| Hotline: 0983.970.780

'Chia chác' suất ăn công nghiệp ở Vĩnh Phúc: [Bài 1] Thực phẩm không rõ nguồn gốc đổ về bếp ăn

Thứ Hai 01/07/2024 , 06:26 (GMT+7)

Theo Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, 400 công nhân ngộ độc do vi khuẩn trong giá đỗ mua ngoài chợ. Đến nay, công nhân Vĩnh Phúc vẫn phải ăn thực phẩm trôi nổi...

Bà Hoàng Thị Bích Nguyệt, chủ Công ty TNHH dịch vụ nấu ăn số 1 Vĩnh Phúc, mua thực phẩm không rõ nguồn gốc ở chợ tạm. Ảnh: Văn Việt. 

Bà Hoàng Thị Bích Nguyệt, chủ Công ty TNHH dịch vụ nấu ăn số 1 Vĩnh Phúc, mua thực phẩm không rõ nguồn gốc ở chợ tạm. Ảnh: Văn Việt. 

Thực phẩm không rõ nguồn gốc

5h sáng ngày 20/6, bà Hoàng Thị Bích Nguyệt bắt đầu đi gom đồ ăn phục vụ cho một số công ty thuộc khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc. 135.000đ với 3 bó rau cải, mỗi bó 10kg, là món hàng đầu tiên. Tiếp đến, bà chủ Công ty TNHH dịch vụ nấu ăn số 1 Vĩnh Phúc, rảo qua các hàng khác, mua thêm bí, hành tây, cà chua v.v...

Mỗi lần bà Nguyệt mua xong một mặt hàng, một phụ nữ khác, dáng vẻ đậm chất nông dân, lại gom lên xe máy, đưa về trụ sở công ty nói trên, tại số 71, ngõ 9, đường Ngô Quyền, phường Đống Đa, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Ở chợ tạm Vĩnh Yên, bà Nguyệt là người có tiếng. Vì mua phục vụ bếp ăn công nghiệp, nên hầu như các chủ sạp ở chợ đều biết mặt bà.

Chủ sạp rau nói đã gần chục năm nay bán cho bà Nguyệt, dù tính khí hơi thất thường, nhưng chưa bao giờ thiếu một xu.

Hầu như các thực phẩm bà Nguyệt mua, đều bày bán trên lòng đường Lê Xoay, kéo dài ra đến ngã tư Ngô Quyền, Nguyễn Viết Xuân. Nguyên một dọc đường trong thành phố, bị các chủ sạp chiếm dụng từ 4h sáng đến khoảng 7h, đến khi có xe của công an phường đi đuổi, thì các chủ sạp mới trả lại mặt đường cho phương tiện lưu thông. Trong lúc bán hàng, xe thu gom rác qua lại liên tục. Ô tô, xe máy phả thẳng khói thải vào các sạp thực phẩm.

Phía đối diện, trong chợ Vĩnh Yên, có diện tích trên 20.500 m vuông và tổng vốn đầu tư lên đến hơn 255 tỷ đồng, không được bà Nguyệt cùng nhiều người khác đoái hoài.

Chợ tạm, chiếm dụng lòng lề đường, ngay trước mặt cổng chợ Vĩnh Yên, đông khách hơn nhiều, vào thời điểm rạng sáng.

Chợ tạm, chiếm dụng lòng lề đường, song chính quyền TP. Vĩnh Yên và tỉnh Vĩnh Phúc vẫn làm ngơ suốt thời gian dài. Ảnh: Đức Bình.

Chợ tạm, chiếm dụng lòng lề đường, song chính quyền TP. Vĩnh Yên và tỉnh Vĩnh Phúc vẫn làm ngơ suốt thời gian dài. Ảnh: Đức Bình.

Nhìn cảnh bà Nguyệt đi thu gom thực phẩm cho bếp ăn công nghiệp, chúng tôi không khỏi nhớ đến kết luận của ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, hôm 21/5 cho biết nguyên nhân khiến hơn 400 người bị ngộ độc ở Vĩnh Phúc là do vi khuẩn Bacillus cereus có trong mẫu thức ăn với món nghi ngộ độc là canh chua giá đỗ.

Số giá đỗ này, ông Trung nói do mua ở chợ Vĩnh Yên, được ngành Y tế Vĩnh Phúc nói là “hàng trôi nổi”.

Có lẽ không cần học hành cao siêu, cũng không cần chức vụ cao đến Giám đốc Sở Y tế, để thấy thức ăn công nghiệp hàng ngày cho nhiều bếp ăn tại các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, đang được bày bán mất vệ sinh như nào. Nếu tiếp diễn việc mua hàng mất vệ sinh như vậy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Chợ tạm Đồng Tâm là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm. Ảnh: Văn Việt.

Chợ tạm Đồng Tâm là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm. Ảnh: Văn Việt.

