| Hotline: 0983.970.780

Chỉ thị 16 còn 'gây bối rối', Chỉ thị mới quy định rõ ràng hơn

Thứ Sáu 17/04/2020 , 18:35 (GMT+7)

Chiều 17/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để lấy ý kiến dự thảo Chỉ thị mới giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 17/4. Ảnh: Đình Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 17/4. Ảnh: Đình Nam.

Phát biểu chỉ đạo buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, gần đây nhất là Chỉ thị 15 và 16.

Đặc biệt là Chỉ thị 16, sau khi thực hiện 2 tuần, trong quá trình thực hiện Thủ tướng đã giao cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nghiên cứu để báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án có tiếp tục thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội hay không và thực hiện như thế nào.

"Lần này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ soạn thảo Chỉ thị mới trình Thủ tướng. Chúng tôi đã soạn dự thảo, lấy ý kiến thành viên Ban chỉ đạo quốc gia và gửi, xin ý kiến các tỉnh, thành. Chỉ thị 16 còn khá mới, gây bối rối cho nhiều địa phương khi thực thi nên ở lần ban hành chỉ thị mới này, ban soạn thảo sẽ cẩn thận tối đa để có những quy định rõ ràng cho các địa phương dễ dàng áp dụng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau khi lấy ý kiến góp ý của các địa phương, ban soạn thảo sẽ gấp rút hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào sáng mai (ngày 18/4) để xem xét quyết định và ban hành chỉ thị trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày dự thảo Chỉ thị mới. 

Theo đó, trên phạm vi toàn quốc sẽ áp dụng 14 điểm chung như tiếp tục thống nhất và nhất quán hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mọi người dân thực hiện theo kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chống dịch...

Hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, ngăn chặn kịp thời nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh đối với tất cả các cửa khẩu: hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. Tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam ở nước ngoài tạm thời chưa về nước và chấp hành các quy định về phòng chống dịch ở nước sở tại. Tất cả các trường hợp nhập cảnh phải cách ly phù hợp theo quy định. Một số địa phương có góp ý, đối với các trường hợp ngoại giao, công vụ, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, các tập đoàn - tổng công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì khi vào Việt Nam phải thực hiện cách ly phù hợp, còn lại tất cả đối tượng khác phải cách ly đủ 14 ngày theo quy định.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cơ quan, công sở, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở bảo trợ xã hội, công trường đang thi công theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền...

Tăng cường năng lực, tập trung xét nghiệm tại các ổ dịch, nhóm người hoặc địa bàn có nguy cơ cao. Kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng; xử lý triệt để các ổ dịch và tiếp tục thực hiện tốt việc cách ly, cải thiện kịp thời và hạn chế lây nhiễm ở các cơ sở cách ly tập trung.

Bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý, tuần thủ các quy định về phòng chống dịch tại các cơ sở y tế ngay từ khâu tiếp đón. Hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện và tăng cường y tế cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa và khám chữa bệnh tại nhà.

Quan tâm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ y tế tham gia phòng chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý mãn dịch, các đối tượng yếu thế và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết, sẵn sàng trong mọi tình huống của dịch bệnh.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, vắc xin và ứng dụng khác trong phòng chống dịch; thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị.

Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin để tìm kiến, xác định các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ trong khám bệnh, chữa bệnh, trong làm việc, học tập thực tiễn, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và các thủ tục hành chính khác.

Yêu cầu mọi người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết, phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc và không tập trung đông người.

Không tổ chức các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng đông người, tạm dừng các hoạt động dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, du lịch, karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường, sân vận động.

Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần thiết liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch, chứng khoán, bưu chính viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh chữa bệnh, tang lễ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có phục vụ tại chỗ được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp không đảm bảo theo yêu cầu thì phải dừng hoạt động.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa, nhiên liệu, nguyên vật liệu hàng hóa; xe phục vụ hoạt động phòng chống dịch; xe ngoại giao, công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, xe của cán bộ công chức viên chức, xe chở người cách ly, xe phục vụ nhiệm vụ môi trường và các phương tiện phục vụ các hoạt động như tại điểm 12 được phép hoạt động.

Hạn chế hoạt động các phương tiện cá nhân, xe taxi, xe ôm, xe công nghệ theo quy định cụ thể; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch, kể cả xử phạt căn cứ hình ảnh lưu trữ và xử lý hình sự.

Đặc biệt, dự thảo Chỉ thị mới đưa ra biện pháp áp dụng cho 3 nhóm nguy cơ:

Đối với nhóm nguy cơ cao: Yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài chỉ trừ trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng và phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc... Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, hạn chế giao thông liên tỉnh, sắp xếp giao thông nội tỉnh cho phù hợp; đóng cửa các cơ sở cung ứng các mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu.

Đối với nhóm có nguy cơ: Hạn chế người dân ra ngoài, không tập trung quá 10 người; khi ra ngoài thực hiện các biện pháp nêu tại điểm trên; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xú; Hạn chế vận chuyện hành khách công cộng, vận chuyển liên tỉnh; khuyến cáo hạn chế vận chuyển hành khách nội tỉnh; Hạn chế mở cửa các cửa hàng phục vụ các mặt hàng không thiết yếu; hạn chế một số loại kinh doanh đường phố, lao động tự do trên đường phố. UBND các tỉnh, thành phố quyết định các quận huyện được mở cửa các cửa hàng thiết yếu và các loại hình kinh doanh đường phố nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Đối với nhóm có nguy cơ thấp: Khuyến khích người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tập trung quá 20 người trở lên tại nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc và khuyến khích hạn chế hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, vận chuyển hành khách liên tỉnh; Khuyến khích không mở cửa hàng phục vụ các mặt hàng không thiết yếu và các hình thức kinh doanh, lao động tự do được làm việc nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Góp ý cho dự thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho rằng, Chỉ thị mới cần có hướng dẫn rõ ràng, thế nào là thiết yếu để các tỉnh, thành áp dụng thống nhất.

“Chỉ thị yêu cầu đóng cửa cơ sở cung ứng mặt hàng dịch vụ không thiết yếu. TP.HCM khi thực hiện Chỉ thị 16 cũng đã triển khai, tuy nhiên khi thực hiện việc này cũng còn lúng túng. Nếu các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn làm rõ cho các địa phương thì tốt hơn”, ông Liêm nói.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.