| Hotline: 0983.970.780

Chinh phục người tình bằng nước mắt

Thứ Bảy 20/03/2021 , 08:53 (GMT+7)

Nguyệt đã trải qua hai cuộc tình, cuộc tình thứ nhất không thành vì đó là mối tình một chiều.

Người Nguyệt đem lòng thương là một chàng trai tuy không điển trai, thậm chí ngoại hình còn ở dưới trung bình nữa.

Thế nhưng  gia đình anh ta giàu có, vì thế con người này không thiếu gì các cô tìm đến tỏ tình, Nguyệt là ứng viên kém thế nhất trong số những người đó.

Người tình thứ hai của cô khá điển trai. Tuy gia cảnh nhà anh so với bên nhà Nguyệt rõ ràng là một bên nhà giàu một bên thanh bạch. Nhưng anh nhà nghèo này vốn thích chọn người tình xinh xắn hơn là giàu có mà không đẹp.

Tính ra cả hai lần, Nguyệt đều rơi vào cảnh cao không tới, thấp không thông... cho đến khi cô gặp Vinh.

Hai người quen nhau cũng là kiểu quan hệ bắc cầu, trước khi gặp Nguyệt, Vinh vẫn chưa có mối tình nào vác vai. Bảo là anh chưa gặp duyên cũng đúng, bảo là cù lần cũng không sai.

Từ trước đến giờ Vinh chỉ toàn sống trong mơ mộng. Anh tốt nghiệp cao đẳng cơ khí rồi đi làm cho một công ty điện lạnh. Vinh là công nhân tay nghề giỏi, nhưng lại gần như chẳng hiểu gì mấy về quan hệ tình cảm.

Được cái Vinh có ngoại hình trắng trẻo, lại vui vẻ, dễ gần, nên các cô cũng không ghẻ lạnh gì anh. Rốt lại đã ngoài 30 tuổi rồi Vinh mới gặp Nguyệt.

Có lẽ cô ta là cô gái đầu tiên mà Vinh dễ dàng tiếp cận nhất. Nguyệt không làm giá, không gây khó khăn trong quan hệ, vì thế Vinh chỉ ngỏ lời mời đi chơi phố là cô nhận lời ngay. Cuộc tình của họ kéo dài được nửa năm thì nàng đã đòi cưới.

Đến đây thì Vinh có chút ít lưỡng lự. Tuy anh khờ khạo trong quan hệ nam nữ, nhưng không ngốc nghếch đến độ phụ nữ bảo là nghe. Sau khi nghe Nguyệt thổ lộ ý muốn tiến tới hôn nhân, Vinh đã chần chừ đắn đo. Dù sao cũng là chuyện hệ trọng cả một đời người.

Thế nhưng làm gì thì làm, Vinh vẫn không tài nào thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nguyệt qua tuyệt chiêu có một không hai của cô, đó là khóc.

Cứ mỗi lần cô nhắc đến chuyện cưới hỏi và thấy Vinh tỏ thái độ chần chừ, Nguyệt lại ghé đầu vào vai anh, một lúc sau Vinh đã nghe thấy tiếng thút thít nho nhỏ của bạn gái. Ban đầu còn ngỡ cô nũng nịu một chút, không ngờ chỉ một lúc sau Vinh đã ngấm ngầm giật mình, bởi vai áo của anh đã thấm đẫm nước mắt.

Nguyệt cứ tựa vai Vinh khóc nho nhỏ một hồi, khoảng một chục lần như thế, kéo dài trong vòng hai tháng. Rốt cuộc anh đâm ra mềm lòng, cũng không suy tính gì thêm, và rốt cuộc đã nhận lời làm đám cưới với cô.

Đám cưới xong xuôi, gia đình Nguyệt  cho hai vợ chồng Vinh ở nhờ, Vinh ở trong tình trạng ở rể. Kinh tế gia đình của anh phải nói phần lớn trông vào thu nhập của Nguyệt, cô làm ngân hàng đã lâu năm, có thu nhập cao hơn hẳn chồng. Những yếu tố vừa kể đã mau chóng biến người chủ gia đình thực sự chính là Nguyệt.

Nếu hồi còn yêu nhau, cô thường phải trông nhờ vào bờ vai của anh để khóc lóc tỉ tê, thì bây giờ cô tỏ ra là người quyết định mọi chuyện từ lớn đến nhỏ trong gia đình. Từ lúc hai người là vợ chồng son cho đến khi họ đã có hai mặt con.

Vinh cũng không muốn đôi co với người vợ làm ra nhiều tiền hơn anh và dĩ nhiên, cũng tiêu tốn chi phí trong gia đình nhiều hơn chồng. Huống chi Vinh lại đang ở nhờ nhà vợ, thôi thì cứ ngậm bồ hòn làm ngọt.

Tại sao lại gọi là ngậm bồ hòn? Ai đã từng chịu cảnh lép vế trước vợ sẽ hiểu được hoàn cảnh của Vinh. Anh phải chịu đựng nhiều hơn là ra quyết định, điều này cũng không sai trong các đường lối hành xử và phán đoán. Lẽ dĩ nhiên người luôn luôn giành được quyền ưu tiên về “lẽ phải” hay “điều phải làm”... đều là Nguyệt.

Những dồn nén lâu ngày khiến Vinh chuyển thành mối bất mãn với thái độ bà chủ trong gia đình của Nguyệt. Nhưng Vinh bản tính hiền lành, những giây phút hạnh phúc đầm ấm bên con cái cũng khiến anh nguôi ngoai những ý định nổi loạn trong tâm khảm.

Một thời gian sau, ngân hàng của Nguyệt làm ăn thất bại và tinh giảm biên chế. Nguyệt rơi vào cảnh thất nghiệp. Gánh nặng kinh tế trong gia đình lại rơi vào vai Vinh.

Trong thời gian này, Vinh bỗng nhận ra một điều bất ngờ thú vị, đó là vợ anh đã bớt lên giọng kẻ cả và bắt đầu nhượng bộ, trao cho chồng một số vai trò và quyền hạn nhất định trong gia đình.

Tính ra Nguyệt thất nghiệp gần một chục năm, cô chuyển sang nhiều nghề khác nhau như nhận may quần áo, dạy kèm ngoại ngữ, dịch thuật, hoặc một số công việc thời vụ có liên quan đến kế toán sổ sách. Vinh cũng không nhớ rõ từ bao giờ anh đã khôi phục lại quyền hạn của người chồng và người cha trong gia đình.

Tuy gánh nặng kiếm tiền có đè lên anh nhiều hơn, nhưng đổi lại, anh cảm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn. Một thời gian sau nữa, vợ chồng anh mua được căn nhà nhỏ và ra ở riêng, Nguyệt cũng không còn thái độ lấn át, bắt nạt chồng như thuở nào.

(Kiến thức gia đình số 11)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm