| Hotline: 0983.970.780

Chủ động giảm lệ thuộc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Thứ Ba 19/04/2022 , 22:07 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu không dần tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngành chăn nuôi rất khó phát triển bền vững trước biến động liên tục của thế giới.

Phụ thuộc 65% nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2020, cả nước cần khoảng 31,2 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó trong nước chỉ cung cấp được khoảng 35%, số còn lại từ nguồn nhập khẩu.

Trong tổng số nhu cầu các nguyên liệu thức ăn tinh, nhóm nguyên liệu cung cấp năng lượng  (các  loại  hạt  ngũ cốc:  ngô,  cám,  lúa  mỳ,  tấm... và củ sắn) chiếm tỷ trọng trên 65% (tương đương 21 triệu tấn); nhóm nguyên liệu cung cấp đạm (đạm thực vật, khô dầu các  loại, bã ngô, DDGS; đạm động vật, bột  thịt xương, bột cá...) chiếm trên 27% tương đương 8,5 triệu tấn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp bàn giải pháp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi và tiến tới giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào chiều 19/4. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp bàn giải pháp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi và tiến tới giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào chiều 19/4. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, xét về tổng thể, lượng nguyên liệu thức ăn tinh sản xuất trong nước dành cho chăn nuôi rất hạn chế.

Cụ thể, ngô khoảng 3 triệu tấn/năm, cám gạo khoảng 4 triệu tấn/năm, sắn khô khoảng 2,5 triệu  tấn/năm, bột cá và phụ phẩm từ thủy sản khoảng 100 nghìn tấn/năm, thức ăn bổ sung khoảng 120  nghìn tấn/năm, các loại nguyên liệu khác (mỡ cá, tấm gạo, bột đá...) khoảng 500 nghìn tấn/năm.

“So với sản lượng ngũ cốc trên thế giới, số liệu này đã chứng minh rằng Việt Nam chưa có lợi thế cạnh tranh sản xuất nguyên liệu ngũ cốc dùng trong chăn nuôi”, ông Thắng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, nước ta cũng không có diện tích đồng cỏ tự nhiên lớn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020, diện tích trồng cỏ các loại, chủ yếu là cỏ voi của nước ta là trên 172 ngàn ha. Còn theo Viện Nghiên cứu ngô, hiện nay nước ta trồng khoảng gần  50.000 ha ngô sinh khối  làm thức ăn cho gia súc nhai lại. Sản lượng cỏ, chủ yếu là cỏ voi có thể đạt bình quân 300-500 tấn/ha/năm và ngô sinh khối đạt khoảng 150  tấn/ha/năm.

Phát triển giống ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc. Ảnh: Bá Thắng.

Phát triển giống ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc. Ảnh: Bá Thắng.

Các loại phụ phẩm từ ngành chế biến thủy sản như cá, tôm, cua, ốc... của Việt Nam hiện  nay  hầu  hết đã được tận  dụng  làm thức ăn chăn nuôi, nhưng mới  chỉ  dừng lại chủ yếu ở công nghệ đơn giản như sấy nghiền trong sản xuất (ví dụ: bột cá, bột vỏ  sò,  bột  tôm,  mỡ  cá,  dầu  cá...). 

Công  nghệ ủ chua phụ  phẩm làm  thức ăn cho  gia  súc  ăn cỏ  chủ yếu  áp  dụng ở  quy  mô  trang  trại. Nhiều nguyên liệu phụ phẩm nông, công nghiệp như rơm lúa, bã bia, bã dứa, bã sắn, vỏ điều, vỏ cà phê đã được tận dụng chế biến làm thức ăn chăn nuôi nhưng chưa hiệu quả vì công nghệ còn lạc hậu.

Hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm của Việt Nam còn nhỏ lẻ, do đó chưa tận thu được các phụ phẩm từ  loại hình này để sản xuất, chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Hơn nữa nữa các loại phụ phẩm như nội  tạng, tiết gia  súc, gia cầm từ cơ sở giết mổ chăn nuôi tại nước ta vẫn dùng làm thực phẩm cho người, trong khi tại các nước phát  triển  các sản  phẩm này được chế biến thành bột thịt xương, bột máu, bột lông vũ thủy phân... làm thức ăn chăn nuôi.

Cần quy hoạch vùng trồng cây làm thức ăn chăn nuôi

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu chọn lọc và phát triển được nhiều loại giống cỏ, cây thức ăn cho gia súc như các giống cây hòa thảo trồng cạn, giống cây hòa thảo chịu úng ngập và các nhóm cây họ đậu dùng cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ, nhóm cây đa mục đích.

