| Hotline: 0983.970.780

Chống sạt lở bờ sông: [Bài 3] Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm

Thứ Năm 30/11/2023 , 15:39 (GMT+7)

Là tỉnh công nghiệp, Bình Dương có tốc độ đô thị hóa nhanh, thực trạng sạt lở đặt ra nhiều thách thức. Bình Dương đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó.

Diện mạo mới bên kè Uyên Hưng

Từng là điểm nóng sạt lở, bộ mặt phường Uyên Hưng, trung tâm thành phố Tân Uyên đã đổi thay khi kè chống sạt lở sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn phường hình thành.

Nhìn người dân thong dong tập thể dục dưới bóng cờ hoa rực rỡ, cây cối xanh tươi, ít ai biết rằng hơn chục năm trước nơi đây vốn là đầm lầy, đường sá chật hẹp, nắng bụi mưa lầy.

Diện mạo mới khu kè chống sạt lở sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn phường Uyên Hưng. Ảnh: Trần Trung.

Diện mạo mới khu kè chống sạt lở sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn phường Uyên Hưng. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, do đặc điểm tự nhiên là vùng đầu nguồn, nên hằng năm lũ về khu vực ven sông Đồng Nai, địa phận phường Uyên Hưng luôn đối mặt với nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao. Có những đoạn sạt lở ăn sâu vào bờ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Thế nhưng, từ khi công trình kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai được hoàn thành và đưa vào sử dụng, không chỉ sạt lở được đẩy lùi, bộ mặt đô thị nơi đây ngày thêm khởi sắc. Nhiều ngôi nhà dọc tuyến đường bờ kè được đầu tư xây dựng, sửa chữa mới khá khang trang; nhiều hàng quán mọc lên dọc bên hàng cây xanh. Công trình kè làm thay đổi diện mạo đô thị Uyên Hưng ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Công trình kè làm thay đổi diện mạo đô thị Uyên Hưng ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Trần Trung.

Công trình kè làm thay đổi diện mạo đô thị Uyên Hưng ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Thanh Thoại - Phó Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng cho biết, phường là trung tâm của thành phố Tân Uyên, với diện tích khoảng 330 ha, hơn 4 km tiếp giáp sông Đồng Nai. Những năm trước, địa phương đối diện nguy cơ cao về sạt lở, đỉnh điểm là 2005-2008 sạt lở diễn ra đặc biệt nghiêm trọng, nhiều diện tích hoa màu và nhà dân bị cuốn xuống sông.

Xuất phát từ vấn đề cấp bách của địa phương, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, lãnh đạo thành phố Tân Uyên đầu tư công trình bờ kè kết hợp đường giao thông nông thôn. Vì cảnh quan bờ kè mang tính chất là "trái tim của thành phố" nên việc thi công luôn đảm bảo ổn định, hòa hợp với cảnh quan môi trường.

Theo đó, tuyến kè có chiều dài hơn 1 km với vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng bao gồm các hạng mục phần tường đứng và phần mái nghiêng; trong đó phần tường đứng có kết cấu tường bê tông cốt thép, phần mái nghiêng bảo vệ phần chân công trình và tham gia phòng, chống xói lòng dẫn, kết cấu mềm mái nghiêng làm bằng thảm đá bọc PVC và chi phí giải phóng mặt bằng 57 hộ sống cạnh sông Đồng Nai có nguy cao sạt lở đến vị trí an toàn.

Khu phố 1 nơi thụ hưởng công trình được UBND thành phố Tân Uyên chọn làm khu phố điểm xây dựng mô hình đô thị văn minh. Ảnh: Trần Trung.

Khu phố 1 nơi thụ hưởng công trình được UBND thành phố Tân Uyên chọn làm khu phố điểm xây dựng mô hình đô thị văn minh. Ảnh: Trần Trung.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Uyên Hưng rất vui mừng khi dự án được hoàn thành. Công trình không chỉ có ý nghĩa ngăn chặn quá trình sạt lở bờ sông mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, là điểm nhấn về cảnh quan đô thị của phường Uyên Hưng nói riêng và thành phố Tân Uyên nói chung.

