| Hotline: 0983.970.780

Viện Nghiên cứu Ngô - 45 năm những chặng đường phát triển

Thứ Sáu 11/11/2016 , 09:06 (GMT+7)

Cách đây 45 năm, đất nước vẫn còn chia cắt, chiến tranh vẫn vô cùng cam go, song với tầm nhìn chiến lược, xác định vai trò, vị trí quan trọng của cây ngô, Đảng và Nhà nước đã quan tâm sâu sắc đến loại cây trồng này mà trực tiếp là Bộ Nông trường.

Trao hạt giống

Cuối tháng 10/1970, Bộ trưởng Bộ Nông trường Nghiêm Xuân Yêm trực tiếp giao những mẫu ngô giống đầu tiên từ Hungary cho kỹ sư Ngô Hữu Tình - Cục Sản xuất để tiến hành gieo trồng, duy trì và đánh giá. Đây cũng là nguồn gen quý nhập nội đầu tiên ở miền Bắc. Không phụ sự mong đợi, các nhà khoa học đã xây dựng thành công tập đoàn giống ngô đầu tiên của nước ta tại đồi Bai, xã Phú Thành (Lạc Thủy, Hòa Bình).


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thăm Viện Nghiên cứu Ngô
 

Trên cơ sở kết quả hoạt động nghiên cứu, xây dựng tập đoàn quỹ gen ngô, ngày 13/2/1971 Bộ Nông trường ra quyết định số 75/QĐ-TC thành lập Trại ngô Sông Bôi đóng ở xã Phú Thành với 13 cán bộ và 25 công nhân.

Trại đã xây dựng tập đoàn cây ngô, khảo sát, tuyển chọn được một số giống địa phương tốt kịp thời phục vụ sản xuất, bước đầu đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nhân kỹ thuật. Với nhiệm vụ, yêu cầu mới, ngày 10/5/1971 Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương ra quyết định số 197/NN giao Trại cho Viện Cây ương thực và Cây thực phẩm quản lý.

Trải qua 10 năm gian khó (5/1972 - 6/1981), Trại đã đạt được một số kết quả: Xây dựng được đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu; Xác định được hướng nghiên cứu trước mắt cũng như lâu dài; Xây dựng được tập đoàn canh tác, đa dạng hóa vật liệu nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo bộ giống ngô thụ phấn tự do năng suất cao; Bước đầu xây dựng và hoàn thiện một số biện pháp kỹ thuật canh tác, thâm canh tăng năng suất ngô.

Với sự trưởng thành của Trại sau 10 năm hoạt động, ngày 25/6/1981, Bộ Nông nghiệp ban hành quyết định số 129-TCCB/QĐ thành lập Trung tâm Nghiên cứu ngô Sông Bôi trực thuộc Bộ với chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm khoa học về cây ngô, cây cao lương; Bảo tồn, duy trì và cung ứng giống ngô và cao lương; Phối hợp với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài ngành; Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngô trên cả nước…

Ngày 30/3/1987, Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp Thực phẩm đã ra quyết định số 03-TCCB/QĐ về việc chuyển giao cơ sở Trại tằm Đan Phượng, Hà Nội cho Trung tâm quản lý và xây dựng thành cơ sở nghiên cứu…

17-36-23_chuyen-nhuong-bn-quyen-2015
Ký kết chuyển nhượng bản quyền giống ngô
 

Trong thời gian từ tháng 6/1981 đến tháng 5/1988, Trung tâm đã có nhiều đóng góp cho sản xuất ngô cả nước như chọn tạo thành công bộ giống ngô thụ phấn tự do TH2B, TSB1, TSB2, Q2, MSB49… góp phần phát triển ngô đông ở các tỉnh phía Bắc; Nghiên cứu hoàn thiện qui trình canh tác ngô đông trên đất 2 vụ lúa, góp phần phát triển cây ngô ở Việt Nam cả về diện tích và sản lượng; Hợp tác quốc tế về cây ngô không ngừng được mở rộng; Tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu, cơ sở vật chất đáp ứng ngày một tốt hơn cho công tác nghiên cứu.
 

Gặt thành công

Với những thành tích xuất sắc đóng góp cho sản xuất ngô giai đoạn 1981-1987, xuất phát từ yêu cầu phát triển ngô của cả nước, đầu năm 1988 Viện Nghiên cứu Ngô được thành lập trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu ngô Sông Bôi.

Ngày 30/5/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra quyết định 168-CT về việc chuyển Trung tâm Nghiên cứu ngô Sông Bôi thành Viện Nghiên cứu Ngô, trụ sở đóng tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.

Ngày 24/4/1989, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm ra quyết định số 171 NN-TCCB, qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Viện…Từ tháng 9/2005, Viện Nghiên cứu Ngô trở thành thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về cây ngô và một số cây màu khác trong hệ thống luân canh có ngô.

Viện Nghiên cứu Ngô đã vượt qua khó khăn thử thách, từng bước trưởng thành để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Duy trì, thu thập, bảo quản 584 mẫu giống bao gồm 304 nguồn giống địa phương, 280 nguồn giống nhập nội, chọn tạo và chuyển giao thành công nhiều giống ngô lai mới vào sản xuất như LVN10, LVN4, LVN99, LVN61, LVN885, LVN145, A830, VN8960…Một số giống đậu xanh ĐVN 5, ĐVN 6, ĐVN9…

Ứng dụng thành công một số công nghệ mới trong công tác chọn tạo dòng công nghệ đơn bội kép, chỉ thị phân tử, chuyển gen. Xây dựng qui trình kỹ thuật thâm canh các giống ngô mới cho các vùng sinh thái trên cả nước. Hoàn thiện qui trình sản xuất hạt lai, sấy chế biến, bảo quản và tiêu thụ hạt giống.

Tham gia hợp tác có hiệu quả với các tổ chức quốc tế trong đào tạo, trao đổi cán bộ, chuyên gia, vật liệu nghiên cứu, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng ngô toàn quốc.

Với những thành tích trên, Viện Nghiên cứu Ngô được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân. Năm 2005 Viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho công trình phát triển giống ngô lai và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho GS.TS Trần Hồng Uy; Huân chương Lao động hạng Nhì của nước CHDCND Lào; 4 giải thưởng Bông lúa vàng; 2 giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ VIFOTEC; Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và nhiều bằng khen, cờ luân lưu khác.
 

Nhìn về phía trước

Mặc dù đạt được những thành tích rất đáng tự hào nhưng chặng đường phát triển phía trước của Viện sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Hội nhập quốc tế sâu rộng khiến cây ngô nội phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về chất lượng và giá.

17-36-23_nong-dn-khp-noi-tin-dung
Nông dân khắp nơi tin dùng
 

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ NN- PTNT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), với đội ngũ cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết, với sự đồng lòng của các doanh nghiệp, sự giúp đỡ của các địa phương và bà con nông dân, Viện Nghiên cứu Ngô tin tưởng sẽ vượt qua thử thách bằng những định hướng mới: Nghiên cứu, chọn tạo giống ngô lai thế hệ mới đảm bảo đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; Nghiên cứu các giải pháp công nghệ sản xuất ngô nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng ngô, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững; Tăng cường hợp tác quốc tế để rút ngắn khoảng cách với thế giới và khu vực; Tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nguồn lực; Liên kết chặt chẽ với các đơn vị trong VAAS, các doanh nghiệp nhằm chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên chức và người lao động.

Nhân dịp đón nhận cờ Thi đua của Chính phủ, ôn lại truyền thống 45 năm, toàn thể cán bộ công nhân viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu Ngô xin bày tỏ tấm lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước, với các đồng chí lãnh đạo Bộ NN-PTNT qua các thời kỳ, lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi. Cảm ơn các cơ quan của các Bộ, Ngành, các doanh nghiệp, nông dân đã ủng hộ, giúp đỡ.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các thế hệ cán bộ công nhân viên chức đi trước. Các đồng chí tiền bối đã để lại cho chúng tôi hôm nay một tiềm lực, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đó là những điều kiện thuận lợi và là động lực cho sự phát triển của Viện hôm nay và mai sau.

 

(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô)

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất