| Hotline: 0983.970.780

Chống sạt lở bờ sông [Bài 1]: Dân Bến Cát ‘đến hẹn lại lo’

Thứ Hai 27/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

Những năm qua, người dân sống ven sông Sài Gòn và đê An Tây thuộc thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương luôn sống trong tình trạng ‘đến hẹn lại lo’ vì sạt lở.

Báo động đỏ

Chúng tôi trở lại khu vực ấp An Thanh, xã An Tây, thị xã Bến Cát, nơi xảy ra vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng vào 18/7 vừa qua buộc tỉnh Bình Dương phải công bố tình huống khẩn cấp. Hiện người dân nơi đây đã cơ bản ổn định cuộc sống nhưng vẫn còn nặng nỗi lo sạt lở thường trực.

Khu vực sông Sài Gòn đoạn qua địa phận xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực sông Sài Gòn đoạn qua địa phận xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Ông Đặng Văn Tám ở cách hiện trường vụ sạt lở không xa bồi hồi nhớ lại: Khoảng 2 giờ đêm ngày 18/7/2023, sau khi nghe một tiếng nổ lớn, hơn 70 mét đất dọc bờ sông Sài Gòn của nhiều hộ dân đã bị nuốt chửng, vết sạt lở ăn sâu vào đất liền hơn 30 mét và có nguy cơ tiếp tục mở rộng khiến người dân trong khu vực không khỏi bất an.

“Nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa bão bà con nơi đây lại lo sạt lở, việc đi lại, sinh kế, thậm chí tính mạng đang phụ thuộc vào phản ứng nhanh nhạy, cách giải quyết rốt ráo, đúng trách nhiệm của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng làm sớm chừng nào chúng tôi yên tâm chừng đó”, ông Tám chia sẻ.

Ngay sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường giúp người dân khắc phục hậu quả. Qua kiểm tra rà soát, do được cảnh báo trước, nên vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng đã cuốn trôi khoảng 2.345 m2 đất và 1 căn nhà.

Hiện trường vụ sạt lở bất ngờ diễn ra vào đêm 18/7 vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

Hiện trường vụ sạt lở bất ngờ diễn ra vào đêm 18/7 vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

Theo UBND thị xã Bến Cát, trên địa bàn có 2 sông lớn đi qua là Sài Gòn và Thị Tính. Qua rà soát, thống kê, dọc sông Sài Gòn có khoảng 10 vị trí sạt lở với tổng chiều dài trên 3.000 mét. Các vị trí này xảy ra từ năm 2011, đến nay đã ổn định, không phát sinh thêm.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Bến Cát đến năm 2025 và quy hoạch nông thôn mới các xã được phê duyệt, khu vực ven sông Sài Gòn, Thị Tính được định hướng phát triển nhà vườn, mật độ thấp kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Do chưa đầu tư xây dựng hệ thống đê bao cho toàn tuyến, cặp bờ sông có kết cấu đất, dưới tác động của dòng chảy tự nhiên và mưa lũ đã gây ra sạt lở đất một số vị trí. Trước tình hình đó, một số hộ dân có đất ven sông đã chủ động xây dựng kè để bảo vệ đất và tài sản gia đình, có trường hợp có phép xây dựng công trình, có trường hợp không xin phép.

Để vấn đề được giải quyết từ gốc rễ, UBND thị xã Bến Cát tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở nhằm giảm nguy cơ rủi ro gây ra. Các ngành, địa phương sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân về trình tự thủ tục để được cấp phép thi công các công trình phòng, chống sạt lở, xây dựng, đất đai theo quy định.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương và lãnh đạo địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường giúp dân khắc phục sự cố. Ảnh: Trần Trung.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương và lãnh đạo địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường giúp dân khắc phục sự cố. Ảnh: Trần Trung.

Trong chuyến khảo sát sau vụ sạt lở tại khu vực ấp An Thanh, ông Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thị ủy Bến Cát đề nghị chính quyền địa phương cần phối hợp các ban, ngành thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình khai thác khoáng sản trái phép; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cải tạo, xây dựng các công trình dọc theo sông; không để xảy ra tình trạng xây dựng mới không phép, sai phép.

“Đối với các công trình hiện hữu cần xem xét có phù hợp với quy hoạch, nếu không phù hợp quy hoạch thì kiên quyết xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với với quy hoạch chung của thị xã, góp phần phát triển du lịch đường sông rất có tiềm năng”,  ông Bùi Minh Thạnh nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức đến hành động

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có 60 điểm sạt lở cũ từ các năm trước ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông và nhà ở của người dân.

Bình Dương hiện có nhiều điểm sạt lở do hệ thống đê bao còn thiếu và yếu. Ảnh: Trần Trung.

Bình Dương hiện có nhiều điểm sạt lở do hệ thống đê bao còn thiếu và yếu. Ảnh: Trần Trung.

Nguyên nhân gây sạt lở được Bình Dương xác định là sông Đồng Nai, Sài Gòn ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều nên chế độ dòng chảy sông liên tục thay đổi theo triều cường. Khi triều cường rút, mực nước sông xuống thấp thì trọng lượng khối đất và áp lực nước thấm từ bờ ra sông đều tăng lên, đất bờ sông bị thay đổi trạng thái khô - ướt liên tục, gây nứt nẻ làm giảm lực liên kết giữa chúng gây ra sạt lở. Tại các khu vực bờ lõm của khúc sông cong hoặc khu vực ngã ba sông (ngã ba sông Đồng Nai - sông Bé và sông Sài Gòn - sông Thị Tính) là những nơi có lưu tốc dòng chảy mạnh hình thành nên các dòng xoáy, dòng chảy vòng, tạo nên các hố xói sâu gây sạt lở.

Ngoài ra, mặc dù đã cấm nhưng hiện tượng lén lút khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai vẫn diễn ra, gây sạt lở. Hoạt động của các bến thủy nội địa, neo tàu thuyền vào bờ, sóng do tàu thuyền di chuyển vỗ vào bờ làm tăng gia tải mép bờ sông dễ gây sạt, trượt. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, việc san lấp mặt bằng, xây dựng nhà và công trình lấn chiếm bờ sông, rạch ngày càng tăng làm tăng tải trọng lên mép bờ, kết hợp với các nguyên nhân khách quan làm tăng nguy cơ sạt lở…

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bình Dương, cho biết trong thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai và xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Nhờ làm tốt công tác công tác này, Bình Dương đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Từ đầu năm đến ngày 13/11/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 thiên tai, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 5,8 tỷ đồng.

Về chiến lược, kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai, đến nay tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược Phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch thực hiện chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các kế hoạch tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định, chính sách trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai  trong cộng đồng;

Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho lực lượng làm nhiệm vụ, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; hoàn thiện các kế hoạch, phương án trên cơ sở bám sát thực tế để triển khai hiệu quả, đồng bộ; đầu tư, nâng cấp nâng cao năng lực thiết kế, khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu các công trình hạ tầng phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương tập trung triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Trung.

Bình Dương tập trung triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Trung.

Trong đó, có dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven sông Sài Gòn với diện tích khoảng 2.200 ha đất nông nghiệp, vườn cây ăn trái, kết hợp giao thông, chỉnh trang đô thị.

“Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai xem xét có ý kiến với các bộ, ngành liên quan một số nội dung sớm phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện Trị An và hồ thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và chuyển giao cho địa phương, các chủ đập để xây dựng phương án ứng phó các tình huống khẩn cấp. Lập quy hoạch đê điều, phòng lũ sông Sài Gòn, Đồng Nai, quy hoạch phòng chống thiên tai khu vực Đông Nam bộ làm cơ sở cho địa phương xây dựng các phương án phát triển hệ thống đê điều, thủy lợi tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, hỗ trợ cấp trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho địa phương từ nguồn dự trữ nhà nước nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu trang thiết bị cho lực lượng tham gia ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2021/NĐ-CP để khắc phục các hạn chế, tồn tại thời gian qua”, ông Phạm Văn Bông nhấn mạnh.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng tường, đắp bao cát chống tràn vào bến Ninh Kiều

Cần Thơ Để ngăn nước tràn vào bến Ninh Kiều thời điểm triều cường vượt báo động III, ngành chức năng quận đã tạm thời cho nâng tường, đắp bao cát.