Các chỉ tiêu cảnh báo "thẻ vàng" được Quảng Ninh gỡ gồm kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; quản lý tàu và cấp giấy phép khai thác thủy sản; công tác an toàn thực phẩm tàu cá; xử phạt vi phạm hành chính khai thác thủy sản trái phép. Hai cảnh báo chưa thực hiện được là chứng nhận nguồn gốc thủy sản và xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản.
Đến thời điểm này, Quảng Ninh còn trên 7.300 tàu cá, giảm hơn 1.700 tàu cá so với thời điểm trước bị áp “thẻ vàng”, trong đó, có trên 3.850 tàu đã đăng ký vào phần mềm Cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; 210 tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt và đồng bộ thiết bị giám sát hành trình, có đăng ký, có giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; hơn 1.000 tàu cá ký cam kết an toàn thực phẩm và cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Riêng hơn 120 tàu trong tổng số hơn 960 tàu khai thác vùng lộng tiếp tục được các địa phương triển khai đăng ký theo quy định. Mục tiêu đến hết năm nay, 100% tàu có giấy phép khai thác thủy sản. Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài.
Trạm liên ngành kiểm soát tàu cá ra vào cảng Cái Rồng đặt tại Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) hoạt động từ năm 2021, hiện đang hoạt động 24/24h để kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phát mẫu, thu hồi nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.
Hơn 1 năm qua, trạm đã kiểm soát hơn 2.600 lượt tàu ra, vào cảng; hơn 3.500 tấn sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, thu 1.200 nhật ký khai thác và nhật ký thu mua thủy sản. Trong đó, từ đầu năm 2022 đến nay, trạm kiểm soát hơn 900 lượt tàu cá ra, vào cảng; gần 1.000 tấn thủy sản bốc dỡ qua cảng; cùng với các đơn vị chức năng tỉnh phát hiện, xử phạt trên 400 trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến khai thác thủy sản, phạt hành chính trên 2 tỷ đồng.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, hiện nay, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn vẫn đang trong quá trình đầu tư, chưa đủ điều kiện để công bố cảng cá vì vậy cần thời gian để tỉnh Quảng Ninh gỡ bỏ tiêu chí cảnh báo cuối cùng.
“Để khắc phục việc này, chi cục đã thiết lập 10 điểm kiểm tra, giám sát tàu cá dọc từ Móng Cái về tới Thị xã Quảng Yên để ngư dân có thể đến khai báo và cho cơ quan chức năng đến kiểm tra, góp phần cùng với Trung ương gỡ thẻ vàng", ông Minh cho biết.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Minh Sơn, Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng phát triển ngành thủy sản với diện tích nuôi trồng đạt 32.092ha. Ngành thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc gỡ "thẻ vàng" IUU được ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, phần hạ tầng cảng cá ở công trình này chưa được hoàn thiện theo quy định. Điều này khiến cho Quảng Ninh chưa đủ điều kiện để công bố cảng cá. Đồng nghĩa với việc chưa thể có tổ chức quản lý cũng như nội quy hoạt động, chưa có đánh giá tác động môi trường cảng cá hay triển khai các thủ tục bàn giao khu vực biển.
Đặc biệt, không có cảng cá sẽ không thể thực hiện hoạt động chứng nhận nguồn gốc thủy sản và xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản, trong khi đây đều là những tiêu chí, cảnh báo cứng của EC, buộc phải đạt được mới có thể gỡ “thẻ vàng” IUU.
Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 32.000ha, trong đó, 7.500ha nuôi tôm; 2.200ha nuôi cá biển; 9.500ha nuôi nhuyễn thể; 2.500ha nuôi nước ngọt và trên 10.000ha nuôi các đối tượng khác cùng 14.500 lồng nuôi. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 38.000 tấn. Trong đó, 11.500 tấn tôm; 15.100 tấn nhuyễn thể; 3.100 tấn cá biển; 6.100 tấn thủy sản nước ngọt các loại và 2.100 tấn thủy sản nuôi mặn, lợ khác.