| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch tỉnh Nam Định yêu cầu thanh tra việc trục lợi tiền hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai 09/12/2019 , 19:48 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố tổ chức thanh, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

DTLCP hoành hành, khiến đàn lợn trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Hiện, 270 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy do dính dịch.

Thời gian qua, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát tại Nam Định đã gây ra thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, đây là đợt dịch bệnh lịch sử với ngành chăn nuôi lợn.

Đến ngày 5/12, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiêu hủy gần 270 nghìn con lợn (chiếm gần 35% tổng đàn lợn), tổng trọng lượng lợn tiêu hủy khoảng 14.500 tấn (chiếm gần 10% tổng sản lượng thịt lợn của tỉnh). Ước tính kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi trên 560 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã báo cáo, đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để tỉnh có nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Cùng với ngân sách Trung ương hỗ trợ, UBND tỉnh đã thu xếp các nguồn lực của ngân sách tỉnh để có nguồn hỗ trợ cho người dân.

Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 3 đợt kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện việc hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại bởi dịch bệnh là 386,8 tỷ đồng (gần nhất là ngày 27/11/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND tạm cấp kinh phí cho các huyện, thành phố 150 tỷ đồng).

“UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện việc hỗ trợ theo đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, đảm bảo công khai, minh bạch; không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đã có địa phương chưa làm tốt công tác hỗ trợ, đã để xảy ra vi phạm phải xử lý hình sự”, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho hay.

Từ thực tế trên, ông Nghị yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ DTLCP. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của số liệu báo cáo, về mức giá, số lượng lợn tiêu hủy, mức kinh phí đề nghị hỗ trợ. Và, thực hiện nghiêm việc công khai kinh phí hỗ trợ trên Đài phát thanh xã và tại các thôn, xóm.

Bên cạnh đó, tổ chức thanh, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Trước đó, báo NNVN có đưa tin, DTLCP xuất hiện trên địa bàn tại xã Hải An từ ngày 5/4 - 15/5/2019 với 201 hộ có lợn bị tiêu hủy. Tổng số lợn phải tiêu hủy 1.698 con, trọng lượng 82.647kg.

Ngày 17/6, UBND Hải An đã có tờ trình về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng, bao gồm kinh phí hỗ trợ chủ hộ chăn nuôi có lợn tiêu hủy là trên 3,1 tỷ đồng và kinh phí hỗ trợ công tác tiêu hủy hơn 165 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 9/2019, UBND huyện Hải Hậu nhận được thông tin phản ánh của người dân, có dấu hiệu sai phạm trong việc chi trả tiền hỗ trợ kinh phí phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 tại xã Hải An.

Qua kiểm tra, Đoàn công tác đã phát hiện trong số 201 bộ hồ sơ tiêu hủy lợn bệnh đợt 1 (từ 22/3-30/5/2019) của 201 hộ dân, UBND xã Hải An đã làm sai lệch hồ sơ (khai tăng số lượng, trọng lượng và sai lệch chủng loại) của 146 hộ dân.

Tổng trọng lượng khai khống là 8 tấn lợn nái, 20 tấn lợn thịt và tiến hành hợp thức hóa các thủ tục để “móc túi” tiền Nhà nước hơn 486 triệu đồng.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.

Bình luận mới nhất