Sống cạnh khu vực bờ kè hơn 30 năm, hiện là chủ quán nước bờ kè, bà Nguyễn Thị Bích Thủy ngụ khu phố 1, phường Uyên Hưng cho biết, trước đây, khu vực này hầu như không có người qua lại. Kể từ khi xây dựng bờ kè, không khí nhộn nhịp hẳn lên. Nhất là vào ban đêm, nhiều người dân đến đây tập thể dục, dạo mát. Nhờ đó, việc kinh doanh của quán cũng thuận lợi hơn.     

“Bờ kè thật sự đã mang lại diện mạo mới cho thị trấn, không những tạo không gian thoáng mát cho người dân tập luyện thể dục mà còn là điểm kinh doanh, buôn bán thuận lợi. Hiện khu phố 1 nơi thụ hưởng công trình được UBND thành phố chọn làm khu phố điểm xây dựng mô hình đô thị văn minh, đây là niềm vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Uyên Hưng. Trong xu hướng phát triển chung của thành phố, những lưu vực ven sông sẽ tiếp tục được chỉnh trang, cải tạo, khoác lên mình tấm áo mới hiện đại hơn để sớm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thành phố Tân Uyên trở thành đô thị loại II, giai đoạn 2021-2025”, Phó Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng Nguyễn Thanh Thoại phấn khởi nói.

Dành 9.800 tỷ đồng để chống sạt lở bờ sông

Để giải quyết gốc rễ vấn đề sạt lở bờ sông, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa bàn. Theo đó, Bình Dương sẽ chi trên 9.800 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch, trong đó vốn ngân sách địa phương là trên 8.200 tỷ đồng và nguồn khác (vốn vay ODA) gần 1.600 tỷ đồng.

Bình Dương dự kiến dành 9.800 tỷ đồng để chống sạt lở đến năm 2030. Ảnh: Trần Trung.

Bình Dương dự kiến dành 9.800 tỷ đồng để chống sạt lở đến năm 2030. Ảnh: Trần Trung.

Kế hoạch nêu rõ, trước yêu cầu trong nhiệm vụ phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do tình trạng sạt lở bờ sông gây ra, Bình Dương tổ chức rà soát, bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường quản lý các hoạt động tại khu vực bờ sông, nhất là quản lý khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông và xử lý sạt lở bờ sông để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân và nhà nước.

Đồng thời, điều tra cơ bản về sạt lở, dân cư và công trình hạ tầng ven sông trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở, dân cư và công trình phòng, chống sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông. Bên cạnh đó Bình Dương cũng triển khai xây dựng bờ kè, cống kiểm soát triều cường tại điểm thường xuyên sạt lở, nâng cấp cải tạo các tuyến đường giao thông, đê bao ven sông.

UBND tỉnh Bình Dương cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với các địa phương chỉ đạo, triển khai phòng, chống sạt lở đối với lĩnh vực quản lý để giảm thiểu tác động gây sạt lở bờ sông.

Quan điểm của Bình Dương là phòng chống sạt lở phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng. Ảnh: Trần Trung.

Quan điểm của Bình Dương là phòng chống sạt lở phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, quan điểm của địa phương là phòng, chống sạt lở bờ sông cần được thực hiện đồng bộ; xử lý cấp bách trước mắt, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, không làm tăng nguy cơ sạt lở, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, phòng, chống sạt lở phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng. Đề cao sự tham gia của cộng đồng đối với công tác quản lý bờ, lòng sông; tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nhất là của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hưởng lợi trong phòng, chống sạt lở.

“Trong phòng chống sạt lở cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, dễ thi công, có thể sử dụng nhiều lần, giá thành phù hợp, kết hợp với giải pháp truyền thống. Quản lý hiệu quả nguồn nước, giảm thiểu các yếu tố tác động gây sạt lở bờ sông”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.