Rừng núi bạt ngàn, biển cả mênh mông, đồng bằng trải dài nhưng Nghệ An chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo ra bệ phóng cần thiết, vô hình trung là lực cản trong quá trình thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Giữa muôn trùng vây, tỉnh Nghệ An đã bám sát định hướng của Chính phủ, Trung ương để chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Có sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị, đan xen nỗ lực, khát khao của các chủ thể, diện mạo OCOP của địa phương này đã được nâng tầm rõ rệt.
OCOP Nghệ An xuất phát điểm thấp, đụng vào đâu vướng mắc ở đấy, các chủ thể ngần ngại và mông lung… nhưng chỉ sau 6 năm khó khăn đã được đẩy lùi, những thút nắt cơ bản đã được tháo gỡ, nhiều mô hình này, cách làm độc đáo đã xuất hiện, tất cả góp sức đưa “khát vọng OCOP” lan tỏa rộng khắp địa bàn.
Với gần 500 sản phẩm được gắn sao, Nghệ An vươn lên đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm được chứng thực OCOP, thành tựu thực sự đáng tự hào.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, bao gồm ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Với bệ phóng vững chắc lúc này, tin rằng mục tiêu trên hoàn toàn trong tầm với.
Huyện Nam Đàn dẫn đầu toàn tỉnh với 60 sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng như miến gạo Vân Diên, tương Sa Nam, giò me Nam Nghĩa, tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ... đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn chia sẻ: “Để tạo đà thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, người dân… hưởng ứng tham gia, tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn đã ban hành các chính sách thiết thực hỗ trợ về đất đai, vốn đầu tư. Đồng thời xây dựng các điểm bán hàng, hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP được biết đến rộng rãi hơn nữa.
Thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Nghệ An đã hình thành được nhiều liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình trực tiếp tạo việc làm thường xuyên và lao động thời vụ cho hàng ngàn người, trên hết là tạo chuyển biến căn cơ trong tư duy, nhận thức, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và vùng cao.
Nói thế không có nghĩa Nghệ An được phép chủ quan, tự mãn, số lượng sản phẩm OCOP của địa phương này dẫu nhiều nhưng vẫn cần “tưới tắm”, “chăm bẵm” tốt hơn để nâng tầm chất lượng, mẫu mã và tăng sức cạnh tranh nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày một khó tính của khách hàng, xa hơn là chinh phục thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thông tin: “UBND tỉnh đang yêu cầu các ban, ngành, cơ quan bổ sung các chính sách liên quan để hoàn thiện đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023-2025” để làm căn cứ thực hiện, tạo đà lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian tới.
Các ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các chủ thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Cần chủ trọng nâng hạng OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì tập trung vào số lương, đồng thời nỗ lực khắc phục những yếu kém, tồn tại”.