Cùng nông dân vượt khó
Những năm gần đây, diện tích vùng mía nguyên liệu của tỉnh Tuyên Quang đang dần khôi phục. Vụ ép 2023 - 2024 đánh dấu bước hồi sinh với diện tích 1.900ha, tăng lên 2.500ha trong vụ ép 2024 - 2025 và dự kiến tiếp tục mở rộng thêm 1.000ha cho niên vụ 2025 - 2026.

Bước qua một thời khó khăn, cây mía đường ở Tuyên Quang đang dần khôi phục trở lại. Ảnh: Đào Thanh.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển, phục hồi cho ngành mía đường, ngày 25/10/2024, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành văn bản tạm giao chỉ tiêu trồng mía nguyên liệu với tổng diện tích 2.977ha, trong đó có 535ha trồng mới, 195ha trồng lại và 2.247ha lưu gốc. Cùng với đó, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã ra văn bản ngày 25/11/2024 hướng dẫn thu hoạch và tổ chức sản xuất mía nguyên liệu cho năm 2025.
Tại các huyện trọng điểm như Sơn Dương, Hàm Yên, chính quyền địa phương tích cực triển khai kế hoạch phát triển vùng mía. Huyện Sơn Dương đặt mục tiêu trồng mới 314ha, trong khi huyện Hàm Yên lên kế hoạch trồng mới 126ha. Các địa phương này cũng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phát triển vùng nguyên liệu mía và triển khai kế hoạch cho niên vụ mới, từ đó hỗ trợ nông dân tiếp cận chính sách phát triển cây mía hiệu quả.
Vụ ép năm 2024 - 2025, gia đình chị Trần Thị Thao ở thôn Đào Tiến, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương trồng 2ha mía. Chị Thao cho biết, mấy năm trở lại đây diện tích mía của gia đình đến khi thu hoạch đều được công ty thu mua kịp thời với giá 1,3 triệu đồng/tấn nên chị và bà con rất yên tâm gắn bó với cây mía. Trừ các khoản chi phí, vụ mía năm nay gia đình chị lãi khoảng 80 triệu đồng.
Cũng như gia đình chị Thao, gia đình chị Đỗ Thị Thùy Vân ở cùng thôn Đào Tiến trồng 2ha mía. Cây mía là nguồn thu nhập chính trong nhiều năm nay của gia đình chị. Mấy năm trước, mía nguyên liệu giảm giá, việc thu mua chậm khiến không ít hộ gia đình bỏ mía trồng cây trồng khác.

Với chính sách ổn định về giá và sự đồng hành của doanh nghiệp, nhiều hộ trồng mía ở Tuyên Quang đã gắn bó với công trồng này. Ảnh: Đào Thanh.
Niên vụ 2024 - 2025 hạn hán kéo dài khiến năng suất mía chỉ đạt chưa đến 60 tấn/ha, giảm từ 5 đến 10 tấn/ha so với những vụ trước. Trước thực trạng này, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đã thực hiện hỗ trợ thêm 25.000đ/tấn mía nguyên liệu cho mỗi hộ gia đình, tiếp thêm động lực để nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía.
Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết từ đầu vụ, Công ty đã xây dựng kế hoạch tổ chức đốn chặt, vận chuyển mía nguyên liệu chi tiết đến từng địa bàn; tính toán ưu tiên các điểm mía có nguy cơ bị mua trộm, các điểm khó, các vùng thiếu lao động chỉ đạo thu hoạch trước, đảm bảo thuận lợi nhất cho hộ trồng mía và kết thúc thời vụ đúng kế hoạch.
Công ty cũng đã ký hợp đồng vận chuyển mía với 180 chủ hợp đồng để vận chuyển từ 2.000 - 2.200 tấn mía/ngày, đáp ứng đủ cho sản xuất, chế biến; làm việc với các chủ phương tiện, bố trí 20 máy để bốc, xếp mía kịp thời cho người dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến. Với thực trạng các tuyến đường giao thông nội đồng bị xuống cấp, đặc biệt ở vùng mía nguyên liệu, Công ty đang phối hợp với UBND các xã, thôn trong vùng nguyên liệu tiến hành sửa chữa để phục vụ nhu cầu vận chuyển.

Diện tích mía nguyên liệu ở tỉnh Tuyên Quang đang khôi phục, mở rộng từ vài trăm đến cả nghìn ha mỗi năm. Ảnh: Đào Thanh.
Những nỗ lực từ chính quyền và doanh nghiệp đã mang lại tín hiệu tích cực cho ngành mía đường Tuyên Quang. Nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích trồng mía, góp phần khôi phục vùng nguyên liệu và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững, đòi hỏi ngành mía đường cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tín hiệu tích cực cho tương lai
Ông Ngụy Như Tiến Dũng cũng cho biết, sau khi kết thúc vụ sản xuất 2024 - 2025, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương sẽ nhanh chóng tổng kết, đánh giá và triển khai công tác chuẩn bị cho vụ sản xuất 2025 - 2026. Hiện nay, công tác phát triển diện tích mía cũng đạt kết quả khả quan. Với 800ha ký hợp đồng trong vụ mới, đã có 214ha đất được giải phóng, 55ha đã cày và 17ha đã trồng mía.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích, Công ty cũng đặc biệt chú trọng đến yếu tố giống mía. Các giống như LK9211, KK3, Roc22 và giống mới YZ08-1609 đang được nghiên cứu, thử nghiệm để nâng cao năng suất và chất lượng mía nguyên liệu. Hiện Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng 17.000 tấn giống, bao gồm 14.000 tấn mía giống và 3.000 tấn ngọn phục vụ kế hoạch sản xuất cho vụ tới.

Giá đường kính trắng trên thị trường hiện nay là 18.500 đồng/kg, mức giá này giúp doanh nghiệp mía đường đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh. Ảnh: Đào Thanh.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng cam kết duy trì chính sách hỗ trợ người trồng mía như thu mua với giá ổn định 1,3 triệu đồng/tấn; cán bộ của Công ty tổ chức phân vùng, phân công các máy nằm tại địa bàn, sẵn sàng phục vụ công tác cày đất; thực hiện ký 8 máy cày Komasu, 2 máy cày Belarus. Với một số diện tích đất đồi Công ty hỗ trợ cho người dân thuê máy cuốc về làm đất, đáp ứng yêu cầu làm đất kịp thời vụ.
Công ty cũng xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất phân bón từ ngày 10/12/2024 với sản lượng cung ứng cả vụ là 8.000 tấn, đáp ứng đủ theo yêu cầu với quy cách bao 25kg để thuận tiện cho hộ trồng mía vận chuyển và sử dụng; liên kết với các công ty sản xuất phân bón để thử nghiệm bón phân NPK cho khoảng 1.000ha mía từ niên vụ 2024 - 2025.
Vụ ép năm 2024 - 2025 của ngành mía đường Tuyên Quang bắt đầu từ cuối tháng 12/2024 và sẽ kết thúc khoảng giữa tháng 3/2025. Với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, ngành mía đường Tuyên Quang đang trên đà khôi phục và phát triển, hứa hẹn mang lại “vị ngọt” cho cả nông dân và nền kinh tế địa phương.

Khó khăn lớn nhất hiện nay mà ngành mía đường Tuyên Quang đang gặp phải đó là tình trạng hạn hán kéo dài. Ảnh: Đào Thanh.
Mặc dù vậy, ông Ngụy Như Tiến Dũng cho rằng ngành mía đường Tuyên Quang vẫn phải đối diện với những khó khăn nhất định. Biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán kéo dài đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng mía nguyên liệu.
Nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài trong niên vụ 2025 - 2026, nhiều diện tích mía trồng mới có thể gặp khó khăn trong việc phát triển bộ rễ và nảy mầm, trong khi mía lưu gốc sau khi thu hoạch rất cần mưa để phát triển mầm mới. Với diện tích trồng mới, nếu hạn hán kéo dài, độ ẩm không đảm bảo cây mía sẽ không thể phát triển bộ rễ và nảy mầm.
Bên cạnh đó, tình trạng đường nhập lậu từ các nước lân cận đang tạo áp lực lớn đối với ngành mía đường trong nước. Việc giá đường trong nước chịu sự cạnh tranh từ nguồn nhập lậu khiến doanh nghiệp và người trồng mía gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, ngành mía đường Tuyên Quang vẫn đang từng bước khẳng định lại vị thế của mình. Những chính sách hỗ trợ phù hợp, cùng với sự đổi mới trong quản lý và sản xuất hứa hẹn sẽ mang lại những vụ mùa bội thu, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.