| Hotline: 0983.970.780

Chè Sông Cầu 'sống lại'

Thứ Ba 19/03/2019 , 09:34 (GMT+7)

Vừa qua, ông Vũ Hồng Bắc (Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên) và ông Trịnh Việt Hùng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên) đã đến thăm mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ).

08-00-12_2
Chè VietGAP mang lại sức sống mới cho thương hiệu chè Sông Cầu

Thị trấn nông trường Sông Cầu được ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, vào thời mà nhà máy chè Sông Cầu được hình thành. Một nhà máy đã từng mang sản phẩm chè của quê hương đến nhiều nước trên thế giới. Sứ mệnh lịch sử đó đã hoàn thành. 

Tuy vậy khoảng 10 năm trở lại đây, nhà máy hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa. Cả một vùng nguyên liệu hơn 400 ha do công nhân quản lý nay buộc phải thâm nhập thị trường để cạnh tranh. Những nương chè già cỗi được chăm bón theo phương thức cũ nên không có được giá bán cao. Những người công nhân của nhà máy một thời vang bóng thì nay lại trở thành những nông dân cần được hỗ trợ hơn bao giờ hết.

Bà Nguyễn Kim Đương (cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên) cho biết, xuất phát từ thực tế trên, việc xây dựng mô hình dự án SX chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè cho người dân là hết sức cần thiết. Trung tâm đã chọn 150 hộ dân tham gia thực hiện mô hình SX chè VietGAP với quy mô 50 ha tập trung.

Có một thực tế là tại Thái Nguyên, các mô hình làm chè VietGAP cũng không ít nhưng hiệu quả bền vững lại chưa tương xứng với kỳ vọng. Các mô hình thường nhỏ lẻ nên khi dừng hỗ trợ thì bà con rất dễ quay lại cách thức sản xuất cũ. Mục tiêu của Dự án là trong 3 năm triển khai (2017-2019) sẽ xây dựng được một mô hình liên kết SX - chế biến - tiêu thụ chè an toàn.

Với diện tích tham gia mô hình là 1,1 ha, ông Vương Tuấn Anh (xóm Tân Tiến, thị trấn Sông Cầu) cho biết, trước đây, các hộ chủ yếu cuốc hố, rạch hàng bón vùi phân chuồng, phân NPK và 20% phân đạm, 30% kali vào tháng 2-3 hàng năm. Số phân còn lại bón ở các tháng sau chủ yếu được bón vãi bổ sung sau mưa, khi chè bắt đầu nứt nanh, nhú mầm ra lứa mới. Những diện tích nào bón phân Supe lân thì không bón phân tổng hợp NPK và ngược lại diện tích nào bón phân tổng hợp NPK thì không bón Supe lân; thông thường cứ 1 năm bón phân Supe lân thì năm sau bón phân tổng hợp NPK.

Trong khi đó, diện tích chè được bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh rất ít nên số hộ chế biến chè khô chất lượng cao chiếm khoảng 10-15% diện tích. Phần lớn diện tích còn chủ yếu được bán tươi làm nguyên liệu chế biến chè cho nhà máy.

08-00-12_1
Chè Sông Cầu "sống lại"
Kết quả của dự án sẽ mở ra triển vọng áp dụng nhân rộng, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật làm chè của các vùng SX chè trọng điểm. Đặc biệt, mô hình còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc gìn giữ hình ảnh, thương hiệu của một vùng chè lớn trên quê hương chè Thái Nguyên.

Qua tập huấn kỹ thuật, ông Tuấn Anh làu làu, tháng 2, chúng tôi thực hiện bón 100% phân chuồng, phân lân, phân hữu cơ vi sinh và 30% phân đạm, 30% kali; Tháng 4, tháng 6 và tháng 8 thì bón 25% đạm và 25% kali; Phân sinh học được phun đều sau mỗi lứa hái.

Các lần bón phân của các hộ đều được cuốc hố hoặc rạch hàng bón sâu theo rìa tán phía trên hàng chè. Việc bón vãi trước và sau khi mưa khiến phân bón bị rửa trôi theo mưa và một phần bốc hơi khi gặp nắng nóng làm cho đất ngày càng bạc mầu, trai cứng, hàm lượng mùn và tỷ lệ vi sinh vật hữu ích trong đất thấp, khả năng hút dinh dưỡng, quang hợp của cây chè giảm, sinh trưởng phát triển chậm hơn.

Về việc sử dụng thuốc BVTV, ông Đàm Văn Hùng (xóm Tân Tiến, thị trấn Sông Cầu) cho biết, trước đây, thuốc BVTV chủ yếu được phun định kỳ sau mỗi lứa hái 5-10 ngày, khi chè bắt đầu nứt nanh, ra lứa mới. Phun thuốc cũng không để ý và chưa quan tâm nhiều đến thời gian cách ly khi thu hoạch chè, chỉ cần chè sinh trưởng và phát triển tốt, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và sức khỏe con người, cộng đồng.

Hiện nay, việc sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ các nguyên tắc, chỉ dùng thuốc khi cần và thuốc phải trong danh mục được phép sử dụng. Ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc để phun trừ sâu bệnh khi đến ngưỡng phòng trừ và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch chè. Các hoạt hoạt động bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... diễn ra trên nương chè đều được ghi chép lại trong sổ nhật ký.

Ông Dương Sơn Hà (Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên) cho biết, qua 2 năm thực hiện mô hình, năng suất bình quân đã tăng từ 8,6 tấn/ha/năm lên 11,2 tấn/ha/năm, bằng 30,2% so với trước khi thực hiện mô hình. Đặc biệt với giá bán cao hơn hẳn nên giá trị sản lượng đã tăng tới 74% so với trước khi làm mô hình. (250 triệu/ha và 106 triệu/ha).

Từ những ý kiến sôi nổi, hào hứng của người tham gia mô hình cũng như mong muốn duy trì bền vững phương thức canh tác mới, ông Vũ Hồng Bắc (Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên) cho biết, thành công của mô hình là tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ gia đình tham gia thực hiện. Dự án được triển khai có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tập quán canh tác chè theo hướng truyền thống sang thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm mang lại năng suất, chất lượng, giá trị cao hơn.

 

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.