Các cơ quan chức năng vẫn nâng lên đặt xuống dự án xây cầu nên trẻ em xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) vẫn ngày ngày lội sông đi học. Chỉ rất ít gia đình có đủ tiền trả phí 2 nghìn đồng/lượt để các em được đi qua cây cầu tre bắc tạm bợ trên sông Re.
Hàng ngày, để đến trường Tiểu học, THCS Sơn Ba, các em nhỏ ở thôn Bung, Mò O, làng Già, làng Chai phải vượt qua con sông Re và nhiều con suối rộng. Các em thường đến trường trong tình trạng ướt sũng và lấm lem bùn đất. Sách vở cũng thường xuyên rơi xuống sông suối nên chẳng mấy quyển còn nguyên vẹn. Mùa nắng thì lội bộ, mùa mưa thì đu dây vượt sông. Chỉ rất ít gia đình khá giả có tiền cho các em để trả phí 2 nghìn đồng/lượt đi bộ qua cây cầu tre do một số người dân bắc tạm bợ trên sông và thu phí đối với người qua lại. Không ai có thể biết trước rằng giữa sông sâu có những nguy hiểm gì đang rình rập các em.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng Quảng Ngãi vẫn tiếp tục nâng lên đặt xuống dự án xây cầu treo bắc qua sông và chưa biết bao giờ mới thông qua dự án này. Đáng lưu ý là cây cầu này dự kiến có giá trị tới 25 tỷ đồng và đã được xem xét suốt 3 năm qua.
Sự chần chừ, lần lữa, thậm chí là thờ ơ của các cơ quan chức năng không khỏi khiến dư luận băn khoăn về cách làm việc của những người được mệnh danh là “cha mẹ” của dân. Họ chờ đợi điều gì trong 3 năm qua? Một cây cầu chỉ dài 160m, với chiều rộng 5m (như dự án) có thực sự cần đến 25 tỷ đồng hay không? Liệu dự án có bị lập “khống” để chia chác cho các vị quan chức hay không? Nếu dự án không khả thi, nếu không huy động đủ 25 tỷ đồng cho dự án, tại sao họ không có bất kỳ hành động nào để hỗ trợ các em nhỏ tới trường trong suốt nhiều năm qua? Có lẽ, vì bận nghĩ cách huy động tới 25 tỷ đồng nên những việc làm đơn giản nhất như bắc một cây cầu tre để các em được miễn phí qua sông hoặc hỗ trợ tiền phí qua cầu hàng ngày cho các em chưa được các cấp lãnh đạo nghĩ tới (?).
Cách đấy không xa, cũng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có một người nông dân tên Lê Tất Dũng đã tự bỏ tiền tích cóp mấy chục năm trời để làm cầu phao bắc qua sông Vu Gia cho bà con đi lại, cho trẻ em đến trường với chi phí chỉ 400 triệu đồng. Ông Dũng đã bỏ ra 300 triệu đồng để xây một phần, phần còn lại đang chờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm để hoàn thiện cây cầu dài gần 80m của mình.
Nhìn từ hành động của “lão nông” Lê Tất Dũng, nhiều người không khỏi thở dài trước cách làm việc của các ban bệ, cơ quan, tổ chức nhà nước vừa cồng kềnh, vừa quan liêu và tự hỏi, không biết các em học sinh sẽ phải chờ đến bao giờ để có cầu đến trường?!