| Hotline: 0983.970.780

Chợ nổi Cái Răng, tiềm năng vẫn ở phía trước

Chủ Nhật 01/05/2016 , 07:10 (GMT+7)

ĐBSCL hiện có trên 10 chợ nổi sầm uất góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, trong đó có nhiều chợ nổi được chọn làm điểm tham quan du lịch hấp dẫn, điển hình như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)...

ĐBSCL hiện có trên 10 chợ nổi sầm uất góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, trong đó có nhiều chợ nổi được chọn làm điểm tham quan du lịch hấp dẫn, điển hình như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một trong những chợ nổi nhộn nhịp nhất, thu hút nhiều khách tham quan nhất.

Chợ nổi Cái Răng - Truyền thống và hiện đại

Cũng như các chợ nổi khác, chợ nổi Cái Răng hình thành một cách tự phát theo nhu cầu mua bán và trao đổi sản phẩm của địa phương theo một tập quán sinh hoạt “trên bến dưới thuyền”.

Đặc biệt chợ là đầu mối giao lưu lớn nhất của khu vực, là trục lộ giao thông thủy, bộ đồng thời là trung tâm của những vườn cây trái trù phú và ruộng rẫy phì nhiêu “Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Điền”, mỗi ngày có từ 300 - 500 ghe, tàu, xuồng neo đậu, mua bán các mặt hàng nông sản, nhất là trái cây, rau củ.

Ngoài ra còn có những dịch vụ trao đổi các mặt hàng thủ công, đồ gia dụng, thức ăn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Cách “rao hàng” của chợ nổi xưa nay thật độc đáo, ai bán gì thì treo món ấy lên đầu sào cắm ở mũi ghe, gọi là “bẹo”. Hình thức “bẹo” tuy không ồn ào náo nhiệt nhưng hiệu quả rất cao, thu hút khách hàng đông hơn bất cứ một loại hình quảng cáo nào khác.

Hơn hai mươi năm qua, từ khi nền kinh tế phát triển, cuộc sống nông thôn bừng dậy đã góp phần thúc đẩy các chợ nổi miền Tây nhộn nhịp hẳn lên, tạo cơ hội cho hàng vạn cư dân miền sông nước có cuộc sống ổn định lâu dài và không ít người đã vươn lên giàu có. Có thể nói chợ nổi miền Tây là linh hồn của các phố thị miền sông nước.

Bởi thế, dân gian mới có câu “Phong Điền chợ nổi ven sông. Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều”. Tuy nhiên, hiện nay có một số chợ nổi đã trở nên tiêu điều vì không còn giữ được vai trò trung tâm, không còn là cái “rốn” cho các ghe xuồng hoạt động vì một số sông rạch bị bồi lấp, trong đó có chợ nổi Phong Điền.

Từ xa xưa, ông cha ta đã nhận thức rằng “nhất cận thị, nhì cận giang”, cho nên nơi nào có sông có chợ là nơi đó sớm muộn sẽ trở thành thị tứ.

Chợ nổi còn là nơi gặp gỡ của anh em bốn bể một nhà, gồm đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Họ chỉ cần một chiếc tam bản hoặc một chiếc xuồng con cũng có thể kiếm sống qua ngày bằng cách chèo đò, mua bán hoặc làm dịch vụ trên sông. Nhiều cư dân đã sẵn sàng chọn dòng sông làm kế sinh nhai, trong đó có những người một chân dưới thuyền một chân trên đất, suốt đời cần cù, chịu thương chịu khó và gắn bó với kiếp thương hồ.

Ông Huỳnh Văn Hồng ở khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, cặp theo chợ nổi Cái Răng cho biết, cả gia đình ông trên 10 người đều sống bằng nghề mua bán trên sông. Cuộc sống tuy vất vả, ngày ngày phải theo con nước lớn nước ròng, chèo chống, mua bán, trao đổi hàng hóa nhưng nhờ vậy mà con cái đứa nào cũng khá lên.

Tại chợ nổi, khách thương hồ đa số đều phóng khoáng, chân tình và trọng chữ tín. Các tiểu thương cũng hành xử thật thà, có sao nói vậy, ít xảy ra trường hợp mua gian bán lận. Đời thương hồ rày đây mai đó nhưng lại là những cuộc đời đầy tình nghĩa. Tuy là người tứ xứ nhưng họ đối xử với nhau như tình làng nghĩa xóm.

Nửa đêm, nửa hôm mỗi khi trái gió trở trời, ghe nào có người cảm lạnh, sổ mũi, nhức đầu chỉ cần lên tiếng là có người nhảy qua cạo gió, giác hơi. Gặp khi mưa to gió lớn nhiều ghe neo lại thành chùm để cùng nhau nương tựa. Đặc biệt, những người cùng quê cùng xứ họ thường cột chung ghe lại, mũi quay ra sông đón khách, ai không mua ghe nầy nhảy sang ghe khác một cách thân thiện. Họ sống vui vẻ, chan hòa và ý thức tổ chức rất cao.

13-26-55_khong-khi-cho-noi-ci-rng-mu-tet
Không khí chợ nổi Cái Răng

Cũng như chợ trên bờ, sinh hoạt chợ nổi hiện nay ngày càng tiện lợi và văn minh so với trước kia. Khi hàng về, họ chỉ cần thông tin với nhau bằng điện thoại là khách hàng sẽ nắm được số lượng, chất lượng và giá cả. Thế là hai bên sẽ có được một hợp đồng trao đổi hàng theo kiểu “thuận mua vừa bán”.

Ngoài ra, tại chợ nổi, khi cần người ta có thể bấm điện thoại là một lát sau sẽ có những chiếc xuồng con mang đồ ăn thức uống tới ngay. Từ ngày đất nước đổi mới đến nay, nhiều “ngôi nhà nổi” đã có ti vi, đầu máy và các phương tiện sinh hoạt khác giúp cho cuộc sống của nhiều thương hồ ngày càng sung túc, không còn mặc cảm với số phận “lênh đênh sóng nước thương hồ”.

Tiềm năng và thách thức

Hiện nay đa số khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài khi đến Cần Thơ đều chọn tuyến Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng mở đầu cho chuyến du lịch miệt vườn.

Theo báo cáo của ngành du lịch, bình quân mỗi ngày có từ 500 - 700 du khách đến với chợ nổi Cái Răng, đa số là khách tham quan, trong đó không ít người ngoài du lịch thưởng ngoạn, du lịch sinh thái còn muốn tìm hiểu thêm về nét đẹp văn hóa và tính nhân văn của chợ nổi miền Tây.

Do đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, một chợ nổi đã đi vào lịch sử từ lâu đời.

Chủ trương của TP Cần Thơ là trong quá trình tôn tạo và bảo tồn chợ nổi Cái Răng cần giữ nguyên hiện trạng tự nhiên, không làm thay đổi các hoạt động giao thương truyền thống, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích cộng đồng với lợi ích cá nhân theo hướng bền vững nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Tuy nhiên, trước mắt chợ nổi Cái Răng đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết. Một là các hộ mua bán hai bên bờ sông, chủ yếu là các vựa trái cây và rau củ, kể cả người trên ghe đều vứt rác bừa bãi xuống sông, thậm chí có nhiều ghe xuồng làm cầu vệ sinh ngay trên ghe, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng và làm mất đi vẻ mỹ quan của toàn khu vực.

Hai là việc ứng xử của các tiểu thương đôi khi thiếu tế nhị đã làm cho khách tham quan không hài lòng. Thực ra, tính cách của khách thương hồ xưa nay là hiếu khách và thân thiện. Tâm hồn của họ bao giờ cũng cởi mở, tay bắt mặt mừng, thích làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, nhưng do có nhiều đoàn khách đến tham quan, phỏng vấn liên tục, hết người nầy đến người khác nên họ cảm thấy nhàm chán. Hơn nữa, có những tiểu thương thường tỏ ra không hài lòng khi sáng sớm chưa bán mở hàng mà có người đến hỏi han rồi bỏ đi, đó là một trong những điều cấm kỵ đối với những người còn nặng về duy tâm.

Ba là công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy cũng còn nhiều vấn nạn cần tiếp tục nghiên cứu.

Để khắc phục tình trạng nói trên, mọi người đều phải vào cuộc, kể cả chính quyền và các ban ngành đoàn thể, chủ yếu là ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ngành Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp du lịch cần tích cực tuyên truyền sâu rộng cho người dân địa phương và các hộ tiểu thương mua bán trên sông ý thức được vệ sinh môi trường và cách ứng xử trong mua bán là điều tối quan trọng, là sự sống còn đối với hoạt động chợ nổi về lâu về dài.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.