“Khách hàng ở đâu mình ở đó”
Đó là trải lòng của ông Lê Thanh Huệ, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn có trụ sở tại Cụm Công nghiệp Cam Thành, huyện Cam Lộ. Ông Huệ cho rằng, nếu không có kênh bán hàng online, doanh nghiệp, HTX, tổ chức cá nhân là chủ thể của các sản phẩm OCOP sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khâu tổ chức bán hàng.
“HTX, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức giờ rất khó khăn, nếu vẫn phát triển theo hình thức kinh doanh truyền thống thì sẽ rất tốn kém. Đó là các vấn đề xây dựng đại lý, nhà phân phối, ký gửi, đội ngũ nhân viên…”, ông Huệ lý giải.
HTX Dược liệu Trường Sơn được thành lập năm 2018 với 22 thành viên. Lúc đầu, HTX này chỉ tư vấn kỹ thuật, liên kết trồng các loại dược liệu như tràm, sả, gừng, nghệ… với tổng diện tích 10 ha. Đến nay, HTX Dược liệu Trường Sơn đã liên kết với 120 hộ dân trồng, thu mua, chế biến 30 ha cây dược liệu với 10 nghìn sản phẩm mỗi năm. Các sản phẩm chính như tinh dầu tràm mộc san, tinh chất dưỡng da cho mẹ và bé, tinh dầu tràm ngâm củ ném mộc san được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Chế biến một lượng sản phẩm lớn như vậy nhưng toàn HTX hiện chỉ có 7 lao động chính nên vấn đề phân phối sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2019, các sản phẩm được phân phối theo kênh truyền thống nhưng hiệu quả không như mong đợi. Đến năm 2020, sau các cuộc tập huấn về bán hàng qua mạng Internet, HTX Dược liệu Trường Sơn quyết định phân phối sản phẩm qua kênh này.
“Tình thế thay đổi hoàn toàn khi dịch covid-19 xuất hiện, mọi người hầu như không ra khỏi nhà. Lúc đó, được sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Du lịch tỉnh, chúng tôi tham gia một số buổi tập huấn, được trang bị các kiến thức bán hàng qua mạng. Từ đó, HTX Dược liệu Trường Sơn tham gia 15 hội chợ thương mại và xây dựng kênh tiktok Dược liệu Trường Sơn Mộc San để bán hàng”, ông Huệ chia sẻ.
Theo ông Huệ, việc tham gia kênh bán hàng online, ngoài việc vẫn tính thuế sản phẩm như thường thì nhà sản xuất chịu thêm phí quảng cáo trên các nền tảng xã hội. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo thấp hơn rất nhiều so với việc phải xây dựng đại lý bán hàng truyền thống, việc thu hồi vốn nhanh và sản phẩm nhanh đến tay người tiêu dùng.
Trên 95% sản phẩm OCOP phân phối qua sàn thương mại điện tử
Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (Công ty An Xuân) có trụ sở tại xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) hiện đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương trồng cây dược liệu, chủ yếu là cà gai leo và chè vằng. Đến nay, Công ty An Xuân đã có hệ thống đại lý liên kết bán hàng hiệu quả.
Bà Trần Lê Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty An Xuân cho hay, mỗi năm công ty này phân phối 20-30 nghìn sản phẩm. Trong đó, 60 % bán hàng trực tiếp cho khách hàng thông qua các cửa hàng thực phẩm, chợ đặc sản, siêu thị…Các đại lý phân phối sản phẩm của Công ty An Xuân thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo bà Diễm, đây là xu thế tất yếu; giúp doanh nghiệp quảng bá và phân phối sản phẩm nhanh và hiệu quả nhất.
“Thương mại điện tử là một kênh rất tốt giúp doanh nghiệp quảng bá rộng rãi sản phẩm, thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên, để bán hàng qua sàn thương mại điện tử thì cần các yếu tố như chất lượng tốt, mẫu mã đẹp…. Doanh nghiệp phải làm tốt khâu marketing. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu thiết kế hình ảnh, thông tin để các đại lý chủ động đưa lên các kênh bán hàng. Tương lai chúng tôi sẽ mở rộng quảng bá hình ảnh trên các sàn thương mại điện tử quốc tế”, bà Diễm cho hay.
Ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, đến đầu tháng 11/2023, toàn tỉnh có 115 sản phẩm OCOP. Trong đó có 42 sản phẩm OCOP 4 sao; 73 sản phẩm OCOP 3 sao; 1 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Năm 2023, Quảng Trị đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận và công nhận lại cho 58 sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở Công thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Bưu điện tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt dộng xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.
“Trên 95% sản phẩm OCOP được phân phối thông qua các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi liên kết với một số sàn giao dịch như Postmak.vn, Voso.vn… tạo điều kiện giúp các chủ thể phân phối sản phẩm OCOP”, ông Trí cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trí, các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tham gia các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị còn ít.
Trước thực tế này, theo ông Trí, cán bộ quản lý chương trình các cấp, đặc biệt là đội ngũ hỗ trợ OCOP cấp xã cần được đào tạo, tập huấn chuyên môn; đào tạo kỹ năng quản trị, kinh doanh, chiến lược phát triển, phân phối sản phẩm và xúc tiến thương mại cho đội ngũ lãnh đạo các tổ chức kinh tế tham gia OCOP.