Đó là ý kiến tham luận của các đại biểu tại Hội thảo: “Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững”, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024 do tỉnh Hậu Giang tổ chức, diễn ra sáng nay 23/5 tại TP Vị Thanh.
Trong tham luận tổng quan tình hình chuyển đổi số quốc gia và khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu dẫn chứng về hiệu quả giải quyết công việc trong thực hiện Chính phủ số: “Trong năm 2023, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 38,3%, tiết kiệm gần 37 triệu giờ làm việc của người dân, tương đương 1.274 tỷ đồng”.
Theo ông Hạnh, đến hết năm 2023, tức là giữa giai đoạn thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam đã đạt được khoảng gần 50% các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp trong nhóm 50 nước dẫn đầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo (liên tiếp duy trì từ năm 2018 đến nay).
Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam năm 2023 ở mức 0,75, tuy nhiên theo ông Hạnh: “Việt Nam cần đưa chỉ số này lên mức 0,8 và duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới ở tất cả các lĩnh vực liên tục trong khoảng một thập kỷ để tạo ra sự bứt phá”.
Ông Hạnh cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có 5 ngành, lĩnh vực tiềm năng về kinh tế số, đó là: Nông nghiệp, du lịch, dệt may, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trình bày tham luận về chuỗi cung ứng và giải pháp Chuyển đổi số cho Doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam, ông Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee đề xuất 2 giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm là thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, giải pháp thu thập thông tin về điều kiện canh tác (thời tiết, không khí, chất lượng đất...), phân tích kết hợp với giai đoạn trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi để đưa ra đề xuất về lượng phân bón, thuốc trừ sâu, dịch bệnh và lượng nước tưới phù hợp. Song song đó là ứng dụng các nền tảng công nghệ giúp các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với khách hàng, đơn vị phân phối, bán lẻ và đơn vị cung cấp đầu vào.
Điển hình như tại tỉnh Hậu Giang, ngành chức năng và người dân nơi đây đã và đang ứng dụng máy bay không người lái vào phun thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước, điều khiển tự động, ứng dụng phần mềm họp trực tuyến, hội thảo trực tuyến Zoom, Google Meet trong hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời xây dựng và phát triển phần mềm truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” giúp nông dân ghi chép nhật ký sản xuất và hỗ trợ in tem truy xuất bằng mã QR-Code...
Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe các tham luận về: Chuyển đổi kép hướng đến phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG (bộ ba tiêu chuẩn môi trường – xã hội – quản trị) và lộ trình dành cho doanh nghiệp. Lợi ích của Tiêu chuẩn Quốc tế trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cùng với đó là bàn tròn thảo luận về kinh nghiệm triển khai và những bài học thực tế.