| Hotline: 0983.970.780

Châu Thành quyết về đích cuối năm nay

Thứ Sáu 12/07/2024 , 14:23 (GMT+7)

ĐBSCL Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phấn đấu xây dựng xã Phú Tân đạt chuẩn NTM, xã Đông Phước A đạt chuẩn NTM nâng cao, hoàn thành tiêu chí huyện NTM vào cuối năm 2024.

Làn gió mới về đến vùng quê 

Tìm về huyện Châu Thành (Hậu Giang), phóng viên có dịp theo chân ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng NN-PTNT, đến thăm xã NTM Đông Phước A. Ông Đức cho hay, huyện Châu Thành được định hướng trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp của tỉnh Hậu Giang vào năm 2025. Quan sát chúng tôi thấy dọc theo tuyến đường rải nhựa phẳng phiu từ thị trấn Ngã Sáu đến xã Đông Phước A là những ngôi nhà được xây dựng kiêng cố, khang trang.

Những khóm hoa Quỳnh Anh ven đường dài hàng km được bà con và cán bộ địa phương chung tay chăm sóc. Ảnh: KT.

Những khóm hoa Quỳnh Anh ven đường dài hàng km được bà con và cán bộ địa phương chung tay chăm sóc. Ảnh: KT.

Ven đường, những khóm hoa Quỳnh Anh vàng tươi, dưới ánh nắng chiều càng thêm rực rỡ. Những bảng khẩu hiệu tuyên truyền được dựng ngay ngắn, nhắc nhở bà con cùng chung tay xây dựng NTM. Chỉ là, xa xa những thùng rác sinh hoạt đầy ắp, khiến cảnh quan bớt phần hữu tình. 

Ông Võ Vinh Hiển, 74 tuổi, xã Đông Phước A giải thích, các thùng rác trên đường là điểm tập kết rác sinh hoạt của địa phương. Nhờ đó, bà con quanh đây không còn thói quen tiện tay ném rác ra đường hay xuống kênh rạch. Rác sinh hoạt được tập kết và có xe đến chuyển đi mỗi ngày, dù mỗi tháng phải trả một ít tiền xử lý nhưng bà con ai cũng vui vẻ.

Ngoài ra, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động cộng đồộng hướng tới bảo vệ môi trường, được bà con nhiệt tình hưởng ứng như mô hình “Đường hoa - nhà sạch”, “tổ 5 không, 3 sạch” hay Biến rác thải thành cây xanh”. Từ đó, bộ mặt nông thôn huyện Châu Thành ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp.

Từ khi chương trình NTM về đến xã, cơ sở hạ tầng như trạm y tế, trường học được đầu tư xây dựng, nhờ đó đời sống sinh hoạt của người dân trở nên thuận tiện hơn. Ngoài ra, lộ nông thôn cũng được đầu tư xây dựng, tuy nhiên mặt lộ còn hẹp, thấp, dễ bị ngập vào mùa nước nổi. Nếu được sự hỗ trợ từ địa phương, bà con sẵn sàng hiến đất, góp công, góp sức cùng chung tay xây dựng đường sá, công trình dân sinh để nâng chất NTM, ông Hiển tâm sự.

Huyện Châu Thành tổ chức nhiều hoạt động cộng động hướng tới bảo vệ môi trường, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp. Ảnh. KT.

Huyện Châu Thành tổ chức nhiều hoạt động cộng động hướng tới bảo vệ môi trường, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp. Ảnh. KT.

Ông Nguyễn Tấn Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành bày tỏ, bước đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Châu Thành còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đường giao thông, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ, các tổ chức sản xuất chưa bền vững, nguồn lực đầu tư còn hạn chế do đó đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau gần 13 năm, chương trình xây dựng NTM đã mang lại một diện mạo tươi mới cho vùng quê huyện Châu Thành.

