vừa đưa được ngành chăn nuôi đi lên ổn định, vừa hài hòa được an sinh xã hội cho người chăn nuôi đang là nhiệm vụ mà thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ phải có những giải pháp căn cơ.

19-02-52_65
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có đủ cơ sở để ngành chăn nuôi thành công trong giai đoạn tới

Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện xây dựng, phê duyệt để trình Chính phủ phê duyệt các chính sách chung của ngành chăn nuôi, trong đó đặc biệt là đối với chăn nuôi lợn. Đồng thời, sẽ điều chỉnh lại Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng Đề án XK thịt lợn, hoàn thành trong Qúy 4/2017.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thành việc xây dựng dự thảo Luật Chăn nuôi để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 năm 2018, trong đó chăn nuôi có điều kiện sẽ là một trong những nội dung cơ bản quan trọng… Thời gian tới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng sẽ trực tiếp làm việc với từng nhóm mảng cụ thể trong ngành chăn nuôi lợn như giống, khoa học, thức ăn… để có các giải pháp lâu dài.

Về những định hướng vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ phải định dạng lại cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn cho hài hòa giữa sức SX và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh cơ cấu thực phẩm trong nhu cầu tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn cũng như sức ép từ nguồn cung của các sản phẩm thực phẩm khác. Theo đó, ngành chăn nuôi sẽ tập trung vào 2 hướng chủ công, bao gồm chăn nuôi công nghiệp tập trung và cả chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đặc sản nhằm phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng trên cơ sở gắn với việc cải tạo, phục tráng các giống đặc sản bản địa. Đồng thời, vấn đề phát triển bền vững ngành chăn nuôi sẽ là đòi hỏi bức thiết, làm sao vừa đảm bảo được vấn đề môi trường, vừa đảm bảo an sinh cho trên 3 triệu người chăn nuôi cả nước.

Trên những cơ sở đó, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có các giải pháp để điều chỉnh lại sự phát triển chăn nuôi như: Việc sản xuất TĂCN sẽ phải chuyển đổi, theo tinh thần không tăng thêm các nhà máy và quy mô SX nữa, mà sẽ khuyến khích SX các mặt hàng TĂCN phục vụ cho chăn nuôi theo hướng hữu cơ, bởi cả nước đã có trên 300 nhà máy TĂCN, quy mô công suất hiện đã lớn nhất Đông Nam Á.

Hai là công nghệ chế biến sẽ phải tăng cường, trên cơ sở phục vụ đa dạng các chủng loại sản phẩm chế biến, đồng thời chuyển dần thói quen tiêu dùng thịt lợn cho người dân từ thói quen thịt tươi (thịt nóng) sang hình thức thịt mát, đông lạnh theo xu hướng thế giới.

Đối với tổ chức lại SX, chủ trương sẽ ưu tiên tối đa cho mô hình liên kết SX theo chuỗi, cả với các DN lớn và cả đối với các hộ dân cá thể. Trong đó, các DN chăn nuôi lớn không chỉ phải làm chuỗi cho mình, mà còn phải có trách nhiệm làm chuỗi gắn với người chăn nuôi nông hộ. Chúng tôi sẽ có cơ chế để các DN chăn nuôi lớn sẽ phải có trách nhiệm trong việc tháo gỡ thị trường, tìm thị trường mới, chứ không chỉ nhăm nhăm bán cám, bán giống và tăng đàn nuôi, để rồi khi khó khăn thì đẩy cho Chính phủ…

Mặc dù chăn nuôi hiện đang trải qua những khó khăn và còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng chúng tôi có đủ cơ sở để tin rằng trong giai đoạn tới, chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn sẽ vẫn gặt hái thắng lợi.

(Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường)

 

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.