| Hotline: 0983.970.780

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Thứ Hai 08/03/2021 , 18:56 (GMT+7)

Với nguồn lực đầu tư của Chính phủ, lần đầu tiên Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 100 triệu liều vacxin Covid-19.

Những mũi tiêm vacxin phòng Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Những mũi tiêm vacxin phòng Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiên phong ở Đông Nam Á

Ngăn chặn đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường là nhu cầu cấp thiết của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Trong đó, vacxin phòng Covid-19 là một trong những “vũ khí” không thể thiếu trong cuộc chiến này. Chính vì vậy, ngày 26/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vacxin phòng Covid-19 cho toàn dân.

“Vacxin cùng với Thông điệp 5K là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn chặn một cách hiệu quả dịch bệnh Covid-19 cho gần 100 triệu người dân Việt Nam. Ngành y tế các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng kịp thời việc tiêm vacxin, nhất là những đối tượng được ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2021.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, nguồn cung vacxin trên toàn cầu rất hạn chế, để triển khai sớm vacxin phòng Covid-19 trên diện rộng, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu vacxin từ các nguồn.

Trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vacxin Covid-19 nhập khẩu từ 3 nguồn: 30 triệu liều vacxin COVAX (theo cơ chế vacxin quốc tế toàn cầu do WHO đứng đầu); 30 triệu liều của AstraZeneca (thông qua Trung tâm tiêm chủng mở rộng VNVC, trong đó 117.600 liều đầu tiên về Việt Nam ngày 24/2), 30 triệu liều của Pfizer (đang đàm phán vì vacxin này đòi hỏi phải bảo quản trong nhiệt độ âm 75 độ C). Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vacxin trong nước để đảm bảo tự chủ nguồn vacxin phòng Covid-19 bền vững.

Theo đó, 117.600 liều vacxin AstraZeneca do công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển và được sản xuất tại Hàn Quốc. Số vacxin này đã được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca tại Việt Nam vào ngày 24/2 vừa qua.

Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vacxin Covid-19 đầu tiên tại 13 tỉnh/thành phố đang là “điểm nóng” về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 8/3.

Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (450 liều vaccine AstraZeneca), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (900 liều vacxin AstraZeneca) và tỉnh Hải Dương (33.000 liều vaccine AstraZeneca) sẽ được ưu tiên tiêm đầu tiên cho các đối tượng là lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 gồm các cán bộ y tế, những người trực tiếp tham gia công tác tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Trong ngày 8/3, Bộ Y tế cũng đã phân công 3 Thứ trưởng gồm: Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn giám sát trực tiếp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM; Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên giám sát trực tiếp tại Hải Dương và Thứ trưởng Trần Văn Thuấn giám sát trực tiếp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương.

Tại tất cả các điểm tiêm chủng, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm.

Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các nơi cũng được yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2. Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vacxin phòng Covid-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời.

Giám sát trong buổi tiêm chủng vacxin Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu các đơn vị thực hiện tiêm chủng nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về sử dụng vacxin phòng Covid-19, giám sát chặt chẽ việc bảo quản, vận chuyển vacxin để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm. Đặc biệt, đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vacxin phòng Covid-19.

“Không có vacxin nào an toàn 100% và không có vacxin nào có tác dụng phòng bệnh 100%. Do vậy, muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc Covid-19, đồng thời với tiêm chủng chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế). Tôi tin tưởng rằng, thực hiện tốt những điều này chúng ta nhất định sẽ chặn đứng Covid-19”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Còn tại điểm tiêm chủng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: "Ước mơ của cả thế giới là có vacxin để phòng chống Covid-19, là "áo giáp chống dịch hiệu quả”. Và chúng ta tự hào là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai tiêm vacxin Covid-19 sớm nhất và là một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với loại vacxin phòng Covid-19 uy tín hàng đầu thế giới".

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân (Khoa Hồi sức Tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân (Khoa Hồi sức Tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vui mừng, hãnh diện, hồi hộp

Là người đầu tiên được tiêm vacxin phòng Covid-19 tại TP.HCM, bước ra từ phòng sau tiêm chủng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với tấm giấy chứng nhận trên tay, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân (Khoa Hồi sức Tích cực chống độc người lớn) vui mừng chia sẻ: "Tôi rất bất ngờ và vui mừng khi được ưu ái lựa chọn trở thành người đầu tiên được tiêm vacxin Covid-19 tại TP.HCM.

Tôi cũng rất hãnh diện và hồi hộp bởi vì việc tiêm vacxin này đang được cả xã hội quan tâm. Mặc dù đã được hướng dẫn từ trước về phản ứng phụ sau tiêm có thể chóng mặt, đau đầu, sốt nhẹ, nhưng thực tế sau khi tiêm 30 phút tôi hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, không chóng mặt, nhức đầu, không sốt, phần vì mũi tiêm nhỏ, lượng vắc xin chỉ 0,5ml.

Tôi hy vọng và tin chắc chắn rằng trong tương lai không xa, với sự làm việc tích cực của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế, người dân cả nước sẽ được tiêm vắc xin, có được "tấm hộ chiếu vacxin Covid-19" để có thể được đi du lịch, đi làm, đi học, quay trở lại với cuộc sống bình thường”.

Cũng là một trong những người đầu tiên tiêm vacxin trong buổi sáng 8/3, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, là một trong những người đầu tiên tiêm vacxin.

"Suốt 1 năm qua, các bác sĩ lực lượng tuyến đầu chống dịch đã làm việc trong một áp lực rất lớn, bởi tỉ lệ tử vong và mức độ lây nhiễm Covid-19 trên thế giới là rất phức tạp. Việt Nam một phần đã khống chế được dịch Covid-19, tuy nhiên tình hình diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Điều mong mỏi nhất là làm sao có được vacxin. Chính vì vậy, hôm nay tôi và các đồng nghiệp khá hồi hộp nhưng rất tự hào vì là một trong những người tiên phong chích vacxin phòng Covid-19 - đây là “áo giáp” tạm thời để an toàn cho nhân viên y tế khi chăm sóc cho bệnh nhân, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm cho cộng đồng", bác sĩ Phong chia sẻ.

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng, khoa Ngoại - Sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một trong những người đầu tiên sẽ được tiêm vacxin Covid-19 tại Hà Nội. "Tôi rất vui vì được ưu tiên tiêm vacxin Covid-19 nhân ngày 8/3 - Ngày Quốc tế phụ nữ. Cảm ơn nhà nước, Bộ Y tế, VNVC vì những nỗ lực mang vacxin về cho người dân Việt Nam", Hoàng Thị Thu Hàng chia sẻ.

Còn tại Hải Dương, chị Phạm Thị Tuyết Nhung (nhân viên y tế thuộc tổ lấy mẫu Covid-19 tại cộng đồng -  Trung tâm y tế Thành phố Hải Dương là người đầu tiên tiêm mũi vacxin phòng Covid-19.

Chị chia sẻ, trước khi đến tiêm, chị cũng hồi hộp, lo lắng nhưng khi đến đây tất cả các phương án đã được nhân viên y tế thực hiện chu đáo, kể cả đội cấp cứu cơ động, nên nếu có xảy ra tình huống gì thì cũng kịp thời xử lý. Vì vậy, chị yên tâm hơn để bước vào phòng tiêm chủng.

“Là nhân viên y tế, nên tôi hiểu khi tiêm bất kỳ vacxin nào vào cơ thể cũng có thể có những phản ứng xảy ra, nhưng tôi cũng biết vacxin Covid-19 có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh hiện nay. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người dân Hải Dương sẽ được tiêm vacxin để nhanh chóng tăng bao phủ phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Để cuộc sống người dân Hải Dương và cả nước nước được trở về trạng thái bình thường”, chị Phạm Thị Tuyết Nhung nói.

Vacxin phòng Covid-19 có an toàn?

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, bất kỳ một loại thuốc hay hóa chất nào được đưa vào cơ thể đều có tác dụng phụ nhất định. Phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm, áp xe chỗ tiêm, nặng nhất là sốc phản vệ. Kể cả kháng sinh khi tiêm vào cơ thể người cũng có thể sốc phản vệ.

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng vacxin này ở phụ nữ mang thai, cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng cho người từ 0-18 tuổi nên chỉ khuyến cáo tiêm cho người từ 18-60 tuổi. Gần đây, qua các thử nghiệm tiêm trên thế giới, cũng đã thấy có hiệu quả đối với người trên 60 tuổi. Ít nhất 2/3 dân số tiêm thì có miễn dịch. Nếu tiêm đủ 2 mũi, thì tỷ lệ bảo vệ là 81%.

Sau tiêm vacxin, người được tiêm cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo.

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hoạt động tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 tại cả 4 điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên (Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM) đều diễn ra an toàn với tổng cộng 377 người tiêm. 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm. Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 66 người, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiêm cho 104 người, tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Người tái hiện cảnh Bắc Bộ xưa trên cánh đồng làng

Cánh đồng Ngãi và Chành bỏ hoang chục năm nay bỗng một ngày xuất hiện một đầm sen rộng bát ngát và mấy căn chòi bằng gỗ lá đầy hấp dẫn bước chân người.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hai bản ở thành phố Sơn La vẫn chìm trong biển nước

SƠN LA Người dân tại 2 bản thuộc xã Chiềng Đen vẫn đang oằn mình chống chọi với tình trạng ngập lụt kéo dài, sau cơn bão số 2 chưa thể trở về trạng thái bình thường…