Cách đây chừng 10 năm, chế biến điều là việc của các NM với quy mô hoàn chỉnh, khép kín, được kiểm soát VSATTP chặt chẽ từ khâu đầu tiên: thu mua nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, đến khâu cuối cùng: đóng gói và xuất khẩu.
Chính quy trình sản xuất đó đã tạo ra sản phẩm nhân điều VN tuyệt vời được cả thế giới chấp nhận, cũng nhờ vậy lượng tiêu thụ, mãi lực thị trường XK điều của VN ngày càng lớn. Nhưng 5 năm trở lại đây, việc chế biến đó không còn là “độc quyền” của các NM nữa.
Phát hiện ra những kẽ hở chết người của quy trình chế biến là trong cả dây chuyền đó, có những khâu hoàn toàn chỉ làm thủ công, như khâu tách nhân, bóc vỏ lụa, một số NM đã khai thác thêm nhân công bên ngoài nhằm tăng công suất chế biến. Họ bắt đầu đưa hàng cho những hộ gia đình chỉ để làm một công đoạn: tách nhân hoặc bóc vỏ lụa. Người làm những việc này không cần biết chữ, chỉ cần có sức khỏe, lành lặn và rỗi rãi.
Vậy là, khỏi cần phải có các NM quy mô, công nhân khỏi cần vào NM để phải chịu kiểm soát kỷ luật lao động, hàng trăm cơ sở nhỏ bé với chỉ 5 – 10 người làm mọc ra như nấm. Họ có thể ngồi làm ở bất kỳ đâu, với bất kỳ mội trường nào, bất kỳ lúc nào mà khỏi phải nghĩ đến việc rửa tay vì không có bất kỳ một ai có quyền kiểm soát việc đó. Từ chỗ chỉ nhận làm gia công cho các NM, dần dà, họ tự bỏ tiền ra mua nguyên liệu, chế ra sản phẩm dở dang rồi bán thẳng cho các NM.
Từ đó, lại xuất hiện một đội ngũ thương nhân chuyên mua gom các loại bán thành phẩm này rồi bán lại cho các NM với số lượng lớn hơn. Chỉ cần 5- 6 năm, đến nay đã hình thành một mạng lưới rộng khắp, tạo ra cả một thị trường thật sự mà vùng Phước Long, Phước Bình của tỉnh Bình Phước đã trở thành một cái chợ nhân điều khổng lồ. Ở đó có đủ các loại hàng “thượng vàng hạ cám” được chế biến ra từ bất kỳ ở đâu, với bất kỳ thời hạn nào, miễn là có người mua…
Nhờ sự cung ứng này, chỉ trong khoảng 5 năm, VN từ chỗ chỉ là nhà XK điều hạng trung, đã vụt trở thành “người khổng lồ”, vượt qua cả Ấn Độ để trở thành nhà XK điều số một thế giới. Nhưng sự phát triển nào cũng có cái giá của nó. Đã là hàng chợ thì lẽ đương nhiên chất lượng cũng chỉ ở mức hàng chợ. DNXK điều mua phải hàng kém phẩm chất, hàng bị làm gian lận, hàng bị nhiễm kháng sinh, thuốc diệt trùng … khiến nhiều lô hàng bị khách hàng từ chối trả lại dẫn đến thua lỗ.
Đã xảy ra vô số những “cái chết” thê thảm của các ông chủ lớn với nghịch lý của ngành điều "cá bé rỉa chết cá lớn". Nhưng cái chết đó chưa thảm bằng việc, rồi đây tương lai của ngành kinh tế có tiềm năng doanh thu XK hàng tỷ đô-la Mỹ/năm sẽ bị tẩy chay trên thị trường khó tính Âu- Mỹ vì những quy định ngày càng chặt chẽ về VSATTP của nhà NK. Nguy cơ này là hoàn toàn có cơ sở vì ngành chế biến điều lâu nay đã bị bỏ mặc vấn đề VSATTP, vấn đề “kiểm soát mối nguy”- nguyên tắc số một của việc chế biến thực phẩm.
Những hiểm họa về ATTP và môi trường đã phát lộ càng ngày càng rõ và đã thực sự uy hiếp đến tính bền vững của ngành chế biến điều. Thà muộn còn hơn là không bao giờ, hãy cứu lấy ngành kinh tế tiềm năng này bằng sự can thiệp của quyền lực nhà nước thông qua những quy định có tính pháp lý. Vấn đề chỉ còn là, căn cứ vào Luật Vệ sinh ATTP mới được ban hành, cơ quan có thẩm quyền có thể buộc đưa ngành này vào đối tượng kiểm soát “có điều kiện” hay không mà thôi. |
Bộ NN- PTNT chỉ có Cục Chế biến, Thương mại Nông, lâm, thủy sản và nghề muối là "quan tâm" đến ngành điều. Nhưng Cục này cũng chỉ là “quan sát viên”, là “bạn bè”, nhà tư vấn công nghệ, kỹ thuật… mà không có quyền ra lệnh, quyền cho phép được hay không được làm, căn cứ vào các quy định của pháp luật trên khía cạnh VSATTP.
Trong khi đó, có hẳn một cơ quan nắm quyền chế tài, nhân danh Nhà nước“thổi còi” về VSATTP là Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và Thủy sản thì hầu như “không có quan hệ gì”. Chính vì sự tréo ngoe này nên việc chế biến điều từ khi ra đời cho đến hôm nay, những tiêu chuẩn về VSATTP đã không hề bị coi là “điều kiện” khi xin phép thành lập DN chế biến kinh doanh điều trong khi lẽ ra, nó phải bị coi là một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.
Vì sao phải đặt ra vấn đề này? Vì như đã phân tích ở trên, thực tế của quy trình chế biến nhân điều ở VN hiện nay chứa đựng rất nhiều những hiểm họa về VSATTP và an toàn môi trường, thậm chí ở mức hủy hoại môi trường nếu những cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc kiểm soát môi trường tại những NM hiện vẫn đang chế biến theo công nghệ chao dầu. Bộ NN- PTNT đã ban hành bộ Quy chuẩn cơ sở chế biến điều, nhưng đó chỉ là tài liệu tham khảo – mà hầu như không có ai ngó đến, nó chưa hề được coi là cơ sở pháp lý để chế tài các DN khi xin giấy phép kinh doanh.