Đà phát triển kinh tế của châu Á có thể giảm mạnh bởi tình trạng thiếu nước trong tương lai, một quan chức hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo.
Người dân xếp hàng chờ xe chở nước tại Bangladesh |
AFP cho biết, Arjun Thapan, cố vấn đặc biệt của chủ tịch ADB về nước và cơ sở hạ tầng, cảnh báo các chính phủ phải bắt đầu quản lý tốt hơn các nguồn nước ngay từ bây giờ để tình hình thiếu nước không trở nên tồi tệ hơn.
“Chúng tôi tin rằng châu Á sắp đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nước và tình hình đang dần trở nên nghiêm trọng theo thời gian”, Thapan phát biểu bên lề một hội nghị về nước và quy hoạch đô thị tại Singapore hôm qua.
Thapan cho rằng các nguồn nước ở châu Á sẽ chỉ đáp ứng 60% nhu cầu của người dân vào năm 2030. Trong bối cảnh 80% nước ở châu Á được dùng cho hoạt động tưới tiêu đất nông nghiệp, tình trạng thiếu nước sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với khả năng sản xuất lương thực. Khoảng 10 tới 15% nước dành cho các hoạt động công nghiệp.
“Nếu các nước không cải thiện đáng kể hiệu quả của việc sử dụng nước trong cả nông nghiệp và công nghiệp, châu Á sẽ không thể thu hẹp khoảng cách giữa lượng cung và cầu trong năm 2030”, Thapan cảnh báo.
Theo Thapan, để tăng hiệu quả sử dụng nước, chính phủ nên đánh thuế đối với lượng nước mà người dân dùng. “Chúng ta không nên tiếp tục coi nước là một nguồn tài nguyên miễn phí và vô tận nữa. Trên thực tế nước là nguồn tài nguyên hữu hạn”, ông nói.
Một vấn đề nữa là phần lớn nước ở châu Á không được xử lý khiến nhiều nguồn nước lớn - chẳng hạn như các con sông, hồ - bị ô nhiễm nặng.
Trong số 412 sông ở Philippines có 50 sông không có sự sống. Chỉ riêng nỗ lực làm sạch vịnh Manila và sông Pasig cũng khiến giới chức Philippines phải chi từ 2 tới 2,5 tỷ USD mỗi năm.
(Theo VnExpress)