| Hotline: 0983.970.780

Cho táo 'leo' giàn, Bí thư phường quyết tâm gắn nông nghiệp với du lịch

Thứ Hai 25/11/2019 , 12:53 (GMT+7)

Tiên phong thử nghiệm đưa giống táo “đặc sản”, của địa phương trồng thành giàn như nho, Bí thư Đảng ủy phường Bàng La, Đồ Sơn (Hải Phòng) quyết tâm đưa nông nghiệp địa phương phát triển lên tầm cao mới, gắn bó chặt chẽ với du lịch.

Đặc sản trên đất chua mặn

Phường Bàng La (Đồ Sơn) có phía Nam tiếp giáp biển, vốn là vựa muối nổi tiếng của Hải Phòng. Người dân trước kia chỉ sống dựa vào làm muối và đi biển. Dần dà do phù sa sông Văn Úc bồi lắng, nghề làm muối dần khó khăn, giá cả xuống thấp, người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả.

Táo Bàng La còn có tên là táo muối, táo này trồng trên đất làm muối, dòn, ngọt, không nhớt

Tuy nhiên, đất canh tác ở đây thuộc loại chua mặn, các loại cây ăn quả như cam, bưởi, vải.. mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Người dân chỉ trồng được táo và cà chua nhưng ban đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Khắc Tùng, Bí thư Chi bộ HTX Nông nghiệp Thủy sản Bàng La cho biết: Trước đây các loại táo khác cho quả chua và chát, cũng không tiêu thụ được. Sau này việc ứng dụng thành công kỹ thuật ghép mầm táo lai trên những gốc cây táo ta, táo dại để tạo ra giống táo Bàng La như bây giờ, cây táo trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giống táo Bàng La vốn dĩ là táo ta, được diêm dân ghép từ giống táo địa phương trên gốc táo dại, những loại cây có khả năng thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất chua mặn. Từ đó vô tình đã tạo ra giống táo mới cho năng suất, chất lượng tốt, ngon, ngọt hiếm có.

“Hiện tại đây là sản phẩm đặc trưng của địa phương, loại quả mà các địa phương lân cận không có. Nếu cũng giống táo Bàng La mà trồng tại địa phương khác thì cũng không cho ra được  quả có mùi vị, chất lượng đặc trưng của táo Bàng La. HTX đã gửi hồ sơ tham tham gia chương trình mỗi địa phương 1 sản phẩm (OCOP)”, ông Tùng khẳng định.

Phường Bàng La hiện có 50% hộ dân trồng táo với diện tích canh tác khoảng 120ha, mỗi năm cho ra thị trường khoảng 3.000 tấn táo, thu về từ 50-60 tỷ đồng.

Thương hiệu táo Bàng La đã được UBND TP Hải Phòng công nhận chỉ dẫn địa lí, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể, phường đang thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc theo chương trình VietGap.

Phát triển cây táo gắn với du lịch

Với đặc trưng riêng, táo Bàng La đang được thị trường rất ưa chuộng, giá trung bình trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, cao nhất khoảng 50 nghìn đồng/kg. Vào thời điểm giáp tết thường “cháy hàng”, không đủ bán. Cây táo thực sự đã trở thành chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội của Bàng La.

Táo trồng trên dàn cho thu mỗi năm 2 vụ, mỗi năm chỉ cần tỉa cành nhỏ, phù hợp kết hợp với du lịch sinh thái

Xác định cây táo sẽ là mũi nhọn kinh tế chính của phường, nhiều năm qua, ông Bùi Duy Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Bàng La, đã tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật trồng táo mới để cùng người dân xây dựng, phát triển thương hiệu táo Bàng La đến gần với người tiêu dùng hơn. Đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, tìm hướng đi mới, bền vững cho sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Ưa, hộ trồng nhiều táo nhất ở tổ dân phố Biên Hòa, phường Bàng La cho biết: Do đất đai thổ nhưỡng và sáng tạo trong quá trình canh tác, cây táo Bàng La (táo muối) cho quả to, ngọt, bùi, không nhớt, có thể ăn no được, thậm chí có thể chữa một số triệu chứng đau bụng.

Qua nhiều kênh thông tin, ông Dũng biết được trong miền Nam có mô hình táo giàn rất hay, mô hình này vừa cho năng suất gấp đôi cách trồng truyền thống ở Bàng La, lại có thể phát triển du lịch sinh thái. Điều này rất hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại và hợp với mảnh đất du lịch Đồ Sơn.

Nghĩ là làm, ông Dũng và đại diện HTX đã sắp xếp công việc vào tận Ninh Thuận, Bình Thuận để học hỏi cách làm. Sau khi đi thực tế, ông Dũng đã quyết tâm tiến hành trồng thử nghiệm 40 cây táo giàn tại vườn nhà, và bước đầu cho hiệu quả.

Theo ông Dũng, với mô hình mới này cây táo chỉ có 1 thân, trồng cách nhau 5m, hệ thống giàn bằng dây thép cao khoảng 2m. Toàn bộ cành táo khi lớn sẽ leo ở phía trên giàn. Với cách trồng mới này, cây táo sẽ có khả năng chống chịu với mưa bão và sâu bệnh tốt hơn so với cách trồng truyền thống. Ngoài ra, vườn táo giàn rất thoáng, hiện đại, thuận lợi cho việc chăm sóc, quả táo hứng được ánh nắng mặt trời nên chất lượng quả cũng ngon hơn.

 “Cách làm truyền thống 1 năm cho 1 vụ vào dịp cuối năm, còn mô hình táo “leo dây” sẽ cho thu hoạch 2 vụ (vụ hè, vụ đông). Đặc biệt, với không gian xanh mà vườn táo mang lại, địa phương cũng có thể kết hợp để phát triển du lịch sinh thái vườn vào mùa hè, tạo cảnh quan tươi đẹp cho du khách đến tham quan.  Hiện tại, tôi đã thử nghiệm được 2 mùa, bước đầu cho kết quả khả quan. Táo cho nhiều quả, hàng năm chỉ cần tỉa những cành nhỏ và từ kinh tế cho đến canh tác hay thu hoạch đều tiện lợi hơn cách làm truyền thống. Sắp tới tôi sẽ nhân rộng và phổ biến để bà con áp dụng, góp phần vào phát triển kinh tế cho địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhiều năm nay, táo Bàng La đã trở thành một sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là rất ngon, “sạch” và ít nơi có được. Cây táo thực sự trở cây chủ lực, là nguồn thu nhập chính của 50% số hộ tại phường Bàng La. Với đặc trưng là 1 đơn vị hành chính của quận Đồ Sơn – mảnh đất du lịch nổi tiếng, việc xây dựng thương hiệu táo sạch, an toàn để cung cấp cho thị trường gắn với phát triển du lịch sinh thái là hướng đi hợp rất lí của địa phương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.