Không chỉ ngành ngân hàng “chẳng giống ai” như dư luận gần đây mà nhiều lĩnh vực khác, từ giáo dục đến y tế, văn hóa, thể thao... của chúng ta dường như cũng đang... chẳng giống ai!
Trong một bài trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Việt Nam gần đây, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng sự hình thành và phát triển của hệ thống ngân hàng của Việt Nam nằm ngoài mọi quy luật trên thị trường thế giới. TS Thành cho biết việc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam gần như đã đi trọn một chu kỳ phát triển từ sơ khai đến phát triển, cực thịnh rồi thoái trào và trở lại quá trình tái cơ cấu trong vòng có 1/4 thế kỷ là điều chưa có tiền lệ ở bất cứ đâu trên thế giới.
Sau khi báo chí đăng tải, rất nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của chuyên gia Bùi Kiến Thành. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng tình hình ngành ngân hàng là… chuyện bình thường ở Việt Nam bởi lẽ hầu như ngành nào, nghề nào, lĩnh vực nào của chúng ta cũng đang vận động theo hướng... "chẳng giống ai".
Sự hình thành và phát triển của hệ thống ngân hàng của Việt Nam nằm ngoài mọi quy luật trên thị trường thế giới (Ảnh minh họa)
Trong đó, đáng kể nhất là lĩnh vực y tế với sự “chẳng giống ai” trong cách thức quản lý ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân này. Đơn cử như cách ứng xử của các lãnh đạo ngành sau khi hàng loạt các vụ bê bối liên tục bị phanh phui như vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), 3 trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm vacxin tại bệnh viện ở Quảng Trị, y sĩ rút ruột vacxin, hay việc trẻ sơ sinh bị bệnh viện trả về cho gia đình mai táng khi vẫn còn sống…
Theo thông lệ quốc tế, nếu để xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên không chỉ đội ngũ y bác sĩ liên đới trực tiếp mà ngay cả lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo ngành cũng phải chịu chung trách nhiệm. Thế nhưng, tại Việt Nam, hành động của các lãnh đạo ngành y tế dường như lại đang thể hiện sự thiếu trách nhiệm, xử lý thiếu kiên quyết, có phần bao che cho những người vi phạm và thậm chí là có phần “khó hiểu”. Bằng chứng là sau khi vụ nhân bản xét nhiệm ở bệnh viện Hoài Đức bị phanh phui, người tố cáo chỉ được khen thưởng… lấy lệ với phần thưởng chỉ 350.000 đồng hay hàng loạt vụ thai phụ tử vong không rõ nguyên nhân lần lượt bị “chìm xuồng”.
Ngành Giáo dục cũng “chẳng giống ai” khi thầy giáo tố cáo tiêu cực thì bị trù dập đến mức phải bỏ nghề. Các trường vẫn “đốt đuốc” đi tìm 27.000 giáo viên trong khi hàng nghìn sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường lại đang thất nghiệp. Hàng triệu lao động khác, bao gồm cả những lao động đã được đào tạo, cũng đang loay hoay tìm việc làm trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân công có kỹ năng và tay nghề.
Lĩnh vực văn hóa cũng có nhiều điểm khác người khi mà các nghệ nhân văn hóa dân gian không ngừng được ca tụng như những viên ngọc quý của đất nước và cần được nhà nước quan tâm nhưng lại lần lượt qua đời trong nghèo khó. Kéo theo đó là sự mai một của những điệu chèo, điệu xẩm và cả những nét văn hóa truyền thống gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian.
Điều đáng nói là không chỉ những lĩnh vực kể trên mà ở nhiều lĩnh vực khác, từ giao thông, điện lực hay xăng dầu, thương mại… thì người dân đều có thể dễ dàng “điểm mặt chỉ tên” nhiều điểm “chẳng giống ai”.
Theo thông lệ quốc tế, những thứ “chẳng giống ai” thường được coi là độc đáo và đáng được tôn vinh. Thế nhưng, những sự “chẳng giống ai” của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống xã hội người Việt lại chẳng thể nằm trong danh sách những điều đáng tôn vinh bởi nó… chẳng giống ai!