Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh; mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, đồng thời duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và nâng hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đến nước thứ ba bằng đường sắt;
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực để duy trì đà phát triển quan hệ thương mại Trung - Việt theo hướng ngày càng cân bằng hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Hai bên nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất và tích cực thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, y tế. Phía Trung Quốc cam kết cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng chính phủ, đào tạo không dưới 1.000 giáo viên tiếng Trung cho Việt Nam.
Hai Tổng Bí thư đã đi sâu trao đổi nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai Tổng Bí thư nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là nền tảng xã hội và là nguồn sức mạnh cho quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, bền vững lâu dài.
Duy trì, ổn định trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng
Hai Tổng Bí thư đề nghị mỗi bên tiếp tục tạo điều kiện đi lại cho người dân hai nước, sớm khôi phục các chuyến bay thương mại, hợp tác du lịch, giao thương; tiếp tục tạo điều kiện để các địa phương, nhất là các địa phương biên giới hai nước, tăng cường giao lưu, hợp tác, đồng thời mở rộng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với một số địa phương giàu tiềm năng của Trung Quốc.
Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, hai bên nhất trí tăng cường quản lý hiệu quả đường biên giới theo các văn kiện, thỏa thuận ký kết giữa hai bên, thúc đẩy sớm vận hành thí điểm hợp tác du lịch tại khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Về vấn đề trên biển, hai Tổng Bí thư cùng cho rằng, đây là vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cả hai Đảng, hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phát huy tốt các cơ chế đàm phán trên biển, thúc đẩy phân định và bàn bạc về hợp tác phát triển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam trong thời gian gần nhất. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Trung Quốc Tập Cận Bình chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.