Đến nay, huyện Châu Thành đã có 5/6 xã đạt chuẩn NTM, địa phương đang phấn đấu xây dựng xã Phú Tân đạt chuẩn NTM, xã Đông Phước A đạt chuẩn NTM nâng cao, hoàn thành 5/5 tiêu chí huyện NTM vào quý IV/2024. 

Toàn huyện có 6/6 xã có đường ô tô về trung tâm xã, tỷ lệ đường ấp, đường liên ấp ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện đạt trên 90%, riêng xã Phú Tân đạt 65%. Địa phương sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống giao thông đảm bảo nhu cầu đi lại cho bà con.

Thu nhập của bà con vùng nông thôn được cải thiện đáng kể, bình quân thu nhập đầu người của các xã đạt 60 triệu đồng/người/năm, riêng xã Đông Phước A đạt 72 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều còn dưới 3%. 

Chuyển đổi số, điểm sáng NTM huyện Châu Thành

Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu trong công cuộc xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh của huyện Châu Thành. Và, đây cũng là chìa khóa phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần chấm dứt hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị trong nhiều năm nay.

Mô hình lắp đặt hệ thống tưới trên vườn trái cây, tưới thông minh gắn cảm biến điều khiển trên điện thoại thông, được bà con nông dân địa phương đánh giá có tính thiết thực cao. Ảnh: KT.

Mô hình lắp đặt hệ thống tưới trên vườn trái cây, tưới thông minh gắn cảm biến điều khiển trên điện thoại thông, được bà con nông dân địa phương đánh giá có tính thiết thực cao. Ảnh: KT.

Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành chia sẻ, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai hướng dẫn bà con đăng ký tài khoản sử dụng trên điện thoại thông minh, thiết kế tem truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sản phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường hiệu quả quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, địa phương cũng đang hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như trồng nông sản sạch trong nhà màng, nhà lưới. Từ đó, năng suất và chất lượng nông sản từng bước được nâng cao.

Đặc biệt, mô hình lắp đặt hệ thống tưới trên vườn trái cây; mô hình tưới thông minh gắn cảm biến điều khiển trên điện thoại thông minh, được người dân địa phương đánh giá có tính thiết thực cao do giảm được chi phí, công lao động, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Ông Đoàn Văn Nuôl, ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, không nén được vui mừng chia sẻ, việc làm nông trước giờ quá cực rồi, nhất là khâu tưới nước. Cứ 2 ngày phải tưới nước 1 lần, mỗi lần tưới phải trầm mình dưới nước cả ngày mới xong được miếng vườn. Tuổi đã lớn, sức lao động không còn như trước nên khi biết đến chương trình hỗ trợ 50% vốn lắp đặt hệ thống tưới nước, ông lật đật đăng ký tham gia ngay. Nhờ đó, ông tiết kiệm được sức lao động, thời gian để làm nhiều việc khác.

Ông Đoàn Văn Nuôl, ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, hào hứng chia sẻ nhờ có hệ thống tưới tự động giúp ông tiết kiệm sức lao động và thời gian hơn để làm nhiều việc khác. Ảnh. KT.

Ông Đoàn Văn Nuôl, ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, hào hứng chia sẻ nhờ có hệ thống tưới tự động giúp ông tiết kiệm sức lao động và thời gian hơn để làm nhiều việc khác. Ảnh. KT.

Với cách làm phù hợp, thiết thực, hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng NTM đã mang đến làn gió công nghệ mới đến với vùng quê huyện Châu Thành. Người nông dân từng bước tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. 

Thời gian tới huyện Châu Thành sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Theo đó, địa phương triển khai đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản qua các kênh trực tuyến. 

Cải thiện phương thức sản xuất kinh doanh của nông dân, HTX, doanh nghiệp, theo đề án xây dựng 4 mục tiêu đến năm 2025 bao gồm xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và một Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026-2030.

Địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, đất đai, đẩy mạnh quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý chương trình quốc gia về NTM. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh, đặc trưng

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP theo thế mạnh, đặc trưng như nước mắm, thanh long, hải sản, yến và gạo chất lượng cao.

Bình luận mới nhất