| Hotline: 0983.970.780

Một sức khỏe: Yêu cầu cấp thiết trong giải quyết các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu

Thứ Bảy 12/04/2025 , 15:31 (GMT+7)

Cách tiếp cận Một sức khỏe không còn là lựa chọn trong bối cảnh hệ thống y tế và thực phẩm đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp.

Giải quyết vấn đề phức tạp mang tính hệ thống

Đây là quan điểm đồng nhất của các chuyên gia tham dự Hội thảo bên lề Tuần lễ Khoa học CGIAR  2025 vừa qua tại Nairobi, Kenya với nội dung “Chân trời Một sức khỏe: Đóng góp cho hợp tác, đổi mới và chính sách để cải thiện sức khỏe toàn cầu và an ninh lương thực”.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có liên quan đến biến đổi khí hậu, dịch bệnh, suy thoái môi trường và mất an ninh lương thực, cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health) được coi là một chiến lược tất yếu. Đây không chỉ là một lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự bền vững của cả hệ thống y tế lẫn thực phẩm.

Ông Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Chương trình Sức khỏe của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI – Kenya) tại phiên Hội thảo 'Chân trời Một sức khỏe: Đóng góp cho hợp tác, đổi mới và chính sách để cải thiện sức khỏe toàn cầu và an ninh lương thực'. Ảnh: Linh Linh.

Ông Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Chương trình Sức khỏe của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI – Kenya) tại phiên Hội thảo “Chân trời Một sức khỏe: Đóng góp cho hợp tác, đổi mới và chính sách để cải thiện sức khỏe toàn cầu và an ninh lương thực”. Ảnh: Linh Linh.

Một sức khỏe là cách tiếp cận tích hợp, xem xét đồng thời mối liên hệ giữa sức khỏe con người, động vật, thực vật và hệ sinh thái. Việc áp dụng phương pháp này đang được các tổ chức quốc tế và các quốc gia đẩy mạnh nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp mang tính hệ thống.

Ông Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Chương trình Sức khỏe của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI – Kenya), nhấn mạnh: “Một sức khỏe không còn là một lựa chọn nữa. Nó đã trở thành một điều kiện tiên quyết để giải quyết những thách thức ngày càng phức tạp mà cả hệ thống y tế và hệ thống thực phẩm của chúng ta đang phải đối mặt hiện nay.” Theo ông, CGIAR đã có những bước đi táo bạo để đưa Một sức khỏe vào chương trình nghị sự nghiên cứu và đổi mới, với cam kết rõ ràng.

Ông Hùng cũng khẳng định rằng chính các cuộc đối thoại sâu rộng là cần thiết, vì chúng tạo không gian để đánh giá thực tế về những giải pháp hiệu quả, chưa hiệu quả và điều gì cần thay đổi.

Đại diện ILRI cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải lắng nghe nhiều quan điểm – từ nhà nghiên cứu đến nhà hoạch định chính sách – để đảm bảo rằng không có tiếng nói nào bị bỏ qua trong quá trình mở rộng cách tiếp cận tích hợp này. Các liên kết như sức khỏe đất liên quan đến hệ động vật và thủy sinh, vai trò của hành vi và kinh tế trong quyết định chính sách, hay điều cần thiết của việc chuyển đổi từ các can thiệp rời rạc sang các chiến lược thống nhất đều là những chủ đề cốt lõi được ông Hùng đề cập trong mối tương tác Một sức khỏe.

Ông Nguyễn Việt Hùng và ông Đào Thế Anh cùng các chuyên gia tại Hội thảo. Ảnh: IPS.

Ông Nguyễn Việt Hùng và ông Đào Thế Anh cùng các chuyên gia tại Hội thảo. Ảnh: IPS.

Trên thực tế, vấn đề đang được quan tâm không chỉ nằm ở lý thuyết hay cam kết, mà còn ở cách thức thực thi. Những kinh nghiệm từ các sáng kiến như quan hệ đối tác với WOAH, mạng lưới Phòng ngừa dịch bệnh mới nổi từ động vật (PREZODE), hay các tổ chức như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi và Văn phòng chuyên trách kỹ thuật của Ủy ban Liên mình châu Phi (AU-IBAR) cho thấy giá trị của hành động phối hợp ở cấp châu lục.

Đồng thời, để đảm bảo chính sách Một sức khỏe được xây dựng vững chắc, cần đến bằng chứng mạnh mẽ để làm rõ tác động xã hội và kinh tế của các can thiệp.

Thể chế hóa Một sức khỏe để thúc đẩy ở quy mô rộng

Với vai trò là lãnh đạo của một cơ quan nghiên cứu nông nghiệp cấp quốc gia, PGS-TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng cách tiếp cận Một sức khỏe nên tập trung vào thực hành, nhưng để thúc đẩy ở quy mô rộng, điều quan trọng là phải thể chế hóa, tức là cần xác định rõ vai trò và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành.

Trong trường hợp của Việt Nam, Một sức khỏe là lĩnh vực giao thoa giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Vì vậy, Việt Nam mong muốn giải quyết vấn đề môi trường chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để vận hành cách tiếp cận Một sức khỏe một cách hiệu quả. Mục tiêu là huy động nguồn lực trong nước thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn lực quốc tế từ các tổ chức như CGIAR hay FAO.

Gánh nặng kinh tế từ các bệnh do thực phẩm lên tới 100 tỷ USD mỗi năm. Ảnh: Icert.

Gánh nặng kinh tế từ các bệnh do thực phẩm lên tới 100 tỷ USD mỗi năm. Ảnh: Icert.

Từ phía Việt Nam, các tiếp cận này khởi đầu từ việc kiểm soát bệnh truyền lây từ động vật sang người, đặc biệt được chú trọng trong giai đoạn dịch COVID-19 do nguy cơ lây nhiễm từ động vật rất cao. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam nhận thấy, Một sức khỏe có thể đóng góp vào nhiều khía cạnh hơn trong hệ thống thực phẩm.

Kể từ năm 2023, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm, trong đó Một sức khỏe là một trong những hợp phần quan trọng, gắn liền với phương pháp tiếp cận nông nghiệp sinh thái. Theo đó, lãnh đạo viện VAAS thông tin, Một sức khỏe đang từng bước tích hợp các nội dung như sức khỏe đất, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm soát sử dụng kháng sinh từ chăn nuôi đến các hoạt động bảo vệ thực vật.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, vấn đề đầu tư và tác động kinh tế cũng là yếu tố quan trọng được nhắc đến. Theo thông tin chia sẻ, các con số hiện tại cho thấy khoản đầu tư hàng năm vào các dự án One Health là khoảng 25 triệu USD, trong khi gánh nặng kinh tế từ các bệnh do thực phẩm lên tới 100 tỷ USD mỗi năm. Những con số này đặt ra yêu cầu cần tăng cường sự tham gia chính sách, huy động nguồn lực và tích hợp dữ liệu nhằm củng cố sức mạnh cho các can thiệp dựa trên Một sức khỏe.

Các chương trình nghiên cứu của CGIAR đang nỗ lực tích hợp yếu tố sức khỏe đất và sức khỏe thực vật như một phần không thể thiếu trong hệ thống thực phẩm bền vững. Kế hoạch hành động về phân bón và sức khỏe đất của Liên minh châu Phi, được thông qua vào tháng 5/2024, là minh chứng cụ thể cho việc mở rộng phạm vi của Một sức khỏe từ lĩnh vực y tế sang cả nông nghiệp và môi trường.

Xem thêm
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII

Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Nông nghiệp và Môi trường xin trân trọng giới thiệu phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm.