Trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10
Theo Văn bản số 8680/VPCP-KTTH do Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây về Dự án Nghị quyết của Quốc hội sửa thuế suất giá trị gia tăng đối với phân bón gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.
Xét đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 182/TTr-BTC ngày 9/10/2020 về Dự án Nghị quyết của Quốc hội sửa thuế suất giá trị gia tăng đối với phân bón theo hướng từ mặt hàng không chịu thuế sang mặt hàng có chịu thuế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến như sau:
Bộ Tư pháp khẩn trương thẩm định theo quy định hồ sơ Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng đối với phân bón theo đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 182/TTr-BTC trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Bộ Tài chính khẩn trương cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định, đồng thời nhanh chóng tổng hợp ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 22/10/2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu hai Bộ khẩn trương thực hiện, đảm bảo thời hạn quy định để kịp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ hợp tháng 10/2020.
Theo Tờ trình số 182/TTr-BTC của Bộ Tài chính, thì trước ngày 01/01/2015, phân bón thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5%. Để góp phần hỗ trợ tối đa cho nông dân và để giảm giá bán phân bón (phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu đều không có thuế GTGT trong giá bán), Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Với quy định này, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định). Số thuế GTGT đầu vào này được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn nên trong thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng quy định trên khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Cụ thể, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT đã gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
Trên cơ sở đó, toàn bộ chi phí phát sinh được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón. Do vậy, phân bón trong nước khó cạnh tranh được so với phân bón nhập khẩu cùng loại.
Đề xuất thuế giá trị gia tăng phân bón 5%
Để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Mục tiêu của việc xây dựng Dự án Nghị quyết đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo đảm phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Bảo đảm chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi trong thực hiện, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tránh vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.
Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường.
Do đó, để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán mặt hàng phân bón.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần phải thực hiện các giải pháp như tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cũng theo đề xuất trong Tờ trình của Bộ Tài chính, do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 01/01/2021.