Hành trình thực phẩm bẩn vào bếp ăn

Trong quá trình tìm hiểu về thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp tại Vĩnh Phúc, nhóm PV báo Nông nghiệp Việt Nam nhận thấy: đa phần thực phẩm vẫn mua ở chợ tạm, bất chấp vụ ngộ độc khiến hàng trăm người nhập viện cũng do mua giá đỗ không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin PV có được, một trong các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Công ty Shinwon), nơi xảy ra vụ hơn 400 công nhân ngộ độc, là Công ty TNHH kinh doanh thương mại Cường Nga (Công ty Cường Nga), do bà Cao Phương Nga làm giám đốc.

Công ty Cường Nga có địa chỉ tại tổ dân phố 1, phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Trong vai doanh nghiệp cần nhập thực phẩm cho bếp ăn công nghiệp phục vụ công nhân, chúng tôi gặp bà Nga tại địa chỉ trên.

“Làm gì có kho lạnh, bên chị cứ lấy hằng ngày ở chợ tạm cho nó tươi. Chứ để một đến hai ngày sau bọn em không lấy đâu”. Bà Nga xác nhận về việc doanh nghiệp của bà “là một trong những nhà thầu cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của Công ty Shinwon”.

Chính quyền phường Đồng Tâm cho biết chợ Đồng Tâm, nơi bà Nga lấy thực phẩm, là chợ tạm. Nhận được phản ánh của chúng tôi về tình trạng thiếu vệ sinh ở chợ, rau củ, thịt cá bày biện sơ sài, thậm chí để trên nền đất, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm nói sẽ cho cán bộ kiểm tra và thông tin sau. Tuy nhiên, từ ngày 15/5 tới nay, UBND phường Đồng Tâm chưa có phản hồi về vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ.

Bà Nga gửi cho chúng tôi một số giấy tờ bao gồm giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và bản hợp đồng cung cấp toàn bộ thực phẩm cho Công ty TNHH Công nghiệp Chính Xác Việt Nam 1, tại Khu Công nghiệp Khai Quang, phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Nhóm phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam đã tìm hiểu nguồn thực phẩm đưa vào bếp ăn tại Công ty TNHH Công nghiệp Chính Xác Việt Nam 1. Theo dõi các xe tải đến để cung cấp nguồn thực phẩm chưa qua chế biến: thịt, rau, củ, quả.

Hai chiếc xe tải thường xuyên di chuyển đến khu vực bếp ăn của công ty TNHH Công nghiệp Chính Xác Việt Nam 1 gồm: Xe tải biển số 29H-157… chở thịt, còn xe tải 88C-195… chở rau, củ quả.

Tiếp tục theo dấu, chiếc xe tải sau khi đổ rau xuống, lại trở về kho trung chuyển tại đường Ngô Quyền, Phường Đống Đa, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Đây là địa điểm tập kết nguồn hàng để đưa đến các khu công nghiệp, đa phần nguồn thực phẩm là rau và các loại củ quả. Trùng hợp là nơi này cũng chính là kho của Công ty TNHH dịch vụ nấu ăn số 1 Vĩnh Phúc, do bà Nguyệt làm chủ. Điểm đăng ký kinh doanh, là ngôi nhà kế bên.

Bên trong kho trung chuyển này là khung cảnh ngổn ngang, nhiều thùng xốp xếp chồng lên nhau. Các túi rau vứt chỏng chơ dưới đất, bên cạnh một chiếc ô tô màu đen. Cũng đỗ trong sân, bên cạnh thực phẩm, là chiếc xe tải 88C-195… chở rau, củ quả, vào cung cấp cho Công ty TNHH Công nghiệp Chính Xác Việt Nam 1.

Theo tài liệu PV thu thập được, Công ty Nga Cường có hợp đồng cung cấp thực phẩm với Công ty TNHH kinh doanh thương mại Song Thái (Công ty Song Thái), tại bếp ăn Xưởng 3 Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1.

Điều 1 của hợp đồng này có đoạn: Bên B (Công ty Nga Cường) phải chuyển các chứng nhận của nhà cung cấp, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Điều 2 của hợp đồng quy định: Đối với các hàng hóa được sản xuất trong nước, yêu cầu hàng hóa của bên B phải được đóng gói và ghi tem nhãn đầy đủ, phải có các giấy tờ hợp lệ bao gồm: Giấy công bố chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, bằng việc mua thực phẩm ở chợ tạm, cả hai điều khoản này rõ ràng đã không được thể thực hiện.

Mặc dù, thông tin chúng tôi nắm được từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, các điều khoản này là hoàn toàn có thể áp dụng với các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, công ty Cường Nga mua hàng trôi nổi ngoài chợ tạm do giá rẻ hơn.

Từ thông tin bà Nga giới thiệu, chúng tôi đến gặp bà Minh Quân, trú tại đường Lý Thường Kiệt, phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên. Bà Quân giới thiệu đang cung cấp thực phẩm cho bếp ăn học sinh ở nhiều trường, bếp ăn công nghiệp cho công nhân.

Người phụ nữ này kể rằng phải “lo" cho hiệu trưởng các trường để lấy hợp đồng cung cấp thực phẩm. Ngoài ra, bà Quân cũng “lo” cho phòng giáo dục cấp huyện, nơi quản lý trường.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất