Từ 26 - 28/3 tại Ninh Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với FAO tổ chức lớp tập huấn “Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn sinh sản”.
Lớp tập huấn được tổ chức tại Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư Ninh Bình, với sự tham gia của 21 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ chuyên môn, cộng tác viên khuyến nông tại các huyện, xã... trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Lớp tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp, trang bị những kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, các cơ sở chăn nuôi lợn sinh sản bố mẹ quy mô vừa và nhỏ... Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen trong chăn nuôi theo hướng chất lượng, an toàn, bền vững, giá trị cao.
Bên cạnh đó, lớp tập huấn là dịp để đánh giá bộ tài liệu "Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn sinh sản quy mô vừa và nhỏ" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) xây dựng.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các địa phương, hội đồng chuyên gia biên soạn sẽ nghiên cứu, xem xét, bổ sung, chỉnh sửa những nội dung trong bộ tài liệu cho sát với thực tế chăn nuôi tại Việt Nam. Trong đó, chú trọng đến những vấn đề, lỗi thường gặp trong quá trình thực hành an toàn sinh học chăn nuôi lợn sinh sản quy mô vừa và nhỏ.
Khi bộ tài liệu được hoàn thiện sẽ tiến hành in ấn, phát hành rộng rãi tới hệ thống khuyến nông trên toàn quốc và cập nhật lên website của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm tài liệu phục vụ lâu dài cho công tác đào tạo, tập huấn ToT, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học cho nông dân...
Trên cở sở đó, lớp tập huấn tập trung trao đổi, thảo luận các chuyên đề: Những vấn đề thường gặp trong chăn nuôi lợn sinh sản quy mô vừa và nhỏ và nguyên nhân; một số giải pháp kỹ thuật về giống lợn, chuồng trại; giải pháp kỹ thuật chăn nuôi lợn đực giống; thực hiện an toàn sinh học trong cơ sở chăn nuôi; giải pháp về chăn nuôi lợn nái sinh sản; giải pháp về chăn nuôi lợn con theo mẹ...
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi đang đối diện với rất nhiều khó khăn nhất là giá các loại vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi không tăng.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn vẫn diễn biến hết sức phức tạp và chưa có vacxin đặc trị, gây thiệt hại rất lớn cho người sản xuất, gián đoạn đà tăng trưởng chăn nuôi của nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp tối ưu, tiết kiệm và hiệu quả nhất giúp hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.
“Nếu thực hành chăn nuôi an toàn sinh học tốt, sẽ tiết kiệm được chi phí mua vacxin. Không để phát sinh dịch bệnh, không cần dùng đến kháng sinh, từ đó không còn hiện tượng tồn dư kháng sinh trên sản phẩm thịt. Bên cạnh đó, kiểm soát dịch bệnh tốt giúp khả năng sinh trưởng phát triển của vật nuôi cao hơn, lượng thức ăn tiêu tốn sẽ giảm đi... Tích hợp các yếu tố lại, người chăn nuôi sẽ nâng cao được lợi nhuận”, bà Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hạnh, trên thực tế đã có rất nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn, tài liệu về chăn nuôi an toàn sinh học… trên đàn lợn được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông các tỉnh đưa tới tận tay các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, việc hiểu, áp dụng vào sản xuất ở nhiều hộ vẫn còn rất mơ hồ, chưa chính xác dẫn tới dịch bệnh vẫn xảy ra.
Hằng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia liên tục cập nhật, bổ sung, xây dựng các tài liệu về chăn nuôi an toàn sinh học, các quy trình thực hành chăn nuôi tốt trên từng đối tượng vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn ToT cho cán bộ khuyến nông các cấp và người chăn nuôi về các quy trình chăn nuôi an toàn, quy trình chứng nhận an toàn dịch bệnh, chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt...
Trên tinh thần đó, bà Hạnh bày tỏ mong muốn: Các học viên của lớp tập huấn với vai trò là cán bộ phụ trách nông nghiệp, khuyến nông tại các địa phương, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, lan tỏa những nội dung về chăn nuôi an toàn sinh học tới cộng đồng để hoạt động này thực sự đi vào cuộc sống, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân...