| Hotline: 0983.970.780

Chế biến thủy sản ra quân

Thứ Tư 04/03/2015 , 09:16 (GMT+7)

Mới đầu năm mới đã có chuyến hàng xuất khẩu (XK) sang Philippines, toàn thể CBCNV của Cty CP Đông lạnh Quy Nhơn (Bình Định) ai nấy đều phấn khởi.

Thế nên ngày ra quân đầu năm của đơn vị này tràn ngập không khí hồ hởi.

Mùng 6 tháng Giêng (24/2), tôi “đạp đất” Cty CP Đông lạnh Quy Nhơn đúng vào ngày đơn vị này xuất chuyến hàng đầu tiên.

Trên 300 CBCNV của Cty đều đi làm đầy đủ. Nô nức nhất là xưởng chế biến, nơi thu hút gần 90% lực lượng CBCNV của đơn vị. Những ngày nghỉ Tết hầu như không ảnh hưởng gì đến không khí ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Cả khu chế biến đông chật người nhưng không tiếng trò chuyện, từng người cần mẫn với đôi tay thoăn thoắt lột vỏ những con tôm.

“Hôm nay mới chính thức là ngày ra quân đầu năm mới, nhưng trong suốt những ngày nghỉ Tết đều có cán bộ túc trực để thu mua nguyên liệu, chuẩn bị sản phẩm xuất theo đơn hàng đã đặt trước.

Mặc dù phải làm việc trong những ngày nghỉ Tết nhưng anh em không hề phàn nàn, ai nấy đều tận tụy với công việc và đã nhập được 20 tấn tôm nguyên liệu. Mới đầu năm mà đã có chuyến hàng XK nên ai nấy đều phấn khởi, đây được xem là tín hiệu vui đầu năm”, ông Mai Ngọc Sơn, GĐ Cty CP Đông lạnh Quy Nhơn cho biết.

Nhớ lại chuyện làm ăn trong năm cũ, ông Sơn không khỏi tự hào vì những gì đã đạt được trong bối cảnh khó khăn tứ bề. Sản phẩm chính của Cty CP Đông lạnh Quy Nhơn chủ yếu là làm tôm đông lạnh XK. Thị trường XK chính của đơn vị này là Hàn Quốc, các nước trong khối EU, một số nước trong khối Asean và Trung Đông.

Trong năm qua, suy thoái kinh tế, biến động chính trị tại nhiều nước trên thế giới, nhất là khối EU đã làm cho thị trường tiêu thụ giảm sút mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến những mặt hàng XK, trong đó có mặt hàng tôm đông lạnh của Cty CP Đông lạnh Quy Nhơn. Tuy nhiên, nhờ sản phẩm của Cty luôn được đảm bảo về chất lượng, tạo được uy tín lớn với các thị trường nên vẫn giữ được nhiều mối hàng truyền thống.

“Để giữ được thị trường, ngoài luôn đảm bảo chất lượng, chúng tôi còn uyển chuyển về giá cả và đảm bảo về số lượng và thời gian cung ứng hàng theo yêu cầu nên các khách hàng đều ưng bụng, duy trì làm ăn lâu dài.

Những thời điểm khách hàng gặp khó khăn về giá cả, chúng tôi luôn linh động điều chỉnh nên đã tạo được mối gắn kết song phương. Ví dụ như họ vừa ký hợp đồng với chúng tôi xong, bỗng dưng giá hàng trên thị trường tụt thấp, chúng tôi sẵn lòng điều chỉnh giá của đơn hàng cho phù hợp thực tế”, ông Sơn nói.

Nhờ cách làm ăn linh động nên trong năm vừa qua dù gặp không ít khó khăn, nhưng hoạt động của Cty CP Đông lạnh Quy Nhơn vẫn tăng trưởng, vượt mức các chỉ tiêu đề ra.

“Trong năm 2014, doanh thu của Cty đạt 120% so với kế hoạch, tăng 30% so năm 2013; kim ngạch XK đạt 113% so kế hoạch, tăng 31,6% so năm 2013; sản lượng đạt 113% so kế hoạch, tăng 10,6% so năm 2013”, ông Sơn phấn khởi cho biết.

Bước sang năm mới 2015, trước tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới chưa được cải thiện, đồng tiền ở một số nước là thị trường XK của Cty bị mất giá, nên việc tiêu thụ mặt hàng tôm đông lạnh cũng bị hạn chế.

“Trước xu hướng nền kinh tế thế giới dang dần phục hồi, hy vọng bước sang quý 2/2015 đồng tiền của những nước là khách hàng mua tôm đông lạnh của Cty sẽ được vực dậy, thanh khoản sáng sủa hơn sẽ cứu vớt được thị trường XK”, ông Mai Ngọc Sơn kỳ vọng.

Thậm chí có một số khách hàng, kể cả ở châu Âu đã mua hàng nhưng không mua nổi đô la Mỹ để thanh toán tiền hàng cho Cty vì mọi thanh toán đều tính bằng đồng đô la Mỹ.

Tình hình này cho thấy chuyện làm ăn trong năm mới vẫn chưa thoát khó khăn. Do vậy, để đảm bảo SX và đảm bảo cho đời sống của CBCNV, Cty CP Đông lạnh Quy Nhơn đã triển khai triệt để vấn đề tiết kiệm tối đa từ việc sử dụng điện đến nguyên vật liệu để giảm giá thành sản phẩm.

Không chỉ đang gặp khó về đầu ra, vấn đề nguyên liệu của Cty hiện cũng đang đứng trước khó khăn.

Ông Sơn giải thích: “Vì giá hàng trên thị trường đang ở mức thấp, nên giá thu mua nguyên liệu của Cty cũng thấp theo, hiện tôm 100 con/kg chỉ thu mua với giá 100.000 đ/kg (bắt tại hồ), thấp hơn từ 15 -20% so với năm 2014. Với cái giá này, người nuôi tôm không có lãi nên những vùng nguyên liệu ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên đang thu hẹp dần”.

Khi nguồn nguyên liệu giảm, ắt sẽ đẩy giá tôm nguyên liệu tăng cao càng gây khó cho việc kinh doanh của Cty. “Hiện nay chỉ có số ít hồ tôm thả giống trước Tết đang thu hoạch, khoảng cuối quý I, đầu quý II mới là thời kỳ thu hoạch rộ. Nếu đến lúc này mà giá thị trường không tăng, giá thu mua dậm chân tại chỗ ắt nhiều người nuôi sẽ bỏ hồ.

Khi ấy Cty sẽ gặp khó trong việc thu mua nguyên liệu, vì nguồn nguyên liệu chính của Cty là thu mua nội địa, chủ yếu là 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên”, ông Mai Ngọc Sơn cho biết thêm.

Tuy nhiên, với sự linh động trong hoạt động của Cty và với lượng khách hàng ổn định, uy tín từ nhiều năm qua, trong năm 2015 này, Cty CP Đông lạnh Quy Nhơn vẫn đặt ra cho mình hướng phát triển vượt trội so với năm trước.

“Trong năm 2015, trong SX chúng tôi sẽ cố gắng đạt mức sản lượng 1.400 tấn, doanh thu 300 tỷ đồng, kim ngạch XK đạt 11 triệu USD để đưa thu nhập của CBCNV tăng từ 7 - 10% so với năm cũ”, ông Sơn cho hay.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm