| Hotline: 0983.970.780

Công nhân ngộ độc ở Vĩnh Phúc: 'Chúng tôi bị ép tươi cười trước ống kính'

Thứ Tư 22/05/2024 , 17:35 (GMT+7)

Công nhân ngộ độc ở Vĩnh Phúc nói họ bị ép phải tươi cười trước ống kính truyền hình, thậm chí bị giấu biệt đơn thuốc.

Hàng trăm công nhân Vĩnh Phúc bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại bếp ăn của doanh nghiệp Hàn Quốc là Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam. Ảnh: CTV.

Hàng trăm công nhân Vĩnh Phúc bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại bếp ăn của doanh nghiệp Hàn Quốc là Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam. Ảnh: CTV.

Bị giám sát và che giấu đơn thuốc

Nhân viên của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam canh chừng từng người vào thăm bệnh nhân, giám sát việc bệnh nhân đi đâu, gặp ai, nói gì. Đó là những gì các công nhân ngộ độc ở Vĩnh Phúc kể lại trong nước mắt uất ức, tủi hờn.

Hai bệnh nhân nữ, thuộc nhóm bệnh nhân nặng nhất trong ca ngộ độc hơn 350 người ở Vĩnh Phúc, cho biết họ chỉ còn được nghỉ đến ngày 25/5, buộc phải quay lại làm.

“Không phải chỉ mình tôi, mấy người nữa cũng bị chứng táo bón sau ngộ độc. Từ ngày 14/5 tới nay, tôi chưa tiêu hóa bình thường, vẫn phải nhờ các bác sĩ thụt. Bây giờ vẫn mệt, mất ngủ, không ăn được gì mấy”, chị T. (nhân vật yêu cầu giấu tên), nói.

Video clip: NNVN.

Những giọt lệ liên tục lăn trên má chị T., khi kể về chuyện bị người của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, bắt phải tươi cười trước ống kính truyền hình. “Mấy ngày trước, các bạn nhân viên công ty - vốn luôn canh chừng chúng tôi, nói rằng có đài truyền hình về quay. Họ bảo chúng tôi phải tươi cười, cố ‘diễn’ mấy phút. Họ nói nếu nhà báo hỏi thì cứ bảo khỏe rồi, sắp ra viện để đi làm bình thường”.

Chị T. nói khi ở Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, chị được các bác sĩ thăm khám cẩn thận. Vài lần trong ngày, các bác sĩ đều đến từng giường bệnh thăm hỏi. “Đau đâu, khó chịu đâu có thuốc ngay. Bác sĩ khám kỹ và ân cần”. Mọi chuyện thay đổi từ ngày 20/5, khi chị T. cùng 4 công nhân ngộ độc khác được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Cách chăm sóc quan tâm khác hẳn.

Trưa 21/5, chị T. được ra viện, hay nói đúng hơn là “buộc phải ra viện”. Chị nói rằng nhóm công nhân đã nhiều lần nói với bác sĩ về hiện tượng mệt mỏi, buốt đầu, chóng mặt, khó đi vệ sinh. Tuy nhiên, đáp lại lời khẩn cầu của họ, là việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho toàn bộ xuất viện. “Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc còn chẳng thèm đi hỏi thăm bệnh nhân. Bác sĩ bảo không vấn đề gì, cứ về đi. Tôi muốn ở lại nhưng không được”.

Người của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam thậm chí còn không cho các công nhân ngộ độc xem đơn thuốc của bác sĩ. “Nhân viên của Công ty cứ mua thuốc về rồi phát cho mỗi người một túi. Trong túi có nhiều loại thuốc khác nhau. Họ bảo chúng tôi uống, chứ chúng tôi không được xem đơn, không biết bác sĩ kê gì, nhận xét gì”, chị T. nói.

Nữ công nhân đã qua tuổi tứ tuần, nói rằng chị “thấy phẫn uất vì tính mạng bị coi thường”. Dù chỉ còn vài đồng tiền ít ỏi, chị T. nói ngày 23/5 vẫn sẽ cắn răng ra phòng khám bên ngoài xét nghiệm. “Tôi chưa hề được ngành y tế, công đoàn, phụ nữ cho biết tình hình cụ thể. Tôi không biết mình nhiễm độc gì, chất độc có lưu lại trong người không. Tôi một thân một mình ở đây, thực sự không biết nếu lỡ có chuyện gì thì làm sao, khéo đến khi phòng trọ bốc mùi người ta mới biết”, chị T. nói.  

Vụ ngộ độc tập thể ở Vĩnh Phúc, nhiều công nhân vào viện cấp cứu. Ảnh: CTV.

Vụ ngộ độc tập thể ở Vĩnh Phúc, nhiều công nhân vào viện cấp cứu. Ảnh: CTV.

Chưa khỏe đã ép đi làm?

Cách xóm trọ của chị T. hơn 40km, nữ công nhân Y. có phần may mắn hơn. Chị Y. là người ở tỉnh Vĩnh Phúc, được chồng chăm nuôi từ ngày 14/5 tới nay. Chị Y. nói bữa trưa định mệnh diễn ra vào ca 2, tức lúc 12h30, ca 1 ăn lúc 11h30. “Công ty có hàng nghìn công nhân, nên phải chia ra ăn trưa vào 2 ca. Dây chuyền của chúng tôi bận nên phải ăn vào ca 2. Đa phần công nhân bị ngộ độc là vào ca 2”, chị C. kể lại.

Sau bữa trưa, đến 13h20, chị Y. cùng các đồng nghiệp quay lại dây chuyền. Lần lượt từng người đi ‘ôm’ nhà vệ sinh. Đến 15h, chị Y. gần như ngất, phải lết tới phòng Y tế. Dọc đường, vài công nhân khác khỏe hơn dìu chị đi. Tới nơi, đập vào mắt họ là hàng chục công nhân nằm la liệt, không ít người nằm lả đi trước phòng Y tế. Theo các công nhân của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, đơn vị này bố trí 1 nhân viên y tế chăm sóc cho vài trăm công nhân. Khi ngộ độc tập thể xảy ra, ai ngất được ưu tiên vào viện trước, còn lại nằm đó chờ. “Tôi chỉ nhớ có ai đó đưa tôi lên băng ca rồi đưa vào ô tô. Đến bệnh viện, tôi đưa điện thoại cho bác sĩ để gọi cho chồng tôi. Sau đó tôi mệt quá không còn biết gì nữa”, chị Y. nói.

Cũng giống chị T., đã mấy ngày qua từ khi buộc phải xuất viện, chị Y. gần như không ăn được gì, khó đi vệ sinh.

Hai nữ công nhân cho biết Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam có cử người đến thăm hỏi hôm 15/4, cho mỗi công nhân một túi quà gồm 2 vỉ sữa tươi và 4 hộp kẹo. “Chế độ bảo hiểm của tôi được 143.000đ/ngày. Còn nếu đi làm bình thường, tăng ca khoảng 2 tiếng mỗi ngày thì thu nhập khoảng 200.000đ”.

Chồng chị Y., nói vợ mình rời bệnh viện Lạc Việt về nhà được vài tiếng thì “đau quằn quại, chân tay nhức mỏi” nên phải thuê xe đưa tới bệnh viện đa khoa tỉnh. “Công ty chỉ trả tiền từ viện đa khoa tỉnh về nhà, còn tiền thuê xe đưa đi thì gia đình chúng tôi chịu. Từ hôm ra viện đến nay, họ gọi điện bảo được nghỉ đến 25 phải đi làm. Không ai đến thăm hỏi câu nào”, người chồng nói.

Theo lời chị Y. những đợt nhiều việc, chị tăng ca ít nhất 2 tiếng mỗi ngày, thậm chí hơn. Trong khi đó, Khoản 3, Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định cho phép người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm. Liệu Công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc có biết điều này?

Sở Y tế Vĩnh Phúc nói các công nhân đã khỏe, đi làm lại bình thường. Công đoàn TP. Vĩnh Yên trong báo cáo nhanh thì khẳng định “cử cán bộ công đoàn cơ sở tới thăm hỏi động viên”, “không có bệnh nhân diễn biến nặng”. Việc thăm hỏi, động viên, theo các công nhân, chỉ diễn ra hôm 15/4. Nhiều công nhân cho biết có 2 người Hàn Quốc đến thăm họ hôm 15/4, song họ chỉ được thông báo đó là “lãnh đạo công ty” mà không hề biết tên tuổi.

“Có một người tôi biết mặt vì hay xuống kiểm tra dây chuyền. Làm việc may mặc này mau đói, nhiều khi chị em giấu củ khoai củ sắn, hoa quả trong người để ăn tạm lấy sức làm. Giấu bên ngoài là người Hàn đó sẽ thu giữ, phạt. Tôi chỉ biết ông ấy thôi, chứ không biết tên và chức vụ”. Chị Y. cũng được thông báo còn được nghỉ hết ngày 24/5, hôm sau phải đi làm. 

Các ban ngành ở Vĩnh Phúc vẫn im hơi lặng tiếng, hoặc tuyên bố theo hướng mọi chuyện đã ổn, không còn nguy hiểm. Trong khi đó, có những nữ công nhân Việt Nam đang khóc vì uất ức, vì bị doanh nghiệp coi thường sức khỏe, tính mạng. Họ chưa hề được thông tin mình nhiễm chất độc gì, có nguy hại sức khỏe lâu dài hay không? Họ bị ép phải ra viện. Công nhân Việt Nam bị buộc phải đi làm cho doanh nghiệp Hàn Quốc vào ngày 25/5, bất kể họ còn khỏe hay yếu.

Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam không được phép giữ đơn thuốc

Một bác sĩ đa khoa, nhiều năm kinh nghiệm ở Vĩnh Phúc, cho biết theo quy định của Bộ Y tế, người của Công ty Shinwon Ebenezer Việt Nam không được phép giữ đơn thuốc của bệnh nhân. “Việc người của công ty tự ý đi mua thuốc rồi phát cho từng bệnh nhân là không chấp nhận được. Nếu phát nhầm thuốc thì sao, lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra. Tính mạng con người không phải trò đùa. Đơn thuốc phải được đưa cho bệnh nhân để họ biết mà làm theo chỉ định của bác sĩ”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.