| Hotline: 0983.970.780

Những mũi tiêm vacxin Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương ngày 8/3

Thứ Hai 08/03/2021 , 11:56 (GMT+7)

Bộ Y tế phối hợp hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện những mũi tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca đầu tiên cho các đối tượng ưu tiên, sáng 8/3.

Điểm tiêm vacxin Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) sáng 8/3.

Điểm tiêm vacxin Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) sáng 8/3.

Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vacxin phòng Covid-19 đầu tiên từ ngày 8/3/2021 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (gồm Hải Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đợt tiêm vacxin phòng Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước. 

Sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia được triển khai tiêm tại 3 điểm đầu tiên là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và điểm nóng dịch Covid-19 - tỉnh Hải Dương, dưới sự giám sát của các đoàn công tác của Bộ Y tế do các Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn dẫn đầu.

Đối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên.

Vacxin phòng Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên được Bộ Y tế phối hợp với VNVC đặt hàng của AstraZeneca. Đây là một trong ba vacxin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhân viên VNVC kiểm tra vacxin trước khi đưa tới các điểm tiêm chủng.

Nhân viên VNVC kiểm tra vacxin trước khi đưa tới các điểm tiêm chủng.

Số lượng 117.600 liều vacxin Covid-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với VNVC khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vacxin được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn.

Vacxin Covid-19 được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng.

117.600 liều vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca được đưa về Việt Nam vào ngày 24/2 vừa qua.

117.600 liều vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca được đưa về Việt Nam vào ngày 24/2 vừa qua.

Thời gian qua, hệ thống dây chuyền lạnh trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được tăng cường, kho vacxin tuyến tỉnh, huyện được trang bị mới tủ lạnh chuyên dụng TCW4000AC với trung bình 5-6 tủ/tỉnh và 1-2 tủ/huyện có thể bảo quản vacxin cho các chiến dịch quy mô lớn.

Với vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vacxin, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp.

Vận chuyển số vacxin Covid-19 chuẩn bị đưa đến điểm tiêm chủng tại Hà Nội.

Vận chuyển số vacxin Covid-19 chuẩn bị đưa đến điểm tiêm chủng tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, do nguồn cung vacxin trên toàn cầu rất hạn chế, để triển khai sớm vacxin phòng Covid-19 trên diện rộng, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu vacxin từ các nguồn, đồng thời khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vacxin trong nước để đảm bảo tự chủ nguồn vacxin phòng Covid-19 bền vững.

"Ngay sau khi về đến Việt Nam, vacxin sẽ được nhanh chóng cung ứng để triển khai tiêm chủng cho người dân theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, hướng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin.

Tại điểm tiêm chủng tỉnh Hải Dương, nhân viên y tế tiến hành đo nhiệt độ, yêu cầu rửa tay sát khuẩn đối với những người tham gia tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 lần này theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tại điểm tiêm chủng tỉnh Hải Dương, nhân viên y tế tiến hành đo nhiệt độ, yêu cầu rửa tay sát khuẩn đối với những người tham gia tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 lần này theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 6/3, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC. Hệ thống của Chương trình Tiêm chủng mở rộng các tuyến cùng với hệ thống tiêm chủng của VNVC sẽ góp phần quan trọng cho việc triển khai thành công tiêm chủng vacxin Covid-19 lần này.

Vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vacxin mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra.

Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm. Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2.

Thực hiện giãn cách trong thời gian chờ đến lượt tiêm.

Thực hiện giãn cách trong thời gian chờ đến lượt tiêm.

Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vacxin phòng Covid-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vacxin.

Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao.

Tại điểm tiêm chủng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, sáng 8/3, khoảng 100 nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vacxin phòng Covid-19 trong ngày đầu tiên và những ngày tiếp theo các nhân viên còn lại của tổng số 900 nhân viên y tế sẽ được tiêm.

Tại điểm tiêm chủng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, sáng 8/3, khoảng 100 nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vacxin phòng Covid-19 trong ngày đầu tiên và những ngày tiếp theo các nhân viên còn lại của tổng số 900 nhân viên y tế sẽ được tiêm.

Theo Bộ Y tế, cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vacxin nào khác, vacxin Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Sau khi tiêm vacxin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Vacxin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vacxin sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải.

Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vacxin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-COV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng.

Bộ Y tế khuyến cáo, người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch Covid-19, trong buổi tiêm chủng phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vacxin đã từng được tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân (như bệnh nền, bệnh mạn tính đang điều trị, các thuốc và liệu trình điều trị dùng trong thời gian gần đây, các biểu hiện sức khỏe bất thường gần đây…) để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn.

Để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin tiêm chủng cá nhân vacxin Covid-19, giảm thiểu các thủ tục hành chính, Bộ Y tế và Viettel phối hợp nghiên cứu, xây dựng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Thông qua Sổ sức khỏe điện tử, cơ quan quản lý sức khỏe các cấp có thể nhanh chóng phân tích, theo dõi các thông tin số liệu cho việc triển khai chương trình tiêm vacxin phòng Covid-19 trên toàn quốc. Với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân theo dõi lịch sử tiêm vacxin phòng Covid-19 và các tình trạng sức khỏe liên quan của bản thân, chủ động phản hồi thông tin về phản ứng sau tiêm và tình trạng sức khỏe với cơ quan y tế.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…