Trên 100 sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng
Tính đến đầu tháng 12/2023, Quảng Trị có 115 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 42 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng TW đề nghị 5 sao) và 73 sản phẩm 3 sao. Điều phấn khởi là kinh tế tập thể chiếm 20/58 chủ thể của các sản phẩm OCOP.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh có 60 bộ hồ sơ và sản phẩm của 9 huyện, thành phố, thị xã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó có 38 sản phẩm mới, 16 sản phẩm công nhận lại và 6 sản phẩm nâng hạng. Huyện Cam Lộ là đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP nhất với11 sản phẩm. Nhóm Thực phẩm có nhiều sản phẩm OCOP nhất với 44 sản phẩm.
Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện xong công tác đánh giá, phân hạng; có 12 sản phẩm đủ điều kiện 4 sao, 1 sản phẩm đủ điều kiện 5 sao đề nghị Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng.
Ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị cho hay, dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 140 sản phẩm OCOP, tăng 50 sản phẩm so với năm 2021, đạt 50% mục tiêu về số lượng sản phẩm tăng thêm kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025 đề ra. Trong đó có 2 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá, công nhận 5 sao.
Mục tiêu trọng tâm trong năm 2023 của Quảng Trị là nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận thêm 25- 30 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao. Các sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận năm 2020 cũng sẽ được đánh giá và công nhận lại. Chủ thể sản phẩm OCOP sẽ được hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2020- 2022. Ngoài ra, Quảng Trị sẽ xây dựng và triển khai 1 dự án phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, 1 dự án phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch giai đoạn 2023 - 2025.
Chất “xúc tác” giúp sản phẩm OCOP bay xa
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cho cán bộ, người dân về tổng quan Chương trình OCOP. Trong năm 2023, toàn tỉnh có trên 300 lượt người tham gia các lớp tập huấn các bước xây dựng hồ sơ và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, triển khai Chương trình OCOP. Để tạo điều kiện cho các chủ thể thuận tiện trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Trị đã vận hành trang thông tin điện tử Chương trình mỗi xã một sản phẩm Quảng Trị với tên miền Ocop.quangtri.gov.vn. Sau khi trang thông tin điện tử vận hành, nhiều đơn vị đã đăng ký và giới thiệu tới người tiêu dùng các sản phẩm OCOP của mình. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 điểm giới thiệu và bán hàng OCOP; trên 95% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.
Năm 2023, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã giới thiệu danh mục, thông tin sản phẩm OCOP tỉnh trên hệ thống ngành toàn quốc. Gần 200 lượt chủ thể OCOP cũng đã tham gia gần 30 hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, kết nối tiêu thụ nông sản, giới thiệu danh mục sản phẩm OCOP đến các địa phương, các nhà phân phối, tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước.
Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP trên thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Về cơ bản, sản phẩm OCOP do các chủ thể xây dựng. Tuy nhiên, để tạo chất xúc tác cho các đơn vị tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2023, thông qua các nguồn kinh phí, Quảng Trị đã hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới sự nghiệp ngân sách Trung ương 1,4 tỷ đồng; vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương) 500 triệu đồng; ngân sách cấp huyện trên 400 triệu đồng. Dự kiến, trong năm năm 2024, Quảng Trị sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể khoảng 2,7 tỷ đồng.
Ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị cho hay, đa số các chủ thể OCOP đã hình thành được các liên kết từ nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp.
Quảng Trị 10 sản phẩm OCOP xuất khẩu
Hiện nay, Quảng Trị có 10 sản phẩm OCOP của công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân xuất khẩu sang thị trường Lào. Tuy nhiên, nhìn chung phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn. Ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia nhiều nhưng số chủ thể mới còn ít. Nhiều sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa được phát triển và đăng ký tham gia chương trình. Khá nhiều chủ thể và sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại. Các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường. Sản phẩm OCOP tham gia các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị, sản phẩm xuất khẩu còn ít...”, ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị.