| Hotline: 0983.970.780

Sẽ trình Quốc hội xem xét tháo gỡ vướng mắc Luật Thuế 71 về phân bón

Thứ Năm 08/10/2020 , 10:10 (GMT+7)

Ngày 7/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản về việc báo cáo Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp phân bón.

Việc sớm sửa Luật Thuế số 71 về phân bón bằng Nghị quyết của Quốc hội sẽ kịp thời hỗ trợ cả doanh nghiệp và nông dân trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay. Ảnh: DCM.

Việc sớm sửa Luật Thuế số 71 về phân bón bằng Nghị quyết của Quốc hội sẽ kịp thời hỗ trợ cả doanh nghiệp và nông dân trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay. Ảnh: DCM.

Cụ thể, trong văn bản số 8405/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Tư pháp và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cho biết, xét đề nghị của Bộ Tài chính tài Văn bản số 176/TTr-BTC ngày 1/10/2020 về việc báo cáo Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển, doanh nghiệp phân bón, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến như sau:

Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT , Bộ Tư pháp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam về đề xuất mức thuế suất thuế giá trị gia tăng cho phân bón theo nguyên tắc không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân trong khi chưa sửa được Luật thuế giá trị gia tăng theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 80/TB-VPCP ngày 18/6/2020, các văn bản số 1860/VPCP-KTTH ngày 11/7/2020 và số 2505/VPCP-KTTH ngày 16/9/2020, làm rõ căn cứ đề xuất điều chỉnh, đánh giá tác động tới các đối tượng liên quan.

Hoàn thiện nội dung tờ trình Báo cáo Chính phủ cho phép trình Quốc hội thông qua nội dung tháo gỡ vướng mắc về thuế suất giá trị gia tăng cho phân bón khi trình Quốc hội về Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, báo cáo Chính phủ trước ngày 10/10/2020.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nhiều lần thông tin, phản ánh, hiện Luật Thuế số 71 quy định phân bón thuộc diện mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng. Với quy định này, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ không được hoàn thuế đầu vào đối với các nguyên liệu đầu vào mà đa phần đang có mức thuế từ 5 - 15% hiện nay như: hóa chất, khí, than, quặng, điện, máy móc, trang thiết bị….

Trước Luật Thuế 71, mặt hàng phân bón được áp thuế giá trị gia tăng 5%. Do đó, sau khi lấy thuế giá trị gia tăng đầu vào trừ đi 5% thuế giá trị gia tăng đầu ra, phần dôi ra các doanh nghiệp phân bón sẽ được Nhà nước khấu trừ.

Với mục tiêu tốt đẹp, nhân văn nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, năm 2014 Quốc hội đã thông qua Luật Thuế số 71/2014/QH13 chuyển phân bón từ diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% sang không chịu thuế.

Việc áp thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón giúp tạo sự bình đẳng, lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. Ảnh: DCM.

Việc áp thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón giúp tạo sự bình đẳng, lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. Ảnh: DCM.

Tuy nhiên, khi bắt đầu áp dụng Luật Thuế 71 từ năm 2015 đã bộc lộ bất cập khi không những không giúp giá thành phân bón tới tay nông dân giảm mà thậm chí theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam giá phân bón tăng từ 5 - 8% kể từ khi áp dụng Luật Thuế 71.

Bên cạnh việc không đạt được mục tiêu chính là giảm giá phân bón cho bà con nông dân, Luật Thuế 71 còn khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước từ năm 2015 tới nay rơi vào cảnh khó khăn vô cùng khi doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm mạnh, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp phân bón đang từ làm ăn có lãi chuyển sang lỗ ròng nhiều năm trời.

Nguyên nhân do toàn bộ các chi phí đầu vào không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải hạch toán vào giá thành nên khiến giá thành phân bón tăng thêm 5 - 8%, qua đó vô hình chung làm giảm sức cạnh tranh của phân bón trong nước so với phân bón nhập khẩu do phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế giá trị gia tăng cả đầu vào lẫn đầu ra.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp sản xuất phân bón thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc Chính phủ, Quốc hội sớm sửa Luật Thuế 71 bằng Nghị quyết của Quốc hội đưa phân bón trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại 3 mục đích rất tích cực cho ngành phân bón. Đầu tiên, Nhà nước không bị thất thu thuế với mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam như hiện nay. Tiếp đến là tạo sân chơi công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc áp thuế giá trị gia tăng giúp tạo sự bình đẳng, lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. Đặc biệt, việc sớm sửa đổi thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón bằng Nghị quyết của Quốc hội sẽ kịp thời giúp rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang chồng chất khó khăn hiện nay do chính sách có thể “trở lại mặt đất” để bắt đầu sản xuất, kinh doanh có lãi.

Xem thêm
Sâu cuốn lá và cách phòng trị

Sâu cuốn lá là dịch hại phổ biến trên lúa, nhất là ở vùng trồng lúa thâm canh, dùng nhiều phân đạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng nông sản...

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?