| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng nước sinh hoạt được nâng cao nhờ ứng dụng công nghệ

Thứ Hai 30/08/2021 , 18:52 (GMT+7)

Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở Bình Định được ứng dụng công nghệ nên chất lượng nước ngày càng được nâng cao.

Nâng cao hiệu quả công trình

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định đang quản lý, khai thác 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn, gồm: Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Vĩnh An-Bình Tường, Nhà máy cấp nước Tây Giang-Tây Thuận (huyện Tây Sơn), Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), Nhà máy cấp nước sinh hoạt huyện Phù Cát và Nhà máy cấp nước khu vực Đông Nam, TX Hoài Nhơn.

Nhân viên đang vận hành Nhà máy nước sạch Nhơn Tân (TX An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên đang vận hành Nhà máy nước sạch Nhơn Tân (TX An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định, từ năm 2009 Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đã ứng dụng công nghệ cao. Điều khiển bơm và điều tiết mạng đường ống được tự động hóa; ứng dụng tin nhắn SMS để điều khiển các bơm giếng. Các nhà máy được ứng dụng công nghệ rửa bể tự động, nhân viên chỉ cần bấm nút là tự nó vận hành rửa bể.

Về công tác thu tiền nước thì đơn vị đang phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Định hoàn thiện kết nối hạ tầng kỹ thuật công nghệ, khuyến khích khách hàng thanh toán tiền nước qua tài khoản, ứng dụng của ngân hàng.  

Công tác ghi thu tiền nước tại hộ khách hàng cũng được trang bị phần mềm trên điện thoại thông minh, không sử dụng sổ, bút như trước đây. Mỗi khách hàng có 1 mã số, đến ngày nhân viên đến nhà khách hàng kiểm tra đồng hồ, nhập số liệu vào điện thoại truyền về máy chủ để xử lý.

“Đến nay, tất cả 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đơn vị ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, vận hành. Nhờ áp dụng công nghệ nên việc vận hành cung cấp nước tại các nhà máy được thuận lợi, công tác quản lý chặt chẽ mà tiết kiệm được công lao động của nhân viên, hiệu quả của công trình được nâng cao”, ông Trần Văn Minh cho biết.

Nỗ lực áp ứng nhu cầu của khách hàng

Ngoài ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, vận hành, trong những năm qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định còn tăng cường công tác đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cung cấp nước, nâng cao chất lượng, cải thiện dịch vụ để thu hút thêm khách hàng.

Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn Bình Định ngày càng tăng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn Bình Định ngày càng tăng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2020, Trung tâm đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý, vận hành, điều tiết phân phối nước. Sản lượng nước sản xuất hơn 5,1 triệu m3, đạt 105% kế hoạch, sản lượng tiêu thụ hơn 4,2 triệu m3. Trong năm 2021, đơn vị đặt mục tiêu tăng sản lượng nước lên khoảng 5,4 triệu m3, tập trung ở các nhà máy Tây Giang, Bình Tường và Đông Nam Hoài Nhơn để phát triển mới thêm khoảng 2.000 khách hàng.

Theo ông Trần Văn Minh, càng ngày nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn càng tăng cao. Riêng trên địa bàn 6 công trình của đơn vị hoạt động có mức tăng bình quân hàng năm từ 10-15%. Cá biệt có 1 số vùng nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng đột biến, như khu Đông huyện Phù Cát, bình quân mỗi năm tăng từ 20-22%; hoặc vùng Vĩnh An-Bình Tường (huyện Tây Sơn) tăng từ 22-25%/năm.

“Chúng tôi liên tục mở rộng địa bàn cung cấp nước để phục vụ cho những khu dân cư mới. Đặc thù của cấp nước nông thôn khác xa cấp nước đô thị, trong khi cấp nước đô thị luôn ổn định thì cấp nước nông thôn biến động liên tục. Ở các vùng nông thôn, dịp Tết con cháu tập trung về đông; hoặc vào mùa nắng nóng các giếng khơi đều khô cạn nên nhu cầu sử dụng nước tăng cao.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, tất cả 6 nhà máy đều hoạt động vượt công suất. Ví như công trình xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) có công suất 2.900 m3/ngày đêm thì có thời điểm phải chạy đến 3.900-4.200 m3/ngày đêm, công trình nào ít nhất cũng chạy vượt 20% công suất”, ông Minh chia sẻ.

Cũng theo ông Minh, trong thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định không ngừng đầu tư thêm về hạ tầng như khoan thêm giếng, nâng công suất các nhà máy và mở rộng mạng lưới đường ống dẫn nước đến các hộ dân. Bên cạnh đó, đơn vị tiến hành xử lý nguồn nước nhằm đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 01:2018 của Bộ Y tế.

“Hiện trên địa bàn Bình Định có 127 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở khu vực nông thôn, trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý 6 công trình. Trong năm 2021, Bình Định tập trung phát triển, mở rộng các khu vực để đáp ứng hạ tầng đưa nước sạch về những khu vực thiếu nước lâu nay, trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung do Trung tâm quản lý”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.