| Hotline: 0983.970.780

Chống cát lậu trên biển Cần Giờ

Thứ Sáu 03/05/2019 , 08:48 (GMT+7)

Nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) diễn ra rầm rộ bất kể ngày đêm, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ sụt lún đất, mà còn mất an ninh trật tự, đe doạ tính mạng người dân...

I.

Sau bữa cơm tối một ngày giữa tháng 4, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, nhận được tin báo nhiều sà lan đang hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa, thuộc biển Cần Giờ. Lập tức, Chỉ huy Đồn chỉ đạo Đại úy Biện Văn Tâm, Đội trưởng Đội phòng, chống ma túy và tội phạm cùng 9 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn. Nhằm tránh bị phát hiện và đảm bảo an toàn, Đội tuần tra liên hệ với một ngư dân có kinh nghiệm đi biển dùng phương tiện hỗ trợ lực lượng Biên phòng.

16-43-38_nh_1
Tàu hút cát trái phép đang hoạt động ngoài biển Cần Giờ, TP.HCM.

Sau gần 2 tiếng lênh đênh trên biển, đến khoảng 21 giờ cùng ngày, Đội tuần tra đã đến được địa điểm các phương tiện đang hút cát trái phép. Sau khi áp sát, các chiến sĩ lập tức nhảy lên sà lan đang hút cát trái phép kiểm tra hành chính. Các đối tượng vi phạm hoàn toàn bất ngờ và thừa nhận hành vi sai phạm.

Sau khi khống chế chiếc sà lan thứ nhất, đội áp sát chiếc sà lan khác cách đó khoảng 1 hải lý. Đến khoảng 22h30 đã bắt giữ 4 tàu hút cát trái phép. Tại thời điểm đó, các sà lan đang chứa khoảng 800m3 cát. Thuyền trưởng các sà lan không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát, nên đã bị lập biên bản vi phạm, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

“Trước đây, các đối tượng hoạt động bất kể ngày đêm. Nhưng hiện nay, do mình làm mạnh nên họ chuyển sang ban đêm. Các sà lan khai thác cát cách nhau hơn 1 hải lý, thời điểm đêm tối cộng với sóng lớn nên việc tiếp cận, kiểm tra và xử lý phương tiện hút cát trái phép gặp không ít khó khăn. Đó là lực lượng mỏng, phương tiện hạn chế, hầu hết các vụ việc bắt giữ đều phải nhờ đến phương tiện của ngư dân.

Mặt khác, khu vực khai thác cát là nơi giáp ranh với vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Do vậy, đối tượng thường lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu để qua biển Cần Giờ khai thác cát, có bố trí cảnh giới, khi gặp lực lượng tuần tra đã vọt qua địa bàn giáp ranh và thông báo cho các phương tiện xung quanh bỏ chạy”, Đại úy Tâm cho biết.

Không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận, không ít lần lực lượng biên phòng bị các đối tượng khai thác cát trái phép manh động chống trả. Thượng tá Phạm Long Bào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa, kể: Một lần, tổ công tác phát hiện tàu SG-8168, do ông Nguyễn Văn Quân (SN 1985, quê huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng, có 6 máy nổ cùng đầu bơm và ống hút cát đang hoạt động hết công suất. Khi bị kiểm tra thì Quân không tuân thủ mà bất ngờ bẻ lái cho tàu quay đảo liên tục, không cho lực lượng tiếp cận, lên tàu.

16-43-38_nh_5
Nguyễn Văn Quân, chủ tàu hút cát trái phép có hành động chống trả lực lượng chức năng đang bị lập biên bản vi phạm.

Sau đó, Quân đột ngột tăng tốc, bỏ chạy ra phía biển. Việc nổ máy, bẻ lái liên tục trong khi có tàu khác ở sát bên rất nguy hiểm. Có thẻ gây va chạm mạnh, chìm tàu, rơi người xuống biển. Tuy nhiên, cuối cùng các anh cũng tiếp cận được, khống chế Quân và tạm giữ phương tiện.
 

II.

Tại Hội nghị về đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh với TP.HCM như Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre… diễn ra ngày 23/4 vừa qua tại Cần Giờ, Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng BĐBP TP.HCM cho biết, hầu hết các đối tượng khi bị bắt thường rút vòi bơm, xả cát xuống biển, sông và chạy trốn.

Để chế tài mạnh hơn, ông Út kiến nghị sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, gắn trách nhiệm của các chủ sở hữu trong việc cho thuê phương tiện, hạn chế việc cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật “bắt tay” làm hợp đồng giả để hợp thức hóa hồ sơ khi bị bắt giữ phương tiện...

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ kiến nghị, cho phép lực lượng được giao nhiệm vụ sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ (ghi hình) để làm cơ sở chuyển cho cơ quan điều tra xử lý hình sự các vi phạm khai thác, hút cát trái phép, xây dựng các chốt canh 24/24 giờ tại các điểm nóng.

16-43-38_nh_4
Tàu hút cát trái phép ngoài biển Cần Giờ bị lực lượng biên phòng bắt giữ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rang, việc quản lý tình trạng khai thác cát trái phép là hết sức cấp bách, vì nó ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành TP với các địa phương, sử dụng hệ thống camera giám sát các phương tiện khai thác cát trái phép; bố trí các trạm và lực lượng chốt chặn ở các khu vực thường xuyên xảy ra khai thác cát trái phép; phối hợp với các địa phương tập trung xử lý các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi không phép; giám sát việc vận chuyển cát trên các tuyến sông, rạch…

Ngoài ra, TP sẽ báo cáo Bộ Xây dựng trong việc cân đối cung cầu vật liệu xây dựng như cho phép mở các mỏ khai thác, dùng vật liệu thay thế cát san lấp. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống khai thác cát trái phép.

Theo UBND TP.HCM, giai đoạn 2015 - 2018, tình hình khai thác cát trái phép tại huyện Cần Giờ diễn biến rất phức tạp, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 - 2016. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép. Năm 2018, tạm giữ 26 phương tiện, tịch thu 4.270m3 cát; xử phạt gần 900 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã tạm giữ 4 phương tiện khai thác cát trái phép.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.