Theo Nghị quyết số 159/NQ-CP do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 28/10, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 192/Ttr-BTC ngày 22/10/2020, trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Quyết nghị thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 192. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung Dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Dự thảo Nghị quyết để cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.
Trước đó, trả lời công văn của Bộ Tài chính về việc sửa chương, điều về thuế suất giá trị gia tăng phân bón trong Luật thuế số 71, các Bộ NN-PTNT, Công thương, Tư pháp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đều nhất trí theo dự thảo của Bộ Tài chính đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng có thuế suất giá trị gia tăng 5%.
Việc đưa mặt hàng thuế suất giá trị gia tăng về mức 5% như trước khi Luật số 71 có hiệu lực được các chuyên gia trong Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá sẽ là bước ngoặt lịch sử với ngành sản xuất phân bón trong nước, bởi đây chính là nền tảng quan trọng để ngành phân bón phát triển ổn định, bền vững, tạo sự canh tranh công bằng, sòng phẳng với phân bón nhập khẩu cùng loại.
Việc áp mức thuế suất giá trị gia tăng phân bón 5% cũng được đánh giá là hài hòa nhất lợi ích các bên, đó là doanh nghiệp sản xuất được hoàn hoặc khấu trừ phần thuế giá trị gia tăng đầu vào, từ đó có thêm điều kiện, động lực để đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại, tạo ra các sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón công nghệ cao.
Đặc biệt, khi áp mức thuế suất giá trị gia tăng 5%, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không phải hạch toán phần thuế giá trị gia tăng đầu vào vào giá thành sản phẩm, từ đó có cơ hội hạ giá thành phân bón khi tới bà con nông dân.
Đối với Nhà nước, việc áp mức thuế suất 5% thay vì 0% hay 10% là sự chia sẻ hài hòa với ngành nông nghiệp và bà con nông dân, bởi đây cũng là một mục thu quan trọng để có nguồn tiền hoàn và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, đồng thời mức thuế 5% phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.
Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế suất giá trị gia tăng sẽ giúp tăng thêm một phần lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, nhưng đa phần các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 51% nên nếu có được thêm lợi nhuân về cơ bản phần lợi nhuận này vẫn được nộp về ngân sách nhà nước.