Sáng 3/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng một số đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT làm việc với Viện Nghiên cứu Ngô về phương hướng phát triển của Viện trong thời gian tới.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, trong giai đoạn 2011-2020, Viện đã có nhiều thành tựu trong khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.
Trong thời gian đó, có 27 giống ngô của Viện được công nhận chính thức và 26 giống được công nhận sản xuất thử. Từ thành quả trên, 10 năm trở lại đây, Viện Nghiên cứu Ngô đã chuyển nhượng bản quyền được 13 giống ngô lai.
"Hàng năm, có khoảng 2,5 - 3 nghìn tấn hạt giống ngô do Viện nghiên cứu và chọn tạo được cung cấp cho sản xuất, chiếm khoảng 15-20% thị phần ngô lai trên toàn quốc", ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết.
Bên cạnh các thành tựu và thuận lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô cũng đề cập đến một số khó khăn mà đơn vị đang phải đối mặt hiện nay, trước tiên là thiếu hụt về quỹ lương và kinh phí, bên cạnh đó là khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao và nhu cầu sản xuất và tiêu thụ ngô trong nước liên tục giảm.
Trước những khó khăn trên, đại diện Viện Nghiên cứu Ngô đề xuất được mở rộng các đối tượng nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở ngô như hiện nay mà có thêm các sản phẩm thức ăn gia súc như các họ đậu đỗ, cây cao lương, hướng dương...
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ NN-PTNT) bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng Viện có thể nghiên cứu sâu hơn về công nghệ, không chỉ dừng lại ở giống.
"Viện có thể đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao tính trạng cho những giống truyền thống để bổ sung những giống có hàm lượng công nghệ cao vào cơ cấu", bà Nguyễn Thị Thanh Thủy gợi ý.
Việc mở rộng đối tượng nghiên cứu được Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví như một "chiếc áo mới" cho Viện Nghiên cứu Ngô, rộng hơn, phù hợp hơn cho điều kiện phát triển hiện nay.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Mở rộng đối tượng nghiên cứu để nâng cao giá trị cho các sản phẩm khoa học nhưng cũng phải có sự kiên nhẫn, chuẩn bị kỹ càng, cố gắng từng phần chứ không thể phát triển đột biến ngay được".
Theo Bộ trưởng, trong chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế hiện nay, chúng ta không dựa trên sản lượng mà dựa vào giá trị, chuyển đổi từ đơn ngành sang đa ngành để tạo ra đa giá trị.
"Không chỉ đẩy mạnh được giá trị gia tăng mà phải giảm được chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường", Bộ trưởng nói.
Về phương hướng vận hành để giải quyết được những khó khăn mà Viện Nghiên cứu Ngô đưa ra, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay giá cả ngô khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu do chưa khai thác được hoàn toàn giá trị của sản phẩm.
"Chúng ta cần biết về nền kinh tế xanh lam, ví dụ cà phê không chỉ là thức uống mà có thể tận dụng phụ phẩm để làm nguyên liệu cho nhiều ngành nghề khác như trồng nấm, rồi dùng phụ phẩm từ nấm để làm thức ăn cho gia súc", Bộ trưởng chia sẻ và cho rằng nếu Viện Nghiên cứu Ngô làm được điều này, giá thành của sản phẩm chính chắc chắn sẽ giảm do có thêm nhiều doanh thu sản phẩm phụ.
Trong nghiên cứu, người đứng đầu ngành nông nghiệp đề xuất Viện cần kéo dài chuỗi nghiên cứu, từ giống, đến kỹ thuật canh tác, đến chất lượng sản phẩm, đến chế biến, đến bán hàng.
"Khi đó, trong chương trình khuyến nông có thể hướng dẫn cho nông dân tham gia vào chuỗi từ khi trồng đến khi bán hàng, điều này sẽ giúp các sản phẩm ngô giống tạo được sự khác biệt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.