| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn

Thứ Tư 12/06/2024 , 09:12 (GMT+7)

ĐBSCL Chuyển đổi số giúp người dân nông thôn tỉnh Hậu Giang tiếp cận thông tin, công nghệ mới, tạo thuận lợi phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Ảnh: Đào Chánh.

Tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Ảnh: Đào Chánh.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã công nhận 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 40/51 xã; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số lên 11 xã và 3 xã NTM kiểu mẫu.

Địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng chất kết quả xây dựng NTM, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, giữ vững mục tiêu xây dựng NTM gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân. 

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Hậu Giang tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh.

Đặc biệt, địa phương xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả giúp phát triển nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với thế mạnh từng địa phương trong tỉnh. 

Quả ngọt sau thời gian xây dựng NTM gắn với chuyển đổi số

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang bày tỏ, có thể nói chuyển đổi số đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính của địa phương. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí. Ngoài ra, nhờ chuyển đổi số, người dân vùng nông thôn đã tiếp cận được thông tin, công nghệ mới, kết nối với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước một cách dễ dàng. Từ đó, tạo thuận lợi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Thời gian qua, địa phương đã triển khai lồng ghép chương trình chuyển đổi số với nhiều lĩnh vực liên quan. Đơn cử, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang App). Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện, tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp được thành lập và đưa vào hoạt động. 

Hậu Giang cũng đã triển khai đầu tư thí điểm 2 xã NTM thông minh (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh và xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành), xây dựng 3 mô hình ấp NTM thông minh bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của của bà con.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, HTX/THT, hộ nông dân xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: KT.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, HTX/THT, hộ nông dân xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: KT.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, HTX/THT, hộ nông dân xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, Hậu Giang đã thành công xây dựng mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, mô hình sử dụng hệ thống tưới phun tự động thích ứng với tình trạng hạn hán trong vườn cây ăn trái, mô hình trồng rau màu trong nhà lưới an toàn vệ sinh thực phẩm, mô hình ứng dụng máy sạ định vị trong sản xuất lúa chất lượng cao.

Ông Hữu đánh giá, nhờ triển khai hiệu quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao, bà con nông được tiếp cận các thiết bị công nghệ cao và cơ giới hóa, từng bước nâng cao nhận thức về các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Từ đó nâng cao giá trị, chất lượng nông sản theo hướng an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc Nông sản Hậu Giang cũng được xem là một trong những điểm sáng trong công cuộc ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang, ứng dụng này điều kiện cho bà con nông dân sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc nông sản.

Với sàn giao dịch Nông sản Hậu Giang, các tổ chức, cá nhân có thể tự đăng ký tài khoản, ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR code; đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá, tăng cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Đến nay, sàn giao dịch đã có 3.476 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng, hơn 573 loại nông sản, sản phẩm tham gia giao dịch.

Anh Trần Văn Đệ, chủ cơ sở chế biến nông sản Trần Đệ chuyên sản xuất bưởi non sấy huyện Châu Thành A chia sẻ, nhận thấy mạng xã hội phát triển mạnh mẽ có thể giúp cơ sở tiếp cận nguồn khách hàng trở nên dễ dàng hơn. Do đó, bên cạnh việc bỏ mối cho một số cửa hàng trên địa bàn huyện, anh còn bày bán, giới thiệu sản phẩm trên một số nền tảng xã hội như Nông sản Hậu Giang, Facebook, Tiktok. Nhờ thế, anh Đệ đã tìm được đầu ra ổn định, mỗi tháng cơ sở có khoảng 1.000 sản phẩm được phân phối trên thị trường. 

 Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc 'Nông sản Hậu Giang' được xem là điểm sáng của công cuộc ứng dụng chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang. Ảnh: KT.

 Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” được xem là điểm sáng của công cuộc ứng dụng chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang. Ảnh: KT.

Đâu là giải pháp?

Bà Trần Việt Trinh, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp tâm sự, sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, hơn ai hết tôi cảm nhận sự hiện đại từng ngày của vùng quê Phụng Hiệp. Mạng internet, điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhờ đó mọi người có thể cập nhật tin tức, giao dịch mua bán dễ dàng hơn.

Không thể phủ nhận, công tác chuyển đổi có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực trong xã hội trong thời đại công nghệ 4.0. Không ít bà con đã nhận thức được chuyển đổi số không phải là xu thế tạm thời mà là yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo ra cơ hội nghề nghiệp mới. 

Ông Hữu bày tỏ, mức độ nhận thức và ứng dụng chuyển đổi số của mỗi người khác nhau tùy vào vị trí, môi trường, trình độ và mức độ tiếp cận công nghệ. Khả năng tiếp cận công nghệ của bà con vùng nông thôn còn hạn chế, dẫn đến mức độ nhận thức và tham gia vào nền kinh tế số còn thấp. Mức độ phổ cập đối với các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông chủ yếu tập trung ở thành thị. Khả năng tiếp nhập và tham gia chuyển đổi số, kinh tế số của bà con vùng nông thôn còn hạn chế do mức sống và hạ tầng kỹ thuật còn thấp.

 Không ít bà con đã nhận thức được chuyển đổi số không phải là xu thế tạm thời mà là yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo ra cơ hội nghề nghiệp mới. Ảnh: KT.

 Không ít bà con đã nhận thức được chuyển đổi số không phải là xu thế tạm thời mà là yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo ra cơ hội nghề nghiệp mới. Ảnh: KT.

Ngoài ra, công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM là lĩnh vực mới, do đó địa phương còn gặp không ít khó khăn như thiếu nguồn nhân lực và kinh nghiệm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc kết nối liên thông giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh. 

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM, thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình. 

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Nâng cao năng lực số của người dân thông qua việc nhân rộng các tổ công nghệ số; hoàn thiện hạ tầng số. Trước mắt, tỉnh Hậu Giang sẽ mở rộng hệ thống mạng internet công cộng cho vùng nông thôn nhất là địa bàn dân cư khó khăn, địa hình cách trở để tất mọi người dân đều được tiếp cận với công nghệ thông tin.

Đầu tư vào hạ tầng viễn thông, cung cấp đào tạo và giáo dục về công nghệ số, cung cấp quyền truy cập vào dịch vụ công nghệ, thúc đẩy nhận thức về an ninh mạng và quyền riêng tư cho người dân nhằm nâng cao nhận thức và khả năng sử dụng công nghệ số.

Xem thêm
Bình Thuận giải quyết thiếu nước sinh hoạt cho huyện đảo Phú Quý

Tỉnh Bình Thuận đã thống nhất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt cho huyện đảo Phú Quý, trong đó cho đầu tư các hạng mục công trình, nâng cấp công suất nhà máy nước.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

2 sản phẩm sâm Ngọc Linh có tiềm năng đạt OCOP 5 sao

Theo đó, có hai sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là rượu sâm Ngọc Linh K5 Premium và rượu Quốc Tửu K5 của Công ty cổ phần Vingin.