| Hotline: 0983.970.780

Chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài dây dưa nộp phạt sẽ bị kê biên tài sản

Thứ Tư 24/08/2022 , 17:57 (GMT+7)

Bến Tre có 28 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, tuy nhiên vẫn còn 22 quyết định xử phạt chưa được thực hiện đầy đủ với số tiền lên tới 16,36 tỷ đồng.

IMG_4433

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra thực địa hạ tầng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về tình hình triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, hạ tầng thủy sản, quản lý nuôi trồng thủy sản, tình hình khai thác và quản lý bảo tồn biển.

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết, tỉnh hiện có gần 3.800 tàu cá đăng ký, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 2.062 chiếc. Đặc trưng nghề cá của tỉnh là lưới kéo (chiếm 68,6%), tiếp đên là lưới rê (12,6%), dịch vụ hậu cần (4,7%), còn lại là lưới vây, câu… Sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 200 nghìn tấn. Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác ước đạt trên 150 nghìn tấn. Tàu cá Bến Tre hoạt động khắp các vùng biển Đông và biển Tây Nam bộ, trong đó tàu hoạt động xa bờ là 563 tàu, hầu hết lên cá tại các cảng cá ở sông Đốc (Cà Mau).

Thực hiện các khuyến nghị của EC, Ban Chỉ đạo 689 tỉnh trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Năm 2022, tỉnh tập trung các mặt công tác: quản lý, giám sát hoạt động tàu cá; phối hợp, xác minh xử lý vi phạm của các tàu cá.

Qua đó, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá đạt 70,8% (tàu lớn từ 15m trở lên đạt trên 81%); cấp giấy phép khai thác đạt 60,7% (tàu lớn 15m trở lên đạt 96,2%). Đến nay, đã có 2.008/2.062 tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số còn lại đã ngưng hoạt động.

Qua giám sát, phát hiện 16 tàu vượt ranh, xử lý 3 thuyền trưởng với số tiền 115 triệu đồng; 2.343 lượt/769 tàu mất tín hiệu, qua sàng lọc mời làm việc 198 chủ tàu, nhắc nhở 79 chủ tàu, xử phạt vi phạm 4 tàu số tiền 80 triệu đồng, 2 tàu bị nước ngoài bắt, đang xử lý 21 tàu.

Tỉnh Bến Tre thành lập Tổ kiểm soát nghề cá gồm lực lượng của Chi cục Thủy sản, biên phòng, cảng cá đặt tại các cảng cá. Công tác kiểm tra phát hiện 3 trường hợp vi phạm: không có nhật ký thu mua chuyển tải, không khai báo tàu nhập cảng, đã xử lý hành chính với số tiền 29 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan Biên phòng đã kiểm tra hơn 77 nghìn lượt người trên 10 nghìn lượt phương tiện ra vào các cửa sông. Lực lượng Hải đội Biên phòng đã tổ chức 4 đợt tuần tra, kiểm soát 633 lượt tàu biển kết hợp phòng chống khai thác IUU, phát hiện và xử lý 13 trường hợp vi phạm với số tiền trên 305 triệu đồng.

Dù đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân thực thi chấp hành pháp luật trong khai thác thuỷ sản nhưng UBND tỉnh Bến Tre cũng thừa nhận, tình hình tàu cá tỉnh Bến Tre khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, tàu vi phạm đều có biểu hiện đối phó, thể hiện qua thiết bị giám sát đều bị mất tín hiệu trước khi bị bắt.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã xác minh làm rõ 9 tàu (5 chủ tàu) khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành 5 quyết định xử phạt 5 chủ tàu (9 tàu), tổng số tiền phạt 4,45 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, tàu vi phạm tăng 2 tàu.

Tính từ thời điểm Nghị định số 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, Bến Tre có 28 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Tất cả chủ tàu đều bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 20,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc nộp phạt của chủ tàu vi phạm còn hạn chế. Hiện còn 22 quyết định xử phạt chưa được thực hiện đầy đủ 16,36 tỷ đồng.

DSC_0901

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Bến Tre quyết liệt hơn nữa trong công tác chống khai thác IUU. Ảnh: Minh Đảm.

Qua báo cáo của địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng như đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đánh giá cao công tác triển khai khuyến nghị EC về chống khai thác IUU của tỉnh Bến Tre. Cùng với đó, Thứ trưởng đã chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót và đề nghị địa phương tăng cường thực hiện, quyết liệt xử lý hơn nữa.

Cụ thể như, vấn đề ghi chép nhật ký cần được thực hiện ngay tránh tình trạng “hồi kí”; kiểm soát 100% số tàu lớn đánh bắt xa bờ; làm tốt truy xuất nguồn gốc; tránh việc sử dụng lao động trẻ em; tăng cường xử lý hành vi vi phạm mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình; giảm tỷ lệ lưới kéo; bảo tồn đa dạng sinh học. Các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Chỉ huy Biên phòng và Công an địa phương, Chi cục Thủy sản cần phối hợp đồng bộ hơn nữa.

“Tỉnh cần rà soát lại gần 60 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Kiểm soát chặt chẽ những tàu cá hoạt động tại các vùng biển giáp ranh, đây là những tàu nguy cơ cao”, Thứ trưởng lưu ý.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục những thiếu sót, hạn chế mà đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã chỉ ra. Nói về một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng ngư dân Bến Tre khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, ông Cảnh cho biết, việc ra quyết định xử phạt nhưng chưa có chế tài khi chủ tàu vi phạm chậm nộp, không nộp như hiện nay chưa đủ sức răn đe. Tỉnh đang có chủ trương kê biên tài sản để các quyết định xử phạt mới đủ sức răn đe.   

Xem thêm
Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.