Vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đang "đốt nóng" từ dư luận đến nghị trường, mà vấn đề nhức nhối nhất trong vụ án là "ông Nguyễn Thanh Chấn có bị nhục hình, bức cung hay không?".
Ông Nguyễn Thanh Chấn tố cáo: Trong thời gian bị tạm giam, ông đã bị các điều tra viên (ĐTV) đe dọa, bức cung, bằng những lời lẽ mà không ai có thể ngờ là chúng lại được phát ra từ miệng những người làm công tác điều tra: "Mày không nhận thì tao cho mày chết", và tiếp theo, ông phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết.
Sáng 4/11, ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ ba từ phải sang) được trả tự do để chờ minh oan (Ảnh: tuoitre.vn)
Để giữ mạng sống, ông đành nhận một cái tội tầy đình là tội "giết người", dù ông không hề giết, và có chứng cứ ngoại phạm khi vụ án xảy ra. Chưa hết, sau khi đã buộc phải nhận tội rồi, ông còn bị những ĐTV bắt phải tập đi tập lại những động tác đâm người bị giết do họ sáng tác ra, rồi sau đó phải "diễn" lại trong những lần thực nghiệm, cốt để các ĐTV đạt được mục đích của họ, là lời nhận tội của ông phù hợp với những chứng cứ khác trong vụ án.
Còn các ĐTV thì phủ nhận: Không có chuyện đe dọa, bức cung, không dùng nhục hình với ông Nguyễn Thanh Chấn. Những lời ông Chấn nhận tội là hoàn toàn tự nguyện.
Trừ những kẻ nhận tội thuê để sau đó đi tù thuê, còn thì không một người bình thường nào lại "tự nguyện" nhận tội khi mình không gây tội cả. Nhất là tội "giết người", một cái tội mà họ biết rất rõ là có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Vậy giữa người tố cáo và những ĐTV bị tố cáo kia ai đúng, ai sai? Thôi thì hãy chờ Bộ Công an phân xử, khi bộ này cho biết đã vào cuộc để làm rõ. Vấn đề mà chúng tôi muốn nói ở đây mang ý nghĩa khác.
Ông Nguyễn Thanh Chấn nhận tội (theo ông), là để bảo toàn tính mạng, chờ khi ra tòa có điều kiện kêu oan, tố cáo việc bị bức cung, nhục hình. Nhưng ông không ngờ là chính những lời nhận tội bắt buộc đó lại trở thành chứng cứ để cả 2 cấp tòa sơ, phúc thẩm kết tội ông, tuyên buộc ông phải nhận hình phạt tù suốt đời (chung thân).
Không ít bị cáo khi ra tòa đã tố cáo việc mình bị bức cung, bị nhục hình nên buộc phải nhận tội. Trước những lời tố cáo đó, câu hỏi của HĐXX bao giờ cũng là:
- Bị cáo tố cáo bị ĐTV bức cung, đánh đập buộc phải nhận tội. Vậy bị cáo có chứng cứ gì không? Có ghi âm được không? hay có người làm chứng không? Có vết thương không?
Tất nhiên là bị cáo không có. Vào trại tạm giam, đến một cái kim cũng bị thu giữ, nói gì máy ghi âm? Khi hỏi cung, chỉ có ĐTV với nghi can trong một căn phòng, đến luật sư của bị cáo xin có mặt trong buổi hỏi cung cũng không được, nói gì đến việc có người làm chứng? Không một ĐTV nào khi dùng nhục hình lại dại dột để lại thương tích vĩnh viễn cho nghi can.
Còn những chứng tích nhục hình trên phần mềm của nghi can thì đến khi ra tòa, chúng đã biến mất. Chính vì thế mà trong phiên tòa xử vụ án "chống người thi hành công vụ" xảy ra ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải (Thái Bình), khi bị HĐXX hỏi như trên, bị cáo Nguyễn Văn Thăng đã trả lời: "Chỉ có những con muỗi làm chứng thôi, vì trong phòng hỏi cung rất nhiều muỗi".
Và vì vậy, lời tố cáo của bị cáo Thăng, cũng như lời tố cáo của hàng trăm hàng nghìn bị cáo khác, đều bị HĐXX buông một câu gọn lỏn trong bản án là "không có căn cứ".
Dùng nhục hình, bức cung để buộc nghi can phải nhận tội dù họ không gây tội, không chỉ là tội hình sự (được quy định tại các điều 298; 299 BLHS) mà còn là tội ác, bởi nhục hình, bức cung đẩy con người đến oan khuất, thậm chí làm mất mạng người.
Tội ác đó, đương nhiên là do một số ĐTV gây ra, nhưng hậu quả của tội ác lại thuộc trách nhiệm của những HĐXX, bởi tại phiên tòa, họ hoàn toàn đủ điều kiện và kiến thức để làm sáng tỏ được việc bị cáo có bị nhục hình, bức cung hay không, nhưng họ đã không làm.
Đã đến lúc phải thành lập một cơ quan điều tra độc lập, và có chế tài buộc các HĐXX phải dừng phiên tòa để cơ quan điều tra đó làm rõ bị cáo có bị nhục hình, bức cung hay không, mỗi khi họ tố cáo trước tòa.