Kết quả đã xác định được một số giống cây ôn đới như yến mạch, giống này có hàm lượng protein khoảng 19%, năng lượng khoảng 4.300 calo và cho năng suất tương đối cao khoảng 60-65 tấn/ha/năm. Do đó đây là cây thức ăn chất lượng tốt, thích hợp cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt trong vụ đông ở Việt Nam.

Ngoài ra, cây cao lương (cao lương OP và cao lương ưu thế lai) đã và đang được trồng thử nghiệm ở rất nhiều nơi, cây này có giá trị dinh dưỡng, năng suất chất xanh cao đạt khoảng 250-300 tấn/ha/năm (siêu cao lương), rất thích hợp cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ; giống cỏ P.P. Kingrass ở vùng núi đạt 27,5 tấn/ha/năm vùng đất cao 38,4 tấn/ha/năm và vùng khô hạn chỉ đạt 19,7 tấn/ha/năm.

Nhiều mô hình trồng cỏ chăn nuôi, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao của các Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Tập đoàn TH, Công ty CP Vinamilk tiếp tục được mở rộng tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, do số lượng đàn bò sữa ngày một tăng, tình trạng thức ăn xanh bị thiếu hụt đang trở nên cấp bách hơn, nhất là trong mùa khô. Do vậy, để chủ động nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi, các công ty đã thu mua hàng ngàn tấn cây ngô tươi mỗi năm để phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Về lâu dài, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, cần phải quy hoạch vùng trồng cây làm thức ăn chăn nuôi gắn liền với quy hoạch phát triển chăn nuôi, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ từ khâu sản xuất, kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, quy trình công nghệ, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản xuất; đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển cây làm thức ăn cho gia súc, phục vụ chăn nuôi tập trung.

Cần phát triển thị trường phế phụ phẩm nông nghiệp

Theo ông Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ở nước ta đã và đang hình thành các cơ sở nuôi côn trùng từ chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp (ruồi lính đen, giun quế) và sản xuất bột côn trùng làm nguồn protein cho chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, cần thiết được nghiên cứu sâu thêm về công nghệ, thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư và quy mô sản xuất.

Số liệu của Tổng cục Thông kê năm 2019 cho thấy, cả nước xuất khẩu trên 291 ngàn tấn thức ăn thô xanh ủ chua, đạt doanh thu trên 29 triệu USD, tới 22 nước trong đó chủ yếu sang thị trường  Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản... với hơn 40 doanh nghiệp, xuất khẩu 13 chủng loại hàng hóa như thân ngô ủ chưa, bã mía ủ chua, ngô và đậu nành ủ chua, vỏ dứa, bã mía ủ chua...

Do đó, ngô sinh khối là cây có tiềm năng cao để phát triển cung cấp thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc trong nước và xuất khẩu, thay thế dần lượng thức ăn tinh nhập khẩu lớn như hiện nay nếu có các mô hình tổ chức sản xuất và công nghệ phù hợp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Cần phải tìm mọi cách để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào trong chăn nuôi. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Cần phải tìm mọi cách để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào trong chăn nuôi. Ảnh: Minh Phúc.

Tại cuộc họp bàn về giải pháp giảm thiểu chi phí đầu vào cho thức ăn chăn nuôi chiều 19/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chi phí thức ăn chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, do đó cần phải tìm mọi cách để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt là nghiên cứu các công thức phối trộn, bổ sung các loại phụ phẩm từ ngành trồng trọt, thuỷ sản, chăn nuôi để thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu bao gồm cả thức ăn tinh, đạm và thức ăn bổ sung.

Để làm được điều đó, cần hình thành và phát triển thị trường phế phụ phẩm nông nghiệp (để người không có nhu cầu trao đổi, mua bán với người có nhu cầu) và đẩy mạnh nền nông nghiệp tuần hoàn để tận dụng toàn bộ phụ phẩm, giảm lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Bộ trưởng lưu ý: “Khi dùng từ 'thay thế' nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu như ngô, đậu tương bằng nguyên liệu trong nước, chúng ta thấy khó khăn vì nhiều quốc gia có lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như trình độ sản xuất hơn Việt Nam”.

Nhưng, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng, chúng ta hãy cởi mở tư duy hơn, đừng nghĩ “thay thế” là lấy cái này đổi cái kia, rồi ngưng nhập khẩu ngô, đậu tương để sản xuất trong nước. Ví dụ, chúng ta hãy thay thế dần dần nguyên liệu tinh bột ngô từ 5% rồi đến 10-15% bằng các loại ngũ cốc khác như lúa gạo, lạc, sắn… Bởi mỗi sự thay đổi nhỏ sẽ tạo ra những kết quả to lớn, bởi chúng ta có hàng chục triệu hộ chăn nuôi.

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã sản xuất và cung ứng sản phẩm phụ trợ cho lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp của địa phương. Qua đó vừa góp phần tạo ra ngành nghề mới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.