| Hotline: 0983.970.780

Chống sạt lở bờ sông: [Bài 2] Chuyện ở cù lao Rùa

Thứ Ba 28/11/2023 , 13:46 (GMT+7)

Được bao bọc bởi sông Đồng Nai, từ lâu, cù lao Rùa là điểm nóng sạt lở của tỉnh Bình Dương, nay đã từng bước đổi thay…

Mối nguy hà bá nuốt chửng

Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở ở khu vực cù lao Rùa thuộc xã Thạnh Hội, thành phố Tân Uyên diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương.

Ông Mai Văn Thái bên phần đất gia đình bị hà bá nuốt chửng. Ảnh: Trần Trung.

Ông Mai Văn Thái bên phần đất gia đình bị hà bá nuốt chửng. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ tay về nơi trước đây là hàng cây ăn trái trĩu quả nhưng giờ chỉ còn khoảng nước mênh mông, ông Mai Văn Thái ở ấp Phước Thạnh, xã Thạnh Hội cho biết, ông sống ở đây hơn 40 năm, lúc trước gia đình ông sở hữu gần 1.000 m2 nhưng nay chỉ vỏn vẹn chưa đầy 400 m2.

“Ngoài gia đình tôi, khu vực này còn có gần 20 hộ luôn sống trong cảnh bất an mỗi khi mùa mưa lũ, thậm chí có gia đình buộc phải di dời đến nơi ở mới do sạt lở ăn tới cạnh mép nhà. Vào những lúc mưa to, chúng tôi luôn thấp thỏm vì sợ căn nhà trôi xuống sông”, ông Thái nói.

Khu vực sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn xã Thạnh Hội. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn xã Thạnh Hội. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phùng Tấn Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết thêm, đặc thù là xã cù lao được bao bọc bởi 2 nhánh sông Đồng Nai với tổng chiều dài giáp sông khoảng 12 km. Mỗi khi tới mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về lớn lại chảy xiết, cùng với các nguyên nhân khách quan khác đã gây sạt lở một số điểm trên địa bàn xã, trong đó có 7 điểm nguy cơ cao.

Theo ông Phát, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích có niên đại 3.500 - 3.000 năm tại xã Thạnh Hội, mang nhiều dấu ấn của công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam của dân tộc. Khu khảo cổ này đã được công nhận là Khu di tích khảo cổ cấp Quốc gia vào năm 2009. Tình trạng sạt lở đã khiến vùng cù lao này bị thu hẹp hơn 10 ha (hiện tổng diện tích chỉ còn gần 277 ha), riêng phần cổ rùa đã bị xâm lấn mất 2/3, hiện chỉ còn dài khoảng 60 mét, nguy cơ cù lao bị xẻ đôi nếu phần cổ rùa không được bảo vệ.

Dấu tích vụ sạt lở gần nhất còn lưu lại tại khu vực cù lao Rùa. Ảnh: Trần Trung.

Dấu tích vụ sạt lở gần nhất còn lưu lại tại khu vực cù lao Rùa. Ảnh: Trần Trung.

“Để giảm thiểu thiệt hại thiên tai gây ra, vào mùa mưa bão chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân chủ động các giải pháp ứng phó, di dời các hộ dân ở vị trí xung yếu đến nơi an toàn. Đến nay, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, việc người dân mất đất do sạt lở là không thể tránh khỏi, chúng tôi đã có báo cáo về thành phố Tân Uyên để có giải pháp dài hơi”, ông Phùng Tấn Phát nhấn mạnh.

Diện mạo mới bên công trình chống sạt lở

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương, nguyên nhân của vấn đề sạt lở do hệ quả tình trạng khai thác cát lậu tung hoành trong những năm qua, ngoài ra, cù lao hứng chịu tác động xả lũ của hồ Trị An. Cùng với đó, đây là tuyến giao thông thủy quan trọng, có nhiều tàu trọng tải lớn di chuyển trên sông đã làm đôi bờ cù lao sạt lở nghiêm trọng, đáy sông bị xoáy sâu đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.

Diện mạo bờ kè chống sạt lở tại khu vực phía đông trên cù lao Rùa. Ảnh: Trần Trung.

Diện mạo bờ kè chống sạt lở tại khu vực phía đông trên cù lao Rùa. Ảnh: Trần Trung.

Năm 2017, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh nghiên cứu, đánh giá để có căn cứ khoa học, đề ra giải pháp chống sạt lở tại cù lao Rùa. Hiện nay, đoạn ngay cổ cù lao Rùa (2 bên nhánh sông lớn và nhánh sông nhỏ) đã được nhà nước quan tâm và xây dựng bờ kè chống sạt lở để bảo vệ đất, nhân dân rất phấn khởi, vui mừng trước sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Sống cách bờ kè không xa, bà Nguyễn Thị Tắng phấn khởi chia sẻ: “Khi nhà nước có chủ trương xây dựng bờ kè, chúng tôi sẵn sàng hiến đất và tạo hành lang thông thoáng để nhà nước triển khai. Từ ngày có bờ kè, tôi thấy cảnh quan đẹp, gia đình tôi có thể ngủ an giấc. Trước đây, gia đình cũng không dám canh tác gì cả, giờ có kè, tôi đang tính trồng cây ăn quả và mở quán nước nho nhỏ để cải thiện thu nhập nâng cao đời sống”.

Công trình được kiên cố bằng thảm đá bọc PVC đủ sức chống chịu thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Công trình được kiên cố bằng thảm đá bọc PVC đủ sức chống chịu thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phùng Tấn Phát cho biết thêm, công trình có chiều dài gần 1.000 mét với hình thức kè mái nghiêng, kết cầu “mềm sinh thái” được gia cố bằng thảm đá bọc PVC kết hợp hành lang đi bộ và điện chiếu sáng. Sau gần 1 năm xây dựng, tháng 9/2022 công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Bước đầu, công trình đã khắc phục tình trạng sạt lở khu vực trọng yếu, cơ bản giúp người dân an tâm lao động sản xuất.

“Tuy nhiên, trên địa bàn xã vẫn còn 6 đoạn có nguy cơ cao bị sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Bà con nơi đây kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, sớm xây dựng bờ kè tại 6 đoạn có nguy cơ sạt lở còn lại để người dân an tâm sinh sống và phát triển kinh tế”, ông Phùng Tấn Phát nói.

Nhiều giải pháp thực thi

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương, trước yêu cầu trong nhiệm vụ phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do tình trạng sạt lở bờ sông gây ra, tỉnh Bình Dương đưa ra kế hoạch cụ thể cấp bách và lâu dài nhằm rà soát, bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường quản lý các hoạt động tại khu vực bờ sông. Đặc biệt là kế hoạch quản lý khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông và xử lý sạt lở bờ sông để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân và nhà nước.

Khu vực phía tây trên cù lao Rùa cũng được kiên cố hóa. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực phía tây trên cù lao Rùa cũng được kiên cố hóa. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, để khắc phục vấn đề sạt lở tại khu vực cù lao Rùa nói riêng, trên địa bàn Bình Dương nói chung, UBND tỉnh Bình Dương đã cấm khai thác cát và đang tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn trên sông Đồng Nai và các đoạn sông khác qua địa bàn tỉnh. 

Song song đó, Bình Dương quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông. Cụ thể, khi xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là xây dựng các khu đô thị, dân cư, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng ven sông phải đề phòng nguy cơ sạt lở.

Người dân khu vực 'cổ rùa' trên cù lao Rùa có thể an giấc và yên tâm lao động sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Người dân khu vực "cổ rùa" trên cù lao Rùa có thể an giấc và yên tâm lao động sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng triển khai xây dựng bờ kè, cống kiểm soát triều cường tại điểm thường xuyên sạt lở, nâng cấp cải tạo các tuyến đường giao thông, đê bao ven sông.  Đến năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông; đến năm 2030, hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính có diễn biến xói, bồi phức tạp cần chỉnh trị.

“Đối với khu vực cù lao Rùa, UBND tỉnh sẽ xem xét cân đối nguồn vốn khi có khả năng để đầu tư xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh các công trình chống sạt lở cho các đoạn còn lại xung quanh cù lao Rùa”, ông Vũ Ngọc Thìn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Dương khằng